Mô hình kinh tế Hòa Vang (Đà Nẵng) Khởi Sắc Những Vùng Rau

Hòa Vang (Đà Nẵng) Khởi Sắc Những Vùng Rau

Publish date Thursday. September 25th, 2014

Sau rất nhiều nỗ lực, ngành nông nghiệp và bà con nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã xây dựng thành công các vùng rau an toàn. Tại các vùng rau này, không chỉ lượng lớn rau sạch cung cấp thường xuyên cho thị trường mà hàng trăm hộ nông dân cải thiện được thu nhập từ trồng rau.

Trở lại vùng rau Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nơi cách đây chừng 2 tháng còn là những thửa ruộng hoang cùng nhà sơ chế chơ vơ giữa đồng vắng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự khởi sắc về sản xuất rau tại đây. Hơn 3 ha rau ăn quả, ăn lá xanh ngắt, tươi tốt.

Hàng chục nông dân cần mẫn chăm tưới và thu hoạch rau. Ai nấy đều vui bởi công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng, thu nhập từ rau gấp 5-6 lần trồng lúa trên cùng diện tích.

Lội vào khu vực trồng bí xanh của hộ ông Nguyễn Trường Đông, chứng kiến vô số quả bí treo lơ lửng dưới giàn lưới, chúng tôi thấy rõ trồng rau ăn quả đang “hái ra tiền”. Ông Đông tâm sự: Đây là vụ đầu tiên nông dân Cẩm Nê trồng bí xanh trên vùng đất này, không ngờ quả nhiều đếm không xuể.

Hỏi về hiệu quả kinh tế, lão nông này nhẩm tính: Mỗi sào thu 2 tấn quả là cầm chắc. Với giá 5.000 đồng/kg, bán ngay tại vườn, trừ chi phí lãi ròng 7-8 triệu đồng, gấp 5-6 lần so trồng lúa. Với loại bí này hơn 2 tháng kể từ ngày xuống giống là thu hoạch.

Đi khắp vùng rau Cẩm Nê, ở đâu cũng thấy rau ăn lá, ăn quả tươi tốt. Ghé qua vạt bí đỏ lấy ngọn của ông Nguyễn Văn Lực, vừa bước xuống ruộng đã nghe lão nông này khoe: Ngày nào cũng cắt ngọn bán, đều đều 100.000-150.000 đồng.

Không ngờ loại rau này dễ trồng mà thu nhập cao như vậy. Chỉ tay sang vạt đậu bắp tươi tốt gần đó, ông cho biết thêm: Hai sào đậu ấy cũng cho thu nhập tương tự. Thật may, ngành nông nghiệp mở ra cho bà con hướng làm ăn mới này.

Ông Ngô Trường Quế, tổ trưởng tổ sản xuất tại vùng rau an toàn Cẩm Nê cho hay: Trồng cải, xà lách, tốn nhiều công nhưng thu hoạch cao hơn trồng bí xanh, khổ qua. Loại rau này mỗi tháng/lứa, thu 2-3 triệu đồng/sào là thường. Trừ các tháng mưa lũ, năm canh tác 6 lứa, thu nhập 350-400 triệu đồng/năm.

Rau ở đây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, độ an toàn rất cao. Tuy mới lứa đầu nhưng bà con trồng rất bài bản. 32 hộ đang sản xuất trên 3 ha. Thời gian tới sẽ mở rộng hết diện tích 13,7ha của vùng rau này.

Tại vùng rau Yến Nê (xã Hòa Tiến), những giàn khổ qua, bí xanh, dưa leo trĩu quả; các luống xà lách, cải xanh, mồng tơi tốt um. Dẫn chúng tôi lội dưới giàn bí xanh trĩu quả, ông Trần Bình, ở thôn Yến Nê 1 cho hay: Thu hoạch hết lượt cả vòm nhà lưới 150m2 này hơn 1 tấn quả. Tính ra, sản lượng bí vùng này hơn 3 tấn/sào/lứa. Với giá 5.000 đồng/kg, nhà nông thu nhập hơn 15 triệu đồng/sào/lứa. Nói ra ít ai tin, nhưng đó là sự thật.

Vùng rau Yến Nê chỉ 2 ha, đến nay 16 hộ đã sản xuất hơn 1ha. Ở đó, rau đủ loại, ăn lá, ăn quả và được sản xuất khá bài bản. Ông Nguyễn Văn Dũng, tổ trưởng sản xuất rau tại đây cho biết: Lứa đầu tiên đã bội thu, bà con rất phấn khởi. Cái khó ở vùng rau này là hệ thống điện đang tạm bợ, khó khăn trong việc bơm tưới.

Ngược về các vùng rau an toàn ở thôn Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương), Hồ Bún (xã Hòa Phong) và Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn), đến đâu chúng tôi cũng thấy diện tích trồng rau đã được mở rộng đáng kể so cách đây vài ba tháng.

Các loại rau ăn quả, ăn lá được trồng rất quy củ, nơi nào năng suất, sản lượng cũng rất cao. Tại vùng rau Thạch Nham Tây, nơi lần đầu tiên nông dân sản xuất rau theo lối chuyên canh, nhà lưới đã phủ kín khoảng 2ha, hàng chục hộ đang trồng dưa leo, khổ qua, mồng tơi, cải xanh…

Ông Nguyễn Thế Huỳnh, hộ trồng 1,5 sào khổ qua, dưa leo và cải xanh cho biết: Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật trồng rất tỉ mỉ. Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ năng suất cao mà an toàn. Vụ này, dưa leo thu hơn 4 triệu đồng/sào.

Có thể nói, các vùng rau an toàn trên địa bàn huyện Hòa Vang đã khởi sắc trông thấy. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay hầu hết hộ tham gia sản xuất trên các vùng của Dự án QSEAP đã thuần thục kỹ thuật canh tác các loại rau ăn quả, ăn lá theo lối chuyên canh.

Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang phấn khởi cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các xã tiếp tục phủ kín các loại rau trên toàn bộ diện tích của Dự án QSEAP triển khai ở địa bàn huyện, phấn đấu mỗi tháng cung cấp cho thị trường Đà Nẵng khoảng 3.000 tấn rau các loại.


Related news

giup-nong-dan-trong-lua-tiep-can-giong-xac-nhan Giúp Nông Dân Trồng Lúa… viet-nam-dung-dau-ve-xuat-khau-san-pham-ca-sang-colombia Việt Nam Đứng Đầu Về…