Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật cao
10 năm phát triển kinh tế với con tôm, ông Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vũ (Ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại) đã đúc kết những kinh nghiệm đắt giá để nuôi tôm hiệu quả. Hiểu rõ tập tính của con tôm, nắm vững kỹ thuật nuôi, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương thức quản lý hiệu quả, trong vụ nuôi năm 2017, ít có người nuôi tôm nào thắng lớn như cơ sở Hoàng Vũ.
Ông Hoàng Vũ giới thiệu ao nuôi tôm kết hợp mô hình thực nghiệm hệ thống tuần hoàn năng lượng từ chất thải sinh khối.
Làm chủ kỹ thuật nuôi
Năm 2017, trại nuôi tôm của ông Vũ có 12 ao nuôi, tổng diện tích 10ha, thả 2,7 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Sau 110 ngày nuôi, ông thu được 63 tấn tôm, kích cỡ tôm 28 - 30 con/kg, bán được gần 9,5 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận trên 5,8 tỷ đồng. Theo ông, thắng lợi trên do kết hợp chặt chẽ, bài bản giữa cách nuôi khoa học, biết ứng dụng công nghệ hiện đại với kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời phải nắm bắt được yếu tố thị trường.
Sau những lần thất bại với con tôm, ông nhận ra được “thiên thời” là rất quan trọng nên ông chỉ tổ chức nuôi khi thời tiết thuận lợi, vào vụ mùa chính và chỉ nuôi 1 vụ trong năm. Đồng thời, qua nhiều năm nuôi, môi trường ao nuôi sẽ xấu dần do xử lý nhiều hóa chất ảnh hưởng sức khỏe tôm, dễ gây dịch bệnh trong quá trình nuôi. Chi phí quá lớn cho các trang thiết bị phục vụ cho nuôi như hệ thống oxy, hóa chất, kháng sinh cũng đẩy giá thành sản phẩm tôm lên cao, có khi thắng lợi tôm nhưng lợi nhuận rất thấp, rủi ro thất bại cao và gây tác hại nhiều mặt cho môi trường…. Hướng đi của ông Vũ bắt đầu thay đổi. Ông xác định ra cách nuôi mới.
Khi chưa vào vụ chính, ông lấy đầy nước vào tất cả các ao, trước khi thả nuôi 45 ngày, ông chọn ao thả giống, cứ 2 hoặc 3 ao liền kề, chọn ra 1 ao tiến hành cải tạo ao nuôi thật kỹ, phơi ao, xới đất, bón vôi CaO + Đolomite trước rồi sử dụng xe lu nhỏ lăn lại cho nền cứng. Nước được xử lý clo riêng ở ao liền kề sau đó mới cấp sang ao nuôi, điều này để tránh biến động môi trường như nước trong không gây màu được, pH biến động, kiềm thấp do xử lý trực tiếp hóa chất clo làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm giống trong 30 ngày đầu mới thả. Thả tôm ở ao 1 với mật độ dày, đến 35 - 40 ngày tuổi, mở cống cho tôm sang ao 2 để san thưa mật độ.
Vấn đề thứ hai trong nuôi tôm là đảm bảo oxy cho con tôm. Trong quá trình nuôi, ông Vũ nhận thấy thiết bị quạt oxy hiện tại nặng nề, cồng kềnh lại tốn điện, dễ rủi ro trong vận hành, nhưng hiệu quả không cao vì quạt nước chỉ tạo oxy trên bề mặt ao, làm bốc hơi nước nhanh, ao nhanh cạn. Hoặc nếu đặt ống dẫn nhựa rồi bơm không khí xuống, chi phí cao, rất cực nhọc khi cải tạo, vận hành, nhất là khi tôm bị dịch bệnh phải xúc rửa trong khi con tôm cần nhiều oxy hòa tan trong nước. Vì vậy, ông nghiên cứu, tìm kiếm các thiết bị sục oxy đáy ao. Hiện tại, trại tôm của ông đã lắp đặt hoàn toàn loại thiết bị sục oxy này, hiệu quả vượt trội, lượng oxy trong nước ổn định, chỉ số oxy hòa tan trên 5mg/l. Ông nhận xét: “Một máy sục khí này cho hiệu quả gấp đôi, gấp ba lần quạt nước. Trên 1 ao 5.000m2, sản lượng tôm thu hoạch 7 tấn tôi chỉ lắp 4 máy ở 4 góc ao là đủ. Thiết bị này còn tiết kiệm điện hơn, nhẹ nhàng, dễ thao tác, bảo quản, ít mất sức lao động, sử dụng hơn 9 năm rồi không hư hỏng”. Ngoài ra, ông còn sử dụng máy cho ăn tự động để tiết kiệm nhân công, tính được lượng thức ăn cho tôm, tránh lãng phí, dư thừa thức ăn, tránh làm dơ ao.
Đầu tư phát triển công nghệ
Công ty Hoàng Vũ là đơn vị đã mạnh dạn cho Viện Công nghệ Nano (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) “mượn đất” để lắp đặt mô hình thực nghiệm hệ thống tuần hoàn năng lượng từ chất thải sinh khối địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới. Hệ thống được các kỹ thuật viên, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Kyushu (Nhật Bản), Viện Công nghệ Nano lắp đặt vào tháng 9-2016, bắt đầu vận hành từ tháng 4-2017.
Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp (WANA 2018) vừa qua, PGS.TS. Yushuke Shiratori (Đại học Kyushu - Nhật Bản) đã thuyết minh hiệu quả bước đầu của mô hình thực nghiệm tại Công ty TNHH Hoàng Vũ. Mô hình thực nghiệm là một hệ thống gồm các thiết bị công nghệ hiện đại gồm: hệ thống màng lọc nước, bồn lên men kỵ khí, trạm phát điện pin nhiên liệu, bộ sục khí, hệ thống than hóa. Ao thử nghiệm có diện tích 3.000m2, cũng được xử lý nước trước như các ao khác. Trong thời gian nuôi, nước ao nuôi được rút lên xử lý qua hệ thống lọc nước và xả nước sạch lại ao liên tục 24/24 giờ mỗi ngày.
Chất thải từ ao tôm trộn với bã mía, bã dừa, các loại chất thải nông nghiệp khác qua bồn lên men kỵ khí được xử lý thành khí biogas và bùn thải biogas. Chất bùn này được xử lý tại hệ thống than hóa tạo thành than xốp, bón cho vườn cây ớt (thử nghiệm) cho trái rất sai. Khí biogas được sử dụng làm nhiên liệu vận hành hệ thống phát điện SOFC. Năng lượng điện này được dùng để vận hành máy sục khí oxy cho ao tôm.
Với những kỹ thuật sử dụng đã mang đến những hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ao nuôi tôm thực nghiệm cho năng suất cao nhất trong 12 ao, con tôm lớn nhanh, ít bị bệnh, tỷ lệ thu hoạch cao. Đồng thời bước đầu giải quyết được các vấn đề về môi trường, sử dụng được chất thải từ nông nghiệp để phát điện. “Tôi luôn tâm niệm sẽ làm những việc có ích lợi cho cộng đồng. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục liên kết, áp dụng mô hình thực nghiệm. Mong rằng khi công trình nghiên cứu thành công, nhiều người nuôi tôm có thể áp dụng rộng rãi, góp phần giảm những rủi ro, nuôi tôm đạt hiệu quả hơn”, ông Hoàng Vũ cho biết.
Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới - góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” là dự án thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững (SATREPS) do Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đồng tài trợ, Viện Công nghệ Nano chủ trì, được thực hiện trong 5 năm (2015 - 2020).
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao