Mô hình kinh tế Hướng Làm Kinh Mới Cho Nông Dân Pú Ôn, Nà Áng

Hướng Làm Kinh Mới Cho Nông Dân Pú Ôn, Nà Áng

Publish date Friday. June 28th, 2013

Bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa đã thực hiện thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn cho 60 hộ nghèo của 2 thôn Pú Ôn và Nà Áng (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa).

Với những kết quả khả quan mô hình đem lại, đã mở hướng làm kinh tế mới cho người dân sinh sống bằng nghề thuần nông nơi đây...

Bà Trần Thị Quỳnh, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa cho biết: Khảo sát thực tế địa điểm triển khai mô hình trước khi tổ chức thực hiện cho thấy, nông dân bản Pú Ôn và Nà Áng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là tập quán chăn nuôi theo hướng truyền thống khiến đàn gia súc, gia cầm phát triển thiếu ổn định và tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh khi gặp điều kiện môi trường bất thuận. Điều đó đòi hỏi cần phải giúp bà con tiếp cận với phương pháp chăn nuôi áp dụng tiến bộ KHKT vừa đem lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn sinh học.

Chính vì vậy, triển khai mô hình, ngoài thực hiện cấp cho mỗi hộ 30 con giống (gà lương phượng), hỗ trợ 60% thức ăn và thuốc thú y, cán bộ kỹ thuật của trạm còn chú trọng việc nâng cao kiến thức cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn: từ khâu nuôi nhốt, úm gia cầm (trong 3 tuần đầu), cách phối trộn thức ăn... đến cách nhận biết và biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp.

Với phương pháp cầm tay chỉ việc, cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ hướng dẫn và giám sát quá trình chăm sóc, cách thức cho ăn, tiêm phòng vắc xin định kỳ theo chỉ dẫn... đảm bảo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, sau 3 tháng thực hiện mô hình, trọng lượng gà trung bình đạt 1,7kg/con. Bà con đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà đặc biệt là kỹ thuật phòng chống rét trong mùa đông để gà phát triển tốt.

Ông Thào A Chơ, bản Pú Ôn cho biết: Theo tính toán, với giá bán trung bình từ 120.000 - 130.000 đồng/kg gà thịt, chỉ sau 3 tháng chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, trừ chi phí, mỗi hộ tham gia mô hình có lãi hơn 3 triệu đồng. Mô hình nuôi gà thịt thả vườn giúp tôi và nhiều hộ khác trong bản lần đầu tiên được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả.

Trước đây, chúng tôi nuôi thả theo kiểu truyền thống không đầu tư thức ăn, cũng không tiêm vắc xin phòng bệnh, nên gà nuôi thường bị dịch bệnh và chết. Nay được cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện hướng dẫn cách nuôi gà mới rất hiệu quả, chúng tôi đã nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống nên sẽ đầu tư để chăn nuôi, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Bà Trần Thị Quỳnh cho biết thêm: Sở dĩ lựa chọn giống gà lương phượng nuôi bởi sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường. Mô hình nuôi gà thả vườn phù hợp với những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, thích hợp với điều kiện không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành, mức đầu tư cho mô hình không lớn. Do đó, sau khi mô hình kết thúc, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã nắm được quy trình kỹ thuật, vận dụng vào thực tế nên chỉ cần đầu tư số vốn nhỏ là có thể thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế.


Related news

thanh-luong-voi-phong-trao-trong-cay-canh Thanh Luông Với Phong Trào… trong-hoa-nghe-moi-cho-nong-dan-pom-lot Trồng Hoa Nghề Mới Cho…