Hộ Nuôi Cá Tra Quy Mô Nhỏ Cần Liên Kết Lại Để Tiếp Tục Phát Triển
Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (WWF-VN) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về sản xuất cá tra bền vững tại ĐBSCL".
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều cho rằng, các hộ nuôi cá tra nhỏ cần liên kết lại theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để có thể tồn tại, phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Doanh nghiệp thâu tóm vùng nuôi
Trong thời kỳ "hoàng kim" của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, vai trò của các bên trong chuỗi ngành hàng cá tra đã được phân định rõ, trong đó nông dân lo nuôi cá tra còn doanh nghiệp đảm nhận khâu chế biến và tìm thị thường xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây khi ngành hàng cá tra "xuống dốc", xu hướng khép kín sản xuất của doanh nghiệp đã đẩy nông dân ra khỏi "cuộc chơi" này.
Tại Đồng Tháp - địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước, Hiệp hội Thủy sản tỉnh này cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 1.939 ha, trong đó vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 66% diện tích toàn tỉnh với 41 doanh nghiệp, các hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức sản xuất gia công chiếm 11%, chỉ còn lại 23% diện tích nuôi cá là của các hộ nuôi cá độc lập.
Do tình hình cá tra nguyên liệu bấp bênh, giá cá liên tục giảm dưới giá thành sản xuất kéo dài hơn 1 năm qua, các hộ nuôi cá độc lập đều bị lỗ nên chỉ nuôi cầm chừng chờ giá cá tăng trở lại, thả cá giống độ thấp, hạn chế cho ăn dẫn đến sản lượng cá tra giảm.
Theo nhận định của Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, trong thời gian tới, xu hướng vùng nuôi của doanh nghiệp chế biến tiếp tục tăng và đang dần được tổ chức hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu và chế biến các phụ phẩm như: bột cá, mỡ cá, collagen... nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vùng nuôi hộ cá thể dần thu hẹp và diện tích treo ao của hộ dân ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thủy sản An Giang, năm 2013, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 1.296 ha, trong đó diện tích cá tra chuyển sang đối tượng khác là 9,45 ha, treo ao không sản xuất là 85,15ha, hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp là 44,82ha, nuôi gia công với doanh nghiệp là 3,85 ha.
Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang bày tỏ, những năm gần đây diện tích nuôi cá tra của nông dân giảm rất nhiều, nhiều nông dân nuôi cá tra đã rời "sân chơi" này do rất nhiều khó khăn không thể nói hết.
Hiện nay, diện tích nuôi cá tra tỉnh An Giang chỉ khoảng 820-830 ha, trong đó vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp là trên 600 ha với 24 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Có thể nói, hiện nay nuôi cá tra chỉ còn chỗ cho những hộ nuôi cá quy mô lớn có tiềm lực kinh tế, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ đã gãy rụng gần hết kể từ năm 2008 đến nay.
Tại Tiền Giang, với tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 130 ha, cơ cấu nghề nuôi cá tra theo xu hướng vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay diện tích thả nuôi cá tra của doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu là 56,3 ha, chiếm 62,9% tổng diện tích cá tra thả nuôi toàn tỉnh; hộ nuôi cá thể là 27,7 ha, chiếm 31% và hợp tác xã là 5,5 ha, chiếm 6,1%.
Nông dân ngày càng khó
Với vị thế ngày càng thấp, người nuôi cá tra độc lập vốn đã khó khăn lại phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn hơn trong chặng đường phát triển sản xuất phía trước, nhất là trong vấn đề ổn định đầu ra cho cá tra nguyên liệu và đàm phán giá với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Một nông dân nuôi cá tra ở An Giang khi được hỏi ý kiến về sự phát triển của nghề này trong thời gian tới cũng không ngần ngại cho rằng, diện tích sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Thời gian qua, người nuôi cá rất khó khăn khi doanh nghiệp hợp đồng trả tiền cá sau 1 tháng bắt cá, nhưng thường trả tiền sau từ 3-5 tháng và chấp nhận trả lãi ngân hàng cho hộ nuôi.
Ông đã bán cá cho một doanh nghiệp từ trước tết đến giờ mới nhận tiền được 50%. Mặc dù hàng tháng công ty trả lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng theo hợp đồng, nhưng hoàn vốn khó khăn, gần như chiếm dụng vốn.
