Tin thủy sản Hiệu quả từ mô hình ương nuôi cá giống tập trung

Hiệu quả từ mô hình ương nuôi cá giống tập trung

Author Hà Phương, publish date Friday. July 1st, 2016

Để khắc phục, thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt đã triển khai xây dựng một số mô hình ương nuôi cá giống tập trung tại các huyện Yên Mô, Yên Khánh, đối tượng chủ yếu là các giống cá truyền thống như: chép, trắm cỏ.

Thu hoạch cá giống tại gia đình ông Mai Văn Dự, thôn 4, xã Khánh Tiên (Yên Khánh).

Về xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) hỏi thăm khu vực nuôi cá giống của gia đình ông Mai Văn Dự, người dân ở đây ai cũng biết. Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, ông đã chủ động đấu thầu, chuyển đổi 2 ha đất lúa kém năng suất thành ao hồ nuôi cá giống nước ngọt, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Dự chia sẻ: Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên người nuôi phải rất tỉ mỉ. Việc cho ăn, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật riêng của nó. Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật nên gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Sau nhờ tích cực tham quan, học tập cộng với những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế, việc ương nuôi cá giống cũng đỡ vất vả và thành công hơn.

Đặc biệt, năm 2016, được Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình chọn tham gia thực hiện dự án “Hỗ trợ sản xuất cá trắm cỏ và xây dựng mô hình ương nuôi cá giống tập trung”, gia đình ông được Trung tâm hướng dẫn về kỹ thuật lại được hỗ trợ nguồn cá bột chất lượng nên cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, giống đẹp. Rất nhiều hộ nuôi cá ruộng từ Nho Quan, Gia Viễn đã tìm đến đăng ký mua để thả trong tháng 7 tới.

Không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt, ông Dự nói: “Nghề này cũng làm giàu được cô ạ! Năm nay với 15 - 16 vạn cá giống xuất bán, ít nhất gia đình tôi thu về cỡ 300 triệu đồng”.

Được biết, cùng tham gia Dự án lần này còn có 15 hộ nông dân khác ở xã Khánh Tiên và Khánh Cư, huyện Yên Khánh với tổng diện tích nuôi thả trên 7 ha. Hơn 148 vạn con cá trắm cỏ đã được hỗ trợ cho các hộ này. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ thức ăn, hóa chất, thuốc phòng bệnh.

Với chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật, toàn bộ cá giống tại các hộ đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt kích cỡ 39 - 45 con/kg, tỷ lệ sống 61 - 67%. Ước tính sản lượng cá giống từ mô hình là trên 74 vạn con, doanh thu ước đạt trên 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Khánh Cư cho biết: Hiện nay, Khánh Cư có trên 40 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với khoảng 20 hộ nuôi cá giống. Việc ương nuôi cá giống nhàn hơn so với cấy lúa nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Kết quả cho thấy nếu tiếp tục ứng dụng mô hình vào sản xuất đại trà sẽ góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn và tận dụng được công lao động nhàn rỗi.

Thu nhập từ nuôi trồng thủy sản cao hơn cấy lúa 3 - 4 lần, do vậy diện tích nuôi trồng thủy sản tại Ninh Bình không ngừng tăng lên qua các năm. Chỉ tính riêng diện tích lúa- cá tại các địa phương đã có tới 3 - 4 nghìn ha.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân thì hiện nay họ vẫn đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn giống, bởi thực tế nguồn giống cá nước ngọt trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu, phần còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh ngoài, chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như an toàn dịch bệnh ở các vùng nuôi.

Trao đổi với một số người nuôi cá ở huyện Nho Quan đến tham quan và đặt mua cá giống tại gia đình ông Mai Văn Dự, mọi người đều có chung một nhận xét: Lấy nguồn cá giống trong tỉnh, đặc biệt là cá giống của ông Dự chúng tôi rất tin tưởng, cá khỏe, tỷ lệ sống cao, việc vận chuyển cũng thuận tiện hơn rất nhiều, giá cả lại rất phải chăng.

Ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình cho biết: Nguồn giống hiện tại cung cấp cho nhu cầu của người nuôi chủ yếu nhập từ tỉnh ngoài thông qua những thương lái nhỏ lẻ, chất lượng con giống không đảm bảo, giá thành cao, con giống đôi khi còn bị nâng giá.

Mặt khác nuôi cá giống trong dân chủ yếu mang tính chất tận dụng, tự phát, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Vì vậy những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất một số loại cá giống truyền thống để chuyển giao đến người nuôi. Đồng thời tận dụng và phát huy những tiềm năng về diện tích nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy nghề sản xuất cá giống trong dân phát triển, tạo ra con giống chất lượng, giá thành phù hợp, cung cấp nhu cầu tại chỗ của người nuôi trong toàn tỉnh.

Được biết, năm 2015, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình cũng đã xây dựng thành công mô hình điểm vùng ương giống cá chép tại huyện Yên Mô với số lượng cá giống trên 24 vạn con.


Related news

khanh-hoa-loay-hoay-nang-tam-cho-ca-ngu-dai-duong Khánh Hòa loay hoay nâng… nong-dan-vung-kenh-dong-chua-man-ma-nuoi-ca-tom Nông dân vùng kênh Đông…