Tin nông nghiệp Hiệu quả từ những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP

Hiệu quả từ những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP

Author Quốc Việt, publish date Monday. June 25th, 2018

Thừa Thiên - Huế hiện có nhiều mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 1.057 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong đó, có khoảng 957 ha lúa, còn lại là rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. 

Điển hình là các mô hình trồng rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP như Quảng Thọ (40ha), rau Quảng Thành, huyện Quảng Điền (35 ha), hành lá Hương An, thị xã Hương Trà (17 ha), trồng rau trong nhà kính ở thành phố Huế… vì thế, đã cơ bản đáp ứng nguồn rau an toàn trên địa bàn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch. 

Vùng chuyên canh rau má theo tiểu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Thọ có 40 ha, doanh thu trên 16 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trước đây, cây rau má được người dân xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) trồng tự phát từ 10 năm nay. 

Năm 2012, với việc triển khai mô hình trồng rau má theo hướng VietGAP. Ông Cao Quảng Hạ tại thôn Phước Yên cho biết, gia đình ông đã trồng rau má hàng hóa theo tiểu chuẩn VietGAP trên diện tích 9 sào (khoảng 4.500m2), bình quân, mỗi tháng cắt được trên 2 tấn rau má tươi. Với giá bán hiện nay, ông thu về khoảng 13 - 15 triệu đồng/tháng.

Tính ra, mỗi năm với 10 lượt cắt, ông thu gần 150 triệu đồng. Trên cánh đồng này trước đây trồng lúa, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, trồng rau má năng suất đạt gần 50 tấn/ha/năm. Tính ra, hiệu quả kinh tế của cây rau má gấp 4 - 5 lần cây lúa. 

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, diện tích trồng rau má tại Quảng Thọ tăng khá nhanh. Theo quy hoạch, diện tích rau má toàn xã là 40 ha nhưng thực tế bà con trồng được gần 50ha, đa phần bà con chuyển đổi đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng rau má.

Hiện đầu ra cây rau má đang ổn định; nhất là khi sản phẩm trà rau má của hợp tác xã Quảng Thọ 2 gồm 2 sản phẩm chính là trà túi lọc và trà sao khô được tiêu thụ mạnh trên thị trường thì người trồng rau má càng có thêm cơ hội tăng thu nhập. 

Ông Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đối với diện tích lúa chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, mục đích nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm gạo phục vụ cho xuất khẩu.

Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên 3,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt từ 31 - 32 vạn tấn/năm. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã hình thành 14,5 nghìn ha vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao (chiếm 26,5%), chuyển khoảng 1 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, hoa màu có giá trị kinh tế, gần 4 nghìn ha vùng trồng lúa hàng hóa theo cánh đồng mẫu lớn. 

Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt được nhiều thành tựu, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng nhưng khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được coi trọng, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. 

Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế hết sức chú trọng khuyến khích và mở rộng mô hình sản xuất theo tiểu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo phương châm doanh nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp gắn với liên kết hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư nhằm tạo ra quy mô sản phẩm lớn, giá trị gia tăng cao. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tại một số địa phương trong tỉnh đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ sản xuất theo tiểu chuẩn VIETGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có ưu thế là đáp ứng yêu cầu sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn của nhà nước, nên tỉnh sẳn sàng hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất tiên tiến, đạt điều kiện an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp hóa, có tổ chức, quy mô hơn. 

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nông sản; giá bán sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thường cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường từ 10-30%. 

Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có lúc vẫn còn gặp khó khăn. Để hạn chế khó khăn đó, trong thời gian tới, tỉnh tổ chức tăng cường sản xuất có liên kết theo chuỗi, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cần được xác nhận; sản xuất gắn với các cơ sở tiêu thụ sản phẩm an toàn; triển khai ứng dụng tem điện tử trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản. 

Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến nông sản; tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ghi chép theo dõi sản xuất nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm.


Related news

trong-35-goc-du-du-ngoai-thu-15-trieu-dong-lua-dau Trồng 35 gốc đu đủ… dac-diem-sinh-hoc-va-mot-so-bien-phap-ky-thuat-can-luu-y-khi-nuoi-ran-ri-voi Đặc điểm sinh học và…