Mô hình kinh tế Hội thảo xin ý kiến hướng dẫn áp dụng quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP

Hội thảo xin ý kiến hướng dẫn áp dụng quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP

Publish date Friday. August 14th, 2015

Hiện nay, tôm thẻ, tôm sú đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong những năm qua, đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành tôm nước lợ của nước ta. Đặc biệt trong năm 2014, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013 và vượt kế hoạch 1 tỷ USD, đây là mức tăng ấn tượng của ngành tôm trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tế sản xuất giai đoạn qua của ngành nuôi tôm nước lợ chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có và phát triển thiếu tính bền vững.

Bởi, ngành tôm mới phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa chú trọng đến việc phát triển theo chiều sâu để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Việc phát triển nuôi tôm nước lợ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ vẫn còn xảy ra liên tục ở nhiều vùng nuôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm; cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm nước lợ, nhất là hệ thống thủy lợi còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nghề nuôi thủy sản; công tác quản lý kiểm soát môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi và kiểm soát các dư lượng hoá chất dùng trong nuôi tôm còn thiếu và yếu…

Cùng với đó, các nước nhập khẩu các mặt hàng thủy sản đã sử dụng rào cản kỹ thuật như: vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống bán phá giá đối với mặt hàng thủy sản, trong đó có sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, để đưa ngành tôm phát triển một cách bền vững, Việt Nam cần phải xây dựng giải pháp kỹ thuật an toàn trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến nhằm kiểm soát từ nguồn gốc chất lượng con giống, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt được sản phẩm “tôm sạch” nhằm giúp cho thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành nuôi tôm nước lợ nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) dựa trên 4 tiêu chí cơ bản đối với tiêu chuẩn VietGAP là: an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; đảm bảo lợi ích thiết thực của người nuôi, người lao động và cộng đồng; nhằm mục tiêu hướng đến sự bền vững trong NTTS nói chung và nuôi tôm nói riêng.

Tuy nhiên để áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) một cách có hiệu quả nhất và dễ dàng áp dụng cho người nuôi. Các quy định về tiêu chuẩn, tiếu chí phải phù hợp điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, trình độ của người nuôi tại địa phương cũng như nhưng quy định pháp luật liên quan... Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các chuyên gia, các tổ chức chứng nhận và người nuôi để hoàn thiện các tiêu chí trong Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP). Thông qua Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, các chuyên gia, người nuôi chủ yếu về tiêu chí quy định liên quan đến địa điểm; quyền sử dụng đất; lao động.

Tổng cục Thủy sản đã tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) và hướng dẫn áp dụng Quy phạm này một cách có hiệu quả. Tổng cục Thủy sản xem việc ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) là hướng đi tất yếu để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng và nuôi tôm nước lợ nói chung một cách bền vững. Từ đó từng bước nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động.


Related news

uong-ca-giong-cho-loi-nhuan-kha Ương cá giống cho lợi… nghe-an-tap-huan-ky-thuat-nuoi-tom-su-tom-the-chan-trang-theo-vietgap Nghệ An tập huấn kỹ…