Tin thủy sản Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 2)

Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 2)

Author TS Vũ Dũng Tiến, publish date Tuesday. October 8th, 2019

Vai trò, và cơ chế tác động

Tiết ra các hợp chất ức chế chống lại vi khuẩn gây bệnh 

Nhiều dòng vi khuẩn có khả năng kìm hãm được các mầm bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Chúng có thể tiết vào môi trường xung quanh chúng những chất có tính sát khuẩn hoặc kìm khuẩn đối với quần thể vi sinh khác, gián tiếp cạnh tranh dinh dưỡng và năng lượng có sẵn trong môi trường. Khi những vi khuẩn này hiện diện trong ống tiêu hóa, trên bề mặt cơ thể vật chủ, các chất kìm hãm này ngăn cản sự nhân lên của vi khuẩn gây bệnh cơ hội trong môi trường quanh chúng. Những chất được vi khuẩn có lợi đó tiết ra có thể là kháng sinh, men phân hủy, H2O2, axít hữu cơ… Thành phần chất tiết ra khó có thể xác định được nên được gọi chung là chất ức chế. Chất ức chế có thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh như Aeromonas hydrophila và Vibrio parahaemolyticus.

Cạnh tranh dinh dưỡng và năng lượng với vi khuẩn có hại

Nhiều quần thể vi sinh vật cùng tồn tại trong một hệ sinh thái thì sẽ có sự cạnh tranh về dinh dưỡng và năng lượng. Cạnh tranh trong giới vi sinh vật chủ yếu là xảy ra ở nhóm dị dưỡng như cạnh tranh chất hữu cơ như nguồn carbon và năng lượng. Mặc dù, probiotic cũng cạnh tranh các chất dinh dưỡng (glucose và các axít amin) với vật nuôi, song tác động này là rất nhỏ so với tác động có lợi của chúng.

Cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại

Thực nghiệm cho thấy các vi khuẩn gây bệnh cho tôm, cá đều có khả năng bám dính trên thành ruột vật nuôi. Các vi khuẩn được phân lập trên màng nhầy ruột cạnh tranh tốt hơn các vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào. Ảnh hưởng có lợi có thể là hỗn hợp giữa cạnh tranh chỗ bám và tiết ra chất ức chế. 

Tương tác với thực vật thủy sinh

Một số dòng vi khuẩn có khả năng tiêu diệt một số loài tảo, đặc biệt là tảo gây ra thủy triều đỏ. Những dòng vi khuẩn này có thể không tốt đối với ương ấu trùng bằng nước xanh, nhưng nó sẽ có lợi khi tảo phát triển quá mức trong ao nuôi. Ngược lại, có nhiều dòng vi khuẩn khác có khả năng kích thích sự phát triển của tảo. Việc sử dụng hợp lý, đúng lúc từng nhóm vi khuẩn có lợi sẽ góp phần cải thiện và ổn định môi trường nuôi.

Cải thiện chất lượng nước nuôi

Men vi sinh phân hủy các hợp chất hữu cơ phức tạp thành các hợp chất hữu cơ đơn giản. Sau đó, các chủng loại vi sinh vật phát huy tác dụng cải thiện chất lượng nước ao nuôi nhờ các khả năng sau:

- Làm giảm ammonia: Vi sinh vật dị dưỡng chuyển hóa các hợp chất hữu cơ đơn giản thành các chất vô cơ (CO2, NH3).

 - Làm giảm tảo: Vi sinh vật thuộc nhóm Bacillus vừa sử dụng trực tiếp chất hữu cơ trong ao, vừa khử nitrat thành nitơ phân tử dạng khí (N2) thoát ra ngoài, làm giảm muối dinh dưỡng trong ao, hạn chế số lượng tảo, duy trì độ trong trong ao nuôi tôm các tháng cuối không nhỏ hơn 30 cm.

- Làm giảm tác nhân gây bệnh cho vật nuôi: Vi sinh vật thuộc nhóm Bacillus nhờ môi trường thích hợp (vừa nêu trên) sẽ phát triển rất nhanh tạo số lượng rất lớn, cạnh tranh sử dụng hết thức ăn của nguyên sinh động vật, các vi sinh vật và Vibrio có hại, ngăn cản sự phát triển của chúng, làm giảm các tác nhân gây bệnh cho tôm nuôi.

Tác động lên vật nuôi

- Ngăn chặn vi khuẩn có hại do vi khuẩn có lợi tạo các chất kháng khuẩn, cạnh tranh thức ăn và không gắn với các loại vi khuẩn có hại;

- Tương tác với quá trình trao đổi chất của vật nuôi hay hệ vi sinh trong cơ thể vật nuôi với quá trình enzyme hỗ trợ cho tiêu hóa, giảm lượng ammonia hay những enzyme độc hại và cải thiện chức năng của thành ruột; 

- Cải thiện phản ứng miễn dịch của vật nuôi do nồng độ kháng thể gia tăng và tăng số lượng đại thực bào; 

- Phân hủy các chất hữu cơ có từ thức ăn dư thừa, các chất bài tiết của tôm cá và có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh trong ao nuôi, giúp giảm ô nhiễm đáy ao.

Chế phẩm sinh học thường được nhà sản xuất và người dân gọi là “men vi sinh”, một cách gọi không chính xác về mặt khoa học (thuật ngữ “Men vi sinh” là những vi khuẩn và vi nấm có lợi cho sức khỏe, đặc biệt cho hệ tiêu hóa).


Related news

mo-hinh-nuoi-tom-an-toan-tai-thai-binh Mô hình nuôi tôm an… huong-dan-su-dung-men-vi-sinh-trong-nuoi-trong-thuy-san-phan-1 Hướng dẫn sử dụng men…