Ông Trần Anh Dũng khẳng định, hiện nay doanh nghiệp không ký hợp đồng đầu vụ với người dân mà chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mang tính tham khảo giai đoạn đầu, đến khi mua cá doanh nghiệp mới ký hợp đồng với giá cả cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này được ký mơ hồ khi có tranh chấp xảy ra thì không có tính pháp lý và thường gây bất lợi cho người dân.
Chẳng hạn, thời hạn hợp đồng trả tiền bán cá của doanh nghiệp được ghi trong hợp đồng là sau 30 ngày kể từ ngày bán cá thì 3 tháng cũng là sau 30 ngày mà 3 năm cũng là sau 30 ngày. "Thực tế, doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng bao tiêu cá với với nông dân từ đầu vụ mà chỉ muốn mua cá trôi nổi", ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, diện tích nuôi cá của người dân ít, chỉ chiếm hơn 25%, trong đó chỉ có 10% hộ nuôi có thực lực mạnh là còn tồn tại, còn lại là treo ao hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác. Những ngày gần đây giá cá tra đang tăng trở lại nhưng đây chỉ là giá ảo, là chiêu tăng giá của doanh nghiệp để người dân đầu tư vào nuôi cá, đến khi sản lượng cá tăng thì doanh nghiệp "bóp lại" làm giá cá giảm mạnh nên nông dân nuôi cá nhỏ lẻ rất khó khăn.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Thủy sản An Giang, do ngành cá tra mức độ rủi ro cao nên ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay, nông dân nuôi cá tra quy mô nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất. Nông dân nuôi cá không được hoàn 5% thuế VAT của nguyên vật liệu đầu vào như doanh nghiệp nên giá thành nuôi cá của doanh nghiệp chỉ 20.000-21.000 đồng/kg, nhưng nông dân phải tốn chi phí từ 22.000-23.000 đồng/kg.
Gần đây, nhiều chứng nhận bền vững cho cá tra lần lượt ra đời đáp ứng yêu cầu của những thị trường khác nhau, trong chi phí chứng nhận sản xuất an toàn lớn nên hộ nuôi nhỏ lẻ không thể nào làm được. Hệ thống xử lý nước thải, bùn thải cũng là vấn đề khó khăn đối với hộ nuôi nhỏ lẻ trong khi giá bán chưa có sự khác biệt. Không ai đầu tư 100-200 triệu mà không có hiệu quả gì về kinh tế, nên cần có cách hỗ trợ chi phí cho người nuôi cá tra theo tiêu chuẩn bền vững.
Hỗ trợ cho nông dân nuôi cá
Để người nuôi cá tra độc lập tiếp tục trụ lại với nghề và phát triển bền vững trong thời gian tới giải pháp quan trọng được đưa ra là phải liên kết sản xuất lại với nhau theo mô hình hợp tác xã tạo ra nguồn cung cá tra nguyên liệu đủ lớn để kiểm soát giá bán được tốt hơn.
Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp bộc bạch, hiện nay Đồng Tháp đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng cá tra, trong đó triển khai thí điểm thành lập 3 hợp tác xã nuôi cá tra gồm những hộ nuôi cá tra nhỏ ở huyện Châu Thành gắn với các doanh nghiệp chưa có vùng nguyên liệu riêng.
Theo ông Lai, mô hình sản xuất này còn có thể giúp nông dân nuôi cá mua vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y,...) với giá rẻ, thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn thuận lợi hơn, có nguồn nguyên liệu lớn dễ đàm phán giá cá với doanh nghiệp và dễ tiếp xúc với nguồn vốn ngân hàng.
Đồng tình với cách làm này, tuy nhiên ông Trần Anh Dũng cho rằng, đối trọng diện tích nuôi cá tra của nông dân nhỏ cũng khó có thể chủ động về giá bán với doanh nghiệp nên cần có giải pháp làm sao để giảm diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp xuống bằng đòn bẩy ngân hàng.
Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên WWF tại Việt Nam cho biết, chứng nhận ASC theo nhóm phù hợp với điều kiện các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đang được lấy ý kiến trước khi được công bố trong tháng 9 tới. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án "Xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)", WWF sẽ kết nối với nhà nhập khẩu hỗ trợ người nuôi cá tra quy mô nhỏ 50% chi phí chứng nhận bền vững để hộ nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn của họ đưa ra và điều này hoàn toàn khả thi bởi việc kết nối này đã làm được đối với con tôm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao