Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha tiền giống
Xung quanh chủ trương chuyển vụ đông thành vụ chính, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). Ông Trung cho biết, hiện Bộ đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định 580 để mở rộng hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác, dự kiến sẽ được thông qua trước vụ đông.
Thưa ông, ông có thể cho biết lý do Bộ NNPTNT đưa ra chủ trương nâng vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm?
- Thực tế cho thấy, vụ đông trước đây chỉ là vụ phụ, người dân chủ yếu chỉ làm 2 vụ vì thời tiết vụ đông không thuận lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây Bộ NNPTNT xác định vụ đông là vụ quan trọng do có nhiều lợi thế và tiềm năng như thời gian sản xuất ngắn chỉ hơn 2 tháng; đất đai còn nhiều, riêng đất lúa khoảng 1,3 triệu ha, ngoài ra còn đất bãi, đất vùng thấp vẫn có thể sản xuất được vụ đông.
Mặt khác, vụ đông là vụ chuẩn bị thực phẩm cho trước và sau Tết Nguyên đán, là thời điểm cả xã hội tiêu thụ lượng thực phẩm lớn. Vụ đông cũng là vụ ít sâu bệnh, các cây trồng cũng rất đa dạng và phong phú.
Từ vai trò và ý nghĩa của vụ đông, Bộ NNPTNT nhiều năm khuyến cáo đẩy mạnh sản xuất vụ đông, từ chỗ diện tích sản xuất nhỏ đã tăng mạnh, năm 2014 đã tăng lên 440.000ha. Vụ đông cũng là vụ sản xuất chủ yếu những cây trồng mang tính hàng hóa nên đem lại giá trị gia tăng cao cho người dân nên quan điểm của chúng tôi là tất cả nơi nào có thể sản xuất vụ đông, (thuận lợi đất đai, nước tưới) là đẩy mạnh sản xuất.
Có thể nhận thấy, dù Bộ NNPTNT có khuyến cáo rất mạnh việc sản xuất vụ đông trong những năm gần đây, nhưng trên thực tế ở rất nhiều địa phương người nông dân vẫn không mặn mà?
- Theo thống kê của ngành trồng trọt, những năm gần đây vụ đông ở miền Bắc chững lại về diện tích, thậm chí một số cây trồng còn sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng bất thường và có nhiều thời điểm xảy ra thời tiết cực đoan; thiếu lao động trẻ, khoẻ, có kỹ thuật do quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn sang các lĩnh vực khác trong khi cơ giới hoá chưa cao.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn sơ sài, chuỗi giá trị thấp; hệ thống thuỷ lợi cho cây vụ đông bị phá vỡ do quá trình đô thị hoá; đặc biệt là vấn đề tổ chức sản xuất, thông tin thị trường có sự tham gia của doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn tới đầu ra bấp bênh... cũng hạn chế việc phát triển vụ đông. Do đó, dù Nhà nước có nhiều chính sách cho sản xuất nông nghiệp nhưng tiếp cận chính sách còn khó, đặc biệt là chưa có chính sách đủ mạnh cho sản xuất vụ đông.
Một khi đưa vụ đông thành vụ chính, những loại cây trồng nào sẽ được xác định là cây trồng chính, thưa ông?
- Để triển khai sản xuất cây vụ đông, năm nay Bộ NNPTNT chỉ đạo triển khai tương đối sớm và mới đây Cục Trồng trọt đã triển khai Hội nghị sản xuất cây vụ đông các tỉnh phía Bắc vào ngày 19.8. Theo đăng ký của các địa phương, năm nay có thể làm 440.000ha, trong đó diện tích lớn nhất vẫn tập trung cho các loại rau, màu, khoai tây và các cây gia vị khác. Cục Trồng trọt cũng định hướng cho các địa phương tập trung vào một số loại cây trồng chính như: Đối với nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) là nhóm cây trồng chính trong vụ đông hiện vẫn chiếm tỷ lệ 55 – 60% trong những năm qua; đối với nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu) thường chiếm 40 – 45% diện tích.
Ở nhiều địa phương, người dân có thu nhập vụ đông còn cao hơn vụ chính, nhưng điều người nông dân lo ngại là đầu ra cho sản phẩm, có vẻ như đây mới chính là trở ngại chính trong việc mở rộng sản xuất vụ đông?
- Tôi cho rằng, cách triển khai vụ đông hiện nay vẫn theo truyền thống, cái người dân cần nhất bây giờ không phải là kỹ thuật trồng thế nào, trồng ra sao nữa. Người dân bây giờ trình độ sản xuất rất giỏi, có thể làm được ngay các cây trồng vụ đông với năng suất cao, chất lượng tốt. Do đó, theo tôi cái quan trọng nhất là tổ chức sản xuất và kết nối thị trường, bởi nếu đầu ra không ổn định thì nông dân sẽ không mặn mà, từ đó rất khó tăng được diện tích cây vụ đông.
Muốn tăng được diện tích cây vụ đông, cần có cách làm mới, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phải liên kết doanh nghiệp với nông dân thông qua các tổ chức của nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất cây vụ đông mang tính hàng hoá, hướng tới thị trường, có đầu ra ổn định, đem lại giá trị thu nhập cho người dân cao hơn. Thực tế, cho thấy, năm 2014, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình rất tốt như Vĩnh Phúc có cây su su với thu nhập 220 – 250 triệu đồng/ha; Lào Cai có mô hình dưa chuột an toàn, đậu Hà Lan lợi nhuận hơn 100 triệu/ha; Thái Bình có mô hình trồng khoai tây lợi nhuận 120 – 150 triệu/ha; Hà Nội có mô hình sản xuất củ cải giống thu nhập 270 triệu đồng/ha...
Nếu chuyển sang làm vụ đông, người nông dân sẽ được hỗ trợ những gì, thưa ông?
- Chính phủ đã ban hành Quyết định 580 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng chỉ hỗ trợ chuyển đổi đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Chính phủ đã có chủ trương mở rộng hỗ trợ ra tất cả các vùng. Do đó, chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện việc sửa đổi Quyết định này trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành trước tháng 9 nhằm mở rộng tất cả các vùng ở miền Trung và miền Bắc được hỗ trợ chuyển đổi đất lúa trong vụ đông. Theo đó, mỗi ha có thể được hỗ trợ 2-3 triệu đồng tiền giống sản xuất trong vụ đầu tiên.
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu của Bộ NNPTNT là đến năm 2020 chuyển đổi 700.000ha diện tích đất lúa không hiệu quả, trong đó ngoài diện tích vụ hè thu bấp bênh thì vụ đông vẫn còn rất nhiều tiềm năng chuyển đổi.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao