Tin thủy sản Hóa giải nỗi lo lớn trong nuôi trồng thủy sản

Hóa giải nỗi lo lớn trong nuôi trồng thủy sản

Author Minh Anh, publish date Tuesday. December 3rd, 2019

Dịch bệnh vẫn luôn là nỗi lo lớn của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, vì không thể loại bỏ hoàn toàn trong khi nhiều yếu tố tác động và thời tiết thất thường. Thế nhưng hiện nay, nhờ khoa học công nghệ, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn ung dung thu lợi nhuận khủng trong nuôi tôm, cá.

Nuôi tôm Biofloc ở Bạc Liêu - Ảnh: PTC

Công nghệ Biofloc

Biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là vi khuẩn, kết lại thành dạng hạt bông xốp với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng trong nước có chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho tôm. 

Công nghệ biofloc đã được nghiên cứu thành công với đối tượng nuôi là cá rô phi và TTCT ở một số nước châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Công nghệ này phù hợp với các hộ nuôi tôm công nghiệp với mật độ nuôi trên 100 con/m2, thời gian nuôi trên 3 tháng, nuôi 2 giai đoạn. Công nghệ Biofloc dựa trên nguyên lý điều chỉnh tỷ lệ C/N để làm giảm nồng độ amoni và nitrit trong nước, hàm lượng nitơ vô cơ trong nước thấp do sự hấp thụ bởi các vi khuẩn dị dưỡng. Công nghệ nuôi Biofloc giúp xử lý chất thải hữu cơ góp phần kiểm soát chất lượng nước, lượng bùn thải rất thâp do vậy chỉ cần thay một lượng nước rất nhỏ.

Xử lý chất thải nhờ cá rô phi

Rô phi là loài ăn tạp, thiên về mùn bã hữu cơ và thực vật và được nuôi kết hợp với tôm như nhà máy xử lý chất thải của ao nuôi tôm. Công nghệ này phù hợp với các hộ nuôi có ít nhất 2 ao, trong đó 1 ao để nuôi rô phi và ao còn lại để nuôi tôm. Mỗi ao nuôi tôm có diện tích 1.000 - 2.000 m2. Diện tích ao nuôi rô phi ít nhất bằng 120% tổng diện tích ao nuôi tôm, mật độ nuôi tôm 120 con/m2, thời gian nuôi trên 3 tháng, cá rô phi nuôi mật độ 0,5 con/m2. Khi sử dụng công nghệ này thì nước thải từ ao ương, ao nuôi thương phẩm được bơm sang ao lắng và để lắng sau khoảng 4 giờ, rồi bơm nước mặt để chuyển sang ao nuôi cá rô phi. Nước sau khi được cá rô phi làm sạch sẽ cấp trở lại ao nuôi tôm. 

Sử dụng chế phẩm sinh học 

Chế phẩm sinh học bổ sung vào ao nuôi bao gồm các vi khuẩn có lợi sẽ chuyển hóa, phân hủy, các chất hữu cơ, xác tảo, khí độc sinh ra sẽ được chuyển hóa thành các chất hữu cơ đơn giản, các chất vô cơ không độc với sự kết hợp của ôxy trong môi trường nước làm thức ăn cho tảo và tảo làm thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp cho tôm. Thông qua đó chất thải trong quá trình nuôi giảm về khối lượng và giảm độ độc. Công nghệ này phù hợp cho các hộ nuôi công nghiệp. Ao nuôi cần lắp hệ thống quạt nước và sục khí để đảm bảo ôxy được cung cấp đủ cho ao nuôi. 

Công nghệ này dựa trên nguyên lý thường xuyên bổ sung chế phẩm sinh học giúp tảo phát triển. Tảo hấp thụ các chất dinh dưỡng trong ao và là thức ăn tự nhiên cho tôm; do đó giúp xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm sử dụng, góp phần kiểm soát chất lượng nước, giảm lượng thức ăn cần cung cấp và giảm thiểu chất thải ra môi trường. 

Một số giải pháp khác

Động vật thủy sản sống trong môi trường nước nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó nhận biết và khó áp dụng các biện pháp chữa bệnh. Về cơ bản chưa có giải pháp chữa trị bệnh hiệu quả cao và dứt điểm, đặc biệt là các bệnh do virus gây ra. Khi chúng bị nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết rất cao, có khi lên tới 100%. Chính vì vậy, người nuôi cần áp dụng giải pháp về quản lý và chăm sóc ao nuôi một cách tổng hợp từ kiểm soát các yếu tố đầu vào, quản lý dịch bệnh trong quá trình sản xuất, xử lý nước thải và tác nhân gây bệnh góp phần phòng ngừa kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, để phòng, chống dịch bệnh, các địa phương và đơn vị thực hiện theo Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản nuôi.

Đối với các loài nhuyễn thể như ngao, nghêu, tu hài…, thường được nuôi ở vùng bãi bồi, vũng vịnh ven biển, nơi có thủy triều lên xuống hàng ngày khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh, yếu tố môi trường không quản lý được nên việc chữa trị sẽ không hiệu quả. Do đó, người nuôi cần lưu ý chọn địa điểm nuôi thích hợp và cải tạo khu vực nuôi. Cùng đó, cần kiểm tra để đảm bảo giống sạch bệnh; nên thả với mật độ nuôi phù hợp, khi đạt cỡ thu hoạch nên thu sớm để tránh rủi ro về dịch bệnh có thể xảy ra. Khi phát hiện thấy có cá thể ngao, nghêu… chết cần thu gom, xử lý để tránh lây sang các cá thể còn sống…


Related news

nghien-cuu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-nuoi-tom Nghiên cứu, ứng dụng công… nuoi-ca-long-ket-hop-du-lich-cho-hieu-qua-kinh-te-cao Nuôi cá lồng kết hợp…