Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Mối Và Thỏ

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Mối Và Thỏ

Publish date Friday. October 4th, 2013

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà Trần Thoại Phương (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn mối. Từ nguồn lãi nuôi rắn mối, bà đầu tư mở thêm trại nuôi thỏ. Nhờ thế, mỗi tháng, trang trại của bà cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Khởi nghiệp bằng nghề nuôi dế thương phẩm cung cấp cho các nhà hàng, tuy nhiên, việc nuôi loại côn trùng này đem lại lợi nhuận không cao nên bà Phương đã tìm đến loại vật nuôi khác. Bà cho biết: “Qua tìm hiểu trên mạng, tôi thấy mô hình nuôi rắn mối đang khá phát triển ở một số tỉnh, thành trong miền Nam. Trong khi đó, ở Khánh Hòa có rất ít gia đình nuôi loại động vật bò sát này.

Cuối năm 2011, tôi lặn lội vào Đồng Nai học hỏi kỹ thuật nuôi rắn mối”. Sau đó, bà Phương đầu tư xây dựng trang trại nuôi rắn mối. Qua 3 tháng thả nuôi khoảng 1.000 con, đàn rắn mối đã sinh sản ra khoảng 10.000 con và bắt đầu cho thu nhập. Đến nay, trại rắn mối của bà Phương đã có khoảng 15.000 con. Mỗi tháng, bà xuất bán 1.000 con; sau khi trừ đi các chi phí, bà thu lãi hơn 10 triệu đồng.

Theo bà Phương, rắn mối rất dễ nuôi, ít vốn, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Do là loài động vật bò sát nên rắn mối thường có tập tính phơi mình ngoài nắng.

Vì vậy, việc xây dựng chuồng nuôi cần theo dạng hở (nửa nắng, nửa mát) để có bãi tắm nắng cho rắn mối. Bên trong chuồng dùng gạch ống xếp chồng lên nhau để làm nơi trú ẩn cho rắn mối. Bên ngoài dùng tôn phẳng, cao khoảng 1m bao bọc xung quanh để ngăn rắn mối thoát ra ngoài. Phía trên dùng lưới mắt nhỏ rào lại cẩn thận nhằm ngăn chặn các loại động vật săn mồi vào gây hại.

Được biết, thức ăn của loài bò sát này rất đa dạng như: Mối, dế, châu chấu, đu đủ chín, dưa hấu, chuối, cháo gạo hoặc có thể cho ăn cám thực vật trộn với cá băm, phổi heo, bò. Ban đêm nên thắp đèn, một mặt tạo hơi ấm, một mặt để dụ các loại côn trùng bay vào làm mồi cho rắn mối.

Bình quân, một con rắn mối có giá bán khoảng 14.000 đồng. Nếu chăm sóc tốt, khoảng 3 tháng, rắn mối sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi lần có thể sinh từ 5 đến 8 con. Do đó, người nuôi có thể tự nhân giống đàn rắn mối của mình. Đặc biệt, đối với những con rắn mối chuẩn bị sinh sản, nên tách ra chuồng riêng; sau khi đẻ con xong, lại tách ra để tránh việc rắn mối con bị mẹ ăn thịt...

Không dừng lại ở đó, dùng lợi nhuận từ việc nuôi rắn mối, bà Phương đã đầu tư xây dựng trại nuôi thỏ. Từ 10 con giống ban đầu, đến nay, bà đã có 300 con thỏ, trong đó có 200 con thỏ sinh sản, 100 con thỏ thịt. Thỏ giống sau 3 tháng nuôi bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm đẻ từ 9 đến 10 lứa, mỗi lứa từ 4 đến 8 con.

Nuôi 3 đến 4 tháng, thỏ sẽ đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg/con. Bà Phương cho biết: “Nuôi thỏ không khó, chi phí đầu tư ít, chuồng có thể làm bằng lưới sắt, hoặc bằng tre, gỗ. Thức ăn chủ yếu là rau muống, khoai lang, củ sắn, các loại cỏ và thức ăn tinh.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, bà Phượng xuất chuồng khoảng 50 con thỏ thịt với giá bán khoảng 90.000 đồng/kg; riêng thỏ giống bán với giá 200.000 đồng/con. Ngoài ra, nguồn phân thỏ được bà thu gom bán cho các trại cây cảnh với giá 30.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, trại nuôi thỏ đem lại lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng.

Như vậy, từ mô hình nuôi rắn mối và thỏ, mỗi tháng, bà Phương lãi gần 20 triệu đồng. “Hiện nay, đầu ra của rắn mối và thỏ rất ổn định, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Nha Trang; các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội và các hộ dân có nhu cầu nhân giống” - bà nói.

Mô hình trang trại nuôi rắn mối và thỏ của bà Trần Thoại Phương đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, Hội Nông dân xã Phước Đồng cần nghiên cứu để có thể phát triển các loài vật nuôi này, góp phần đem lại thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đồng: Mô hình trang trại nuôi rắn mối và thỏ của bà Trần Thoại Phương đang phát triển rất hiệu quả. Đây là 2 loài vật nuôi có sức đề kháng cao, dễ nuôi, chí phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm dồi dào và cho thu nhập cao. Do đó, hiện nay, chúng tôi đang xem xét để tiến tới nhân rộng cho nhiều hộ nông dân trong xã.


Related news

kha-gia-nho-nuoi-bo Khá Giả Nhờ Nuôi Bò gio-moi-o-lang-ngheu-dat-mui “Gió Mới” Ở Làng Nghêu…