Mô hình kinh tế Hội nhập nhờ con tôm

Hội nhập nhờ con tôm

Publish date Saturday. September 19th, 2015

Xuất khẩu tôm gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2015, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Xuất khẩu thủy sản đã giảm 16% về giá trị, nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị cạnh tranh mạnh trên các thị trường.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng Trung Quốc đang trở thành thị trường ngày càng quan trọng. Đặc biệt, Trung Quốc đã vượt các nước EU, Canada và Úc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8 không những dẫn đến những tác động trên thị trường tài chính, mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam – một ngành vốn đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang các thị trường.

Trong 3 năm qua, đồng tiền của các nước đang phát triển cũng giảm mạnh như đồng Real Brazil giảm 72%; đồng Rupiad Indonesia giảm 42%; đồng Ringgit Malaysia giảm 33%; đồng Rupee Ấn Độ giảm 20%; đồng Bant Thái giảm 18%... khiến cho giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam “lao đao”.

Việt Nam sẽ bị suy giảm năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá như tôm Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… trên thị trường Mỹ. Tôm Việt Nam đang có mức giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh do các nước phá giá đồng tiền.

IMF dự báo giá tôm sẽ giảm trong dài hạn do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường truyền thống, biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%; năm 2017 giảm 7%; năm 2020 giảm 13% so với năm 2015.

Trao đổi với phóng viên về kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2015 giảm mạnh, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng vẫn tăng nhưng do xuất khẩu tôm giảm nên kim ngạch xuất khẩu giảm.

Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản 8 tháng ước đạt 4,3 triệu tấn; tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Tháng 8 thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản nên sản lượng khai thác ước đạt 258 nghìn tấn; đưa sản lượng khai thác 8 tháng đạt 1.988 nghìn tấn; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng đạt 2.269 nghìn tấn; tăng 1,9% so với cùng kỳ...

Theo ông Điền, diện tích nuôi thả tôm giảm dẫn đến giá trị xuất khẩu từ tôm trong 8 tháng qua cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, thông thường xuất khẩu tôm hay rơi vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng lên, phục vụ cho các ngày lễ lớn.

Hội nhập nhờ… con tôm?

Theo tiến trình hội nhập, dự kiến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng với khoảng 600 triệu dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang ở giai đoạn cuối của đàm phán. Đây là một hiệp định lớn, cam kết mở cửa sâu rộng cho hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Canada…

Ngoài ra, còn hàng loạt các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang đàm phán với các đối tác như Liên minh kinh tế Á Âu, EU, Hàn Quốc…

“Đối với thị trường Nga hay Liên minh kinh tế Á Âu, sau khi đàm phán FTA với Việt Nam, Liên minh này đã mở cửa thêm cho 4 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam” – ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thông tin.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, hội nhập là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng và tiếp cận thị trường. Nhưng đồng thời nó cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại rào cản phi thuế quan cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Tham gia vào các FTA, Việt Nam giải quyết được một trong hai vấn đề nan giải nhất, đó là giá. Lâu nay, tôm Việt Nam bị bất lợi vì thuế, đặc biệt thuế chống bán phá giá. Các FTA sẽ giúp tôm Việt Nam hưởng lợi về giá và được công nhận bình đẳng như sản phẩm từ các thị trường uy tín nhất. Tuy vậy, hội nhập đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề thứ hai là bài toán chất lượng.

“Vừa qua, Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam, chúng tôi đã làm việc hai phía và khai thông được thị trường này. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng đang tích cực đàm phán với các tổ chức quốc tế về việc công nhận chất lượng thủy sản Việt Nam” – ông Điền cho biết.

Theo ông Tiệp, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm, Việt Nam cần xúc tiến mở rộng thị trường; tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lớn và ổn định. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến tôm.


Related news

ca-chet-hang-loat-hang-chuc-ho-dan-ho-do-trang-tay Cá chết hàng loạt, hàng… chinh-sach-tin-dung-nong-nghiep-nong-thon-mo-rong-doi-tuong-tang-muc-vay Chính sách tín dụng nông…