Mô hình kinh tế Hiệu Quả Mô Hình Trồng Đậu Phộng Xen Sắn Ở Phú Yên

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Đậu Phộng Xen Sắn Ở Phú Yên

Publish date Sunday. May 13th, 2012

Huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có diện tích trồng sắn khá lớn với trên 4.100 ha, năng suất đạt 18,5 tấn/ha, trong khi đó năng suất sắn toàn tỉnh đạt 19 tấn/ha. Để sử dụng hợp lý tài nguyên đất canh tác sắn, tháng 11/2011, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình trồng sắn xen đậu phộng trên đất đồi để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình 2,5 ha tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) với giống đậu phộng LDH.01 và đậu Lỳ (giống đậu thuần đối chứng) trồng xen giống sắn SM 2075-18, KM 98-5 và KM 94. Khi trồng đậu phộng xen sắn, cả hai loại cây này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, ít cỏ dại hơn. Đến nay, đậu phộng đã cho thu hoạch với năng suất đạt 17,2 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với đậu phộng trồng thuần đối chứng; như vậy đậu phộng LDH.01 thu lãi gần 7 triệu đồng/ha, cao hơn đậu địa phương. Đối với sắn, tuy chưa thu hoạch (thời điểm thu hoạch vào tháng 11 và 12) nhưng thực tế mô hình rất khả quan, dự kiến năng suất giống sắn SM 2075-18, KM 98-5 đạt từ 28 đến 33 tấn/ha, cao hơn so với ngoài mô hình 6 - 8 tấn/ha. Như vậy mô hình trồng đậu phộng xen sắn thu nhập 69,8 triệu đồng/ha so với phương thức trồng sắn thuần là 28,7 triệu đồng/ha; lãi ròng trồng sắn xen đậu phộng trên 35 triệu đồng/ha.

Ông Võ Sự, một nông dân ở xã Xuân Phước thực hiện mô hình cho biết: “Trồng đậu phộng xen sắn trên đất gò đồi cho năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Nhờ trồng xen đậu phộng mà cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt hơn, giảm xói mòn, rửa trôi, tạo độ ẩm cho đất. Điều đáng quan tâm là hàm lượng tinh bột các loại sắn trên từ 25,2 đến 26,5% thay thế được giống KM 94 hiện đang nhiễm bệnh chổi rồng”.

Ông Đặng Văn Trọng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, huyện Đồng Xuân có địa hình đồi dốc lớn, dễ xói mòn. Bên cạnh đó khí hậu nóng gây ra tình trạng hạn đất và hạn không khí trong suốt 10 tháng liên tục; mưa lại xuất hiện nhiều từ tháng 10 đến tháng 11 là điều kiện khó khăn cho quá trình sinh trưởng phát triển cây trồng. Với kỹ thuật trồng đậu phộng xen sắn cải thiện được vấn đề xói mòn, rửa trôi đất. Phát huy hiệu quả của mô hình này, huyện đã tổ chức tập huấn cho 100 hộ nông dân để họ hiểu ý nghĩa vai trò của việc trồng đậu phộng xen sắn, kỹ thuật thâm canh 2 loại cây trồng này. Đồng thời, cũng tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của việc trồng đậu phộng xen sắn bằng giống mới để người nông dân chứng kiến tận mắt những thành quả mà mô hình mang lại.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, trồng đậu phộng xen sắn cho sản xuất lâu dài. Ngoài ra, sau khi thu hoạch đậu phộng, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, một phần được sử dụng để ủ và chế biến thành thức ăn vỗ béo bò. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, kết quả từ mô hình này mở ra triển vọng tăng hiệu quả kinh tế cho các vùng đất xám bạc màu trong tỉnh, góp phần bảo vệ tài nguyên đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn.

Related news

lang-nam-duoc-tiep-suc Làng Nấm Được Tiếp Sức duoc-mua-dau-nanh Được Mùa Đậu Nành