Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Tôm Cộng Đồng

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Tôm Cộng Đồng

Publish date Thursday. September 18th, 2014

Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp, HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) được mùa tôm sú. Với 19,5 ha ao nuôi trên tổng số 50 hộ dân tham gia, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ nuôi tôm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng, trong đó hộ lãi cao nhất gần 500 triệu đồng.

Chúng tôi về HTX Đông Giang 2 vào giữa vụ thu hoạch tôm. Trong niềm vui được mùa tôm, ông Hoàng Đình Anh, Chủ nhiệm HTX Đông Giang 2 cho biết, một trong những yếu tố quyết định thành công trong nghề nuôi tôm là phát huy tính cộng đồng, tránh tình trạng tự phát. Trước đây, nhận thấy lợi thế địa hình gần nguồn nước sông Hiếu, diện tích ao hồ nhiều nên nhiều hộ dân đã cải tạo ao hồ, ruộng đồng để phát triển nghề nuôi tôm.

Nuôi nhỏ lẻ, việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật còn hạn chế nên có vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hộ nuôi gần như mất trắng. Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ kém hiệu quả, khó áp dụng đúng kỹ thuật, dịch bệnh thường xuyên đe dọa làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, đến năm 2010, HTX Đông Giang 2 chuyển sang nuôi tôm thâm canh trên cơ sở phát huy tính cộng đồng.

Theo đó, tất cả các hộ nuôi thống nhất chia sẻ kinh nghiệm từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc đến cách phòng chống dịch bệnh..., các khâu đều được thực hiện triệt để, đồng loạt để đảm bảo mỗi hộ tham gia đều nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các thành viên khác.

Đồng thời, các thành viên nuôi tôm đều được tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm an toàn, bền vững thông qua các kênh khuyến nông, khuyến ngư... Nhờ vậy, trong 5 năm liên tiếp, khi các địa phương trong tỉnh tôm nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì các hộ nuôi tôm ở HTX Đông Giang 2 đều được mùa tôm.

Theo ông Anh, tính cộng đồng đã quyết định thắng lợi trong mỗi vụ tôm, trong đó cần đảm bảo 3 yếu tố cơ bản gồm môi trường, con giống và quy trình kỹ thuật.

Trước mỗi vụ nuôi, các hộ thống nhất cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, lấy nguồn nước từ sông Hiếu một lần duy nhất để đảm bảo độ mặn sau đó thực hiện cấp nước ngọt bổ sung để hạn chế nguồn dịch bệnh xâm nhập. Khi phát hiện dịch bệnh, các hộ nuôi phải thông báo kịp thời để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đặc biệt, khi tham gia nuôi tôm cộng đồng, trong quá trình nuôi các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau để chăm sóc tôm tốt hơn. Riêng trong việc chọn con giống, các hộ nuôi thống nhất mua con giống tại các trại nuôi uy tín của tỉnh Ninh Thuận. Sau khi nhập nguồn giống về không thả nhỏ lẻ theo từng hộ riêng biệt mà thả đồng bộ tại tất cả các ao nuôi vào một thời gian nhất định.

Nhờ có sự liên kết, hỗ trợ giữa các hộ với nhau được thực hiện tốt nên năng suất, sản lượng tôm nuôi đều cao hơn so với nuôi nhỏ lẻ trước đây. Riêng trong vụ tôm vừa qua, với 4,2 triệu tôm giống, sau hơn 3 tháng nuôi, tổng sản lượng tôm đạt trên 60 tấn, doanh thu 12 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, một số hộ lãi lớn như hộ ông Hoàng Văn Cường lãi trên 250 triệu đồng; Lê Văn Vũ lãi 300 triệu đồng; Hoàng Kim Thìn lãi gần 400 triệu đồng...

Bà Trần Thị Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Giang cho biết: “Mô hình nuôi tôm cộng đồng đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với các hộ nuôi tôm trên địa bàn phường. Trên cơ sở những kết quả đạt được, địa phương đang xin cấp trên mở rộng thêm 6,4 ha diện tích nuôi tôm để tăng thu nhập cho người dân. Đi đôi với mở rộng diện tích, địa phương cũng khuyến khích các hộ nuôi tiếp tục phát huy tính cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường, qua đó phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững”.


Related news

ca-that-lat-hau-giang-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly Cá Thát Lát Hậu Giang… canh-giac-voi-co-vay-von-theo-nghi-dinh-67 Cảnh Giác Với "Cò" Vay…