Hồng quân trên vùng Bảy núi vừa dễ trồng, lại có thu nhập cao
Nông dân vùng Bảy Núi (An Giang) đang phát triển cây hồng quân, bởi cây chịu hạn tốt, không cần đầu tư phân, thuốc, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm.
Trồng hồng quân vùng Bảy Núi mỗi vụ thu nhập 200 triệu đồng/ha
Thời điểm thu hoạch hồng quân từ tháng 7 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau. Cây gieo bằng hạt có độ tuổi từ 15 năm trở lên cho năng suất khoảng 500 - 700kg mỗi vụ. Còn cây chiết nhánh sau 1 năm trồng là cho trái và đến khoảng 5 năm tuổi cho năng suất khá cao, từ 200 - 300 kg/cây/vụ.
Đây là cây dễ trồng, mùa nắng thì rụng hết lá, đến tháng 4 - 5, khi có vài đợt mưa đầu mùa thì ra lá non, phát triển trở lại và bắt đầu trổ bông.
Ông Hồ Văn Minh ở ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên có 9ha đất rừng, trong đó có 1,2ha trồng hồng quân được 7 năm tuổi. "Hồng quân còn có tên gọi khác là bồ quân, mùng quân rừng có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới, tập trung nhiều ở Ấn Độ", ông Minh cho hay.
Vườn của ông Minh cho thu hoạch từ tháng 6/2017 kéo dài sang đến tháng 3 năm sau. Đầu vụ thương lái đến tận nơi mua với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cuối vụ đạt 28.000 - 35.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ), sau khi trừ chi phí ông lãi trên 200 triệu đồng.
Từ mấy cây hồng quân mọc hoang, ông Nguyễn Minh Đức ở ấp Phú Hòa, xã An Phú đã nhân giống trồng xen dưới tán rừng được trên trăm gốc. Nhiều cây có tuổi thọ 15 năm và cho trái rất sai, đạt 600 - 700 kg/cây mỗi vụ. Năm nào cũng vậy, vào vụ thu hoạch hồng quân, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Đức, do cây trồng ở vùng đồi núi cao không có nước tưới nên chỉ dựa vào trời mưa nên hồng quân cho trái theo điều kiện tự nhiên. Hồng quân sinh trưởng rất mạnh, nếu không khống chế sự phát triển thì cây không thể cho trái, hoặc cho trái rất ít. Sự khô hạn đặc thù ở vùng núi kéo dài 4 - 5 tháng là điều kiện ức chế sinh trưởng, làm cho cây rụng hết lá, thay lộc mới. Khi có mưa đến thì cây đâm lộc và ra hoa đồng loạt...
Hồng quân là trái cây sạch, được thị trường tiêu thụ mạnh
Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên cho biết, cây hồng quân được bà con phát triển xen canh dưới tán rừng và cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, huyện Tịnh Biên cung cấp hàng trăm tấn hồng quân cho thị trường Campuchia, ĐBSCL và TP.HCM. Gần đây, nhờ phát triển tuyến du lịch và khai thác các điểm du lịch trong huyện nên hồng quân bán tại chỗ cho khách tham quan rất được giá.
“Tại thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên có một cơ sở chuyên sản xuất và chế biến rượu hồng quân. Mỗi vụ, cơ sở này tiêu thụ cả chục tấn trái. Và rất nhiều lò nấu rượu trong huyện cũng sản xuất thêm rượu hồng quân, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu...”, ông Công nói.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao