Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Sông

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Sông

Publish date Monday. December 15th, 2014

Nhằm giúp nhân dân sống ở vùng sông nước ổn định cuộc sống, nhiều năm qua, huyện Hải Lăng đã đầu tư và phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Từ hiệu mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Do sống ở vùng sông nước, lại không có đất ruộng để sản xuất, nên cũng như nhân dân ở thôn Văn Trị, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, gia đình anh Phạm Văn Thiện đã tập trung vào mô hình nuôi cá lồng trên sông Ô Giang, và đây cũng là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình anh.

Anh Thiện cho biết, trước đây làm nghề đánh bắt cá trên sông, cuộc sống bấp bênh, cái đói cái nghèo luôn là nỗi trăn trở thường nhật của gia đình. Tuy nhiên, năm 2006 khi thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông thì cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi hẳn. Với mỗi vụ anh nuôi gần 500 con cá trắm cỏ, 200 con cá chình … đã đem lại thu nhập cho gia đình anh từ 60- 70 triệu đồng/năm.

Anh Thiện cho biết thêm: “ Nuôi cá lồng trên sông hiệu quả rất cao, chất lượng cá cũng ngon hơn cá trong hồ, bởi cá nuôi trên sông có nguồn nước tự nhiên, lại bảo đảm vệ sinh môi trường. Điều đáng nói là nuôi cá lồng trên sông không sợ lụt bão và tiết kiệm rất nhiều về diện tích đất đào ao hồ. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi thoát được nghèo khó và có điều kiện nuôi con cái ăn học...”.

Ngoài gia đình anh Thiện, hiện toàn xã Hải Tân có gần 50 hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông với tổng số 80 lồng nuôi cá, (trong đó 27 lồng cá chình, số lượng đã thả 3.000 con, 51 lồng cá trắm cỏ, số lượng cá thả 10.000 con). Việc phát triển nuôi cá lồng đã giúp hàng chục hộ chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản thoát được cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống, góp phần đưa tổng giá trị nuôi trồng cá nước ngọt hàng năm của xã đạt trên 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Khánh Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết: “ Mô hình nuôi cá lồng trên sông ở Hải Tân phát triển rất hiệu quả, nhất là loại cá chình. Hiện chúng tôi tiếp tục mở rộng và tạo điều kiện để bà con phát triển mô hình này. Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi cá lồng trên sông đã giải quyết được công ăn việc làm ổn định cho một bộ phận dân cư sống bằng nghề sông nước, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã...”.

Hải Lăng là một huyện vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt và có nhiều sông, hồ… do vậy chủ trương phát triển nghề nuôi cá lồng là hướng đi đúng, thích hợp với điều kiện của phần lớn số hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông.

Tính đến nay toàn huyện đã có 120 lồng nuôi cá trên sông, với các loại cá có giá trị cao như trắm cỏ, chình, trê lai và rô phi đơn tính.... tập trung ở các xã Hải Tân, Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Trường. Nghề nuôi cá lồng trên sông đã trở thành nghề thoát nghèo cho nhiều hộ dân bao đời sống bằng nghề chài lưới. Đặc biệt là hạn chế được việc người dân dùng xung điện để đánh bắt cá, qua đó bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và môi trường ở địa phương.

Anh Dương Viết Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “ Những năm tới, Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện có chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ở các xã có hệ thống sông và hồ chứa nước. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trực tiếp cho các hộ, nhất là các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo để qua đó giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm” .

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=89394


Related news

lai-nua-ty-dong-nam-tu-rau-lua-ca Lãi Nửa Tỷ Đồng/năm Từ… co-hoi-thoat-ngheo-o-vung-ron-lu Cơ Hội Thoát Nghèo Ở…