Mô hình kinh tế Hướng Tới Công Nghệ Chăn Nuôi Không Phân

Hướng Tới Công Nghệ Chăn Nuôi Không Phân

Publish date Saturday. May 12th, 2012

Ngày 7/5, tại tỉnh Đồng Nai, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, lần I – năm 2012 với chủ đề “Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức. Nhiều giải pháp áp dụng chế phẩm sinh học (CPSH)được người chăn nuôi rất quan tâm…

CPSH HỮU ÍCH

Việc sử dụng CPSH trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đang triển khai thử nghiệm ở một số địa phương nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Khuyến cáo của các nhà khoa học cho thấy, việc sử dụng CPSH trong chăn nuôi heo sẽ giúp tăng tỷ lệ nạc hóa đàn heo vượt ngưỡng 50%; đồng thời giải quyết tốt môi trường chăn nuôi vốn được xem là khâu khó khăn phức tạp, nhất là tại các vùng ven các khu đô thị để tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng.

Theo Viện sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam), người chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao; nhiều loại dịch bệnh và ô nhiễm môi trường gia tăng. Hơn nữa, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư hóa chất trong thịt, trứng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, lượng phân và nước thải hàng ngày với khối lượng lớn, các trang trại nuôi heo thường bán cho các nhà vườn trồng cây trái, rau màu và được bón trực tiếp hoặc xử lý không đúng quy cách càng gây ô nhiễm. TS.Võ Thị Hạnh, phòng Vi sinh, Viện Sinh học nhiệt đới cho rằng, trên thế giới giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi là hạn chế kháng sinh không dùng chất kích thích và tạo nạc mà sử dụng CPSH có vai trò cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỉ lệ các vi sinh vật gây bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo bà Hạnh, trên thị trường hiện có trên 200 CPSH dùng cho chăn nuôi, gồm: Chế phẩm SX của nước ngoài đóng bao bì tại Việt Nam có giá thành rất cao, đôi khi không rõ xuất xứ. Đồng thời cũng có những chế phẩm SX trong nước giá rẻ, nhưng chất lượng chưa ổn định khiến người chăn nuôi không tin tưởng, ít sử dụng.

Từ thực tế trên, Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu SX và thử nghiệm hiệu quả các CPSH trong chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp người chăn nuôi có thể lựa chọn sử dụng nhiều loại phù hợp như: BIOI, BIO-SUPER, BIO-T, BIO-G, BIO-HR, BIO-III và VEM-K… Các CPSH này không chỉ phòng các bệnh rối loạn tiêu hóa mà còn cải thiệt tăng trọng, giảm tiêu hao thức ăn và giảm mùi hôi của phân.

Nhóm CPSH cung cấp enzym giúp vật nuôi tiêu hóa tinh bột và protein, giảm thấp tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi. Nhóm CPSH chứa các hỗn hợp tế bào men nấm dưới dạng đậm đặc sẽ kích thích tăng trưởng và hoạt động của các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó sẽ vô hiệu hóa độc tố nấm có trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh, nâng cao khả năng sinh sản.

Nhóm CPSH có chứa các nguyên tố vi lượng gắn kết với hợp chất hữu cơ như aminoacid hoặc peptid giúp cho việc hấp thu khoáng chất qua thành ruột được tốt hơn, do đó tăng cường khả năng sinh học của khoáng chất trong cơ thể gia súc, gia cầm. Các chế phẩm nhóm này sẽ bổ sung một số nguyên tố vi lượng mà cơ thể đang cần, giúp con vật phòng trị được một số bệnh về dinh dưỡng, tăng khả năng miễn nhiễm, gia tăng hiệu quả sinh sản.

CHĂN NUÔI KHÔNG PHÂN

Một trong những hộ điển hình thực hiện chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh thái (công nghệ chăn nuôi không phân) hiệu quả, là gia đình ông Trương Văn Thum, ấp Tân Lộc, xã Tấn Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Năm 2010, gia đình ông Thum tiến hành cải tạo hệ thống chuồng trại và áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót lên men với diện tích 40 m2. Kết quả, đàn heo 30 con trong chuồng phát triển tốt, ít bệnh, tăng trưởng rất nhanh.

Ông Thum cho biết: “Đợt heo đầu tiên (sau 4 tháng) gia đình tôi nuôi đạt trọng lượng 100 kg/con, giá bán 3,8 triệu đồng/con, sau khi trừ hết chi phí tôi thu lãi được trên 36 triệu đồng”. Theo ông Thum, từ khi sử dụng nền chuồng heo đệm lót lên men khiến chẳng còn mùi hôi, tiết kiệm được “đủ món” như nước, công lao động...; ruồi, muỗi cũng giảm hẳn.

Hay mô hình sử dụng chất độn chuồng đệm lót sinh học BALASA NO1 trong nuôi gà của gia đình ông Lê Hoang Thông, ở 120, Khánh Nghĩa, Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, gia đình ông bắt đầu nuôi gà, với quy mô khoảng 20.000 con gà/năm (khoảng 5.000 con/đợt). Trước đây, do không biết trên thị trường có loại men BALASA NO1 nên ông nuôi gà trên nền trấu bình thường. Đến năm 2010, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp xuống giới thiệu hướng dẫn cách áp dụng công nghệ mới, sử dụng BALASA NO1 trộn với trấu làm chất độn chuồng để nuