Mô hình kinh tế Hoang Hóa Đồng Tôm

Hoang Hóa Đồng Tôm

Publish date Tuesday. August 19th, 2014

Đi dọc các cánh đồng tôm trên địa bàn tỉnh vào thời điểm sắp sửa thu hoạch vụ 2, chúng tôi chứng kiến cảnh lều bạt chỏng chơ, ao nuôi hoang hóa. Nghề nuôi tôm một thời hưng thịnh với diện tích hơn 2.000ha ao nuôi nay lâm vào cảnh tiêu điều.

Tiêu điều ao nuôi

Tháng 8 là thời điểm nuôi tôm nước lợ ở vùng triều bước vào thu hoạch vụ 2, vậy nhưng các cánh đồng tôm trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này lại hoang vắng. Tại cánh đồng tôm dọc theo cầu Tam Thanh nối 2 xã Tam Phú và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), ao nuôi bừa bộn rác, bèo.

Mặt nước sủi tăm và váng đục vì bỏ hoang lâu ngày. Ông Nguyễn Văn Trường (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) cho biết: “Người nuôi tôm ở đây sợ khiếp vía rồi, dịch bệnh tràn lan, cứ nuôi là thua lỗ”. Ông Trường kể, ở vụ 1 vừa rồi, gia đình ông đầu tư nuôi 3 ao tôm có tổng diện tích 15.000m2, thả giống được 1 tháng thì tôm dạt vào bờ và chết đột ngột.

Do tôm chết khi quá nhỏ, không thể thu hồi được vốn nên gia đình lỗ hơn 50 triệu đồng. “Đinh ninh tôm chết do thời tiết thất thường ở thời điểm đầu vụ, tôi quyết định cải tạo lại ao nuôi, đầu tư tiếp bằng tôm giống chất lượng hơn. Vậy mà y hệt như lúc trước, chỉ khoảng 1 tháng thả nuôi là tôm lại chết hàng loạt. Thua lỗ tiếp nối thua lỗ, món nợ 100 triệu đồng không biết đến bao giờ gia đình mới trả hết” - ông Trường than thở.

Từ năm 2009 đến vụ 1 - 2014, diện tích nuôi tôm của xã Tam Phú ổn định ở mức 80ha. Theo UBND xã Tam Phú, ở vụ nuôi trước, trên địa bàn xã có đến 35ha tôm nuôi chết vì dịch bệnh đốm trắng. “Nguyên nhân thất bại là người nuôi phải gánh chịu hệ lụy của nạn nuôi tôm trên cát tràn lan.

Họ cứ xả thải tùy tiện ra sông Trường Giang, còn các hộ nuôi trên địa bàn thì lại lấy nguồn nước đó để sản xuất. Do hạ tầng vùng nuôi quá sơ sài, nguồn nước không được xử lý tốt nên dịch bệnh cứ bùng phát trên tôm nuôi” - ông Nguyễn Quang Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú nói. Ô nhiễm sông Trường Giang khiến cho dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi ở vùng triều của TP.Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 20ha, từ đầu năm 2014 đến nay dịch bệnh đã xảy ra trên 32ha. “Vụ 1 thất bại thì vụ 2 càng thất bát hơn. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên chuyển các diện tích nuôi tôm ở vùng triều sang nuôi các đối tượng khác dễ hơn như cua, cá dìa nhưng các mô hình này cũng chưa đem lại hiệu quả” - ông Bình nói.

Xã Bình Nam là một trong các vùng trọng điểm nuôi tôm của huyện Thăng Bình từ nhiều năm qua. Thế nhưng các cánh đồng tôm của nhiều thôn trong xã đang vắng bóng người. Cả một vùng tôm trù phú ở thôn Phương Tân, Đông Tác vắng hoe, lều bạt, ống nước chỏng chơ trong nắng.

Ông Huỳnh Duệ (thôn Phương Tân), một hộ nuôi tôm có thâm niên cho biết, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rầm rộ tại các vùng triều ven sông trong mấy năm nay đang tiêu điều vì thua lỗ triền miên. Hộ nuôi ít thì thua lỗ 50 - 70 triệu đồng, hộ nuôi nhiều thì nợ nần đến vài trăm triệu đồng.

Cần kiện toàn hạ tầng

Đến thời điểm này, Quảng Nam chỉ mới có quyết định quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành, giai đoạn 2014 - 2018. Tổng diện tích quy hoạch 285,1ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 205,9ha, diện tích mở mới 79,2ha.

Cụ thể, tại huyện Núi Thành, diện tích quy hoạch là 148,5ha. Trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại là 117,5ha, diện tích mở mới là 31ha. Còn tại huyện Thăng Bình, diện tích quy hoạch là 136,6ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 88,4ha, diện tích mở mới là 48,2ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nuôi tôm chỉ thành công khi tôm nuôi được phát triển trong môi trường ao nuôi đảm bảo. Tuy nhiên, điều đó không thể có được tại các vùng triều ven sông trên địa bàn trong thời gian qua. “Điều cốt yếu là phải đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nói riêng, kiện toàn lại hạ tầng vùng nuôi nói chung. Có vậy thì các hộ nuôi mới có thể xử lý tốt nguồn nước ao nuôi, đảm bảo tôm phát triển tốt” - ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm này, nguồn nước tại sông Trường Giang đã ô nhiễm nặng do người dân tùy tiện xả thải ra môi trường. Trong khi đó dòng chảy của sông Trường Giang ngày một trì trệ hơn khiến cho chất thải từ các hoạt động kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua lắng lại, bồi tụ gây ô nhiễm nguồn nước. Tôm chết hàng loạt trong thời gian qua chủ yếu do các bệnh về gan, đường ruột và đốm trắng.

Chính môi trường ao nuôi không đảm bảo đã làm bệnh xảy ra và lây lan nhanh thành dịch. “Điều cần kíp nhất để tạo ổn định cho nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn là kiện toàn lại hạ tầng cho vùng nuôi. Để làm được điều đó, trước hết phải quy hoạch lại vùng nuôi, phân bổ tốt quỹ đất. Định hướng quy hoạch lại vùng nuôi của chúng tôi khó triển khai do vướng vào quy hoạch chung của tỉnh.

Chỉ khi nào tỉnh cho cơ chế để địa phương quy hoạch lại thì hạ tầng vùng nuôi mới có thể được đầu tư bài bản” - ông Phạm Cưu, Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết.

Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đang nỗ lực tái cơ cấu nghề nuôi tôm nước lợ nhằm đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi. Giải pháp của Thăng Bình là chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi tập trung.

Theo đó, hạ tầng vùng nuôi sẽ đồng bộ hệ thống thủy lợi với cống, đê bao, kè, kênh cấp, kênh thoát, trạm bơm. Cùng với đó là xây dựng đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, khu xử lý nước thải. “Chỉ có hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi tập trung mới có thể kiểm soát môi trường nuôi tôm, qua đó phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho tôm nuôi” - ông Phan Công Vỹ nói.

Để đầu tư hạ tầng vùng nuôi, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, giống như TP.Tam Kỳ, quỹ đất quy hoạch cho nuôi tôm nước lợ của huyện Thăng Bình cũng phụ thuộc vào quy hoạch chung của tỉnh nên rất khó triển khai.


Related news

nhom-nong-ho-nuoi-ca-tra-dau-tien-duoc-trao-giay-chung-nhan-global-gap Nhóm Nông Hộ Nuôi Cá… ty-phu-nguoi-dao-o-ban-dam-gio Tỷ Phú Người Dao Ở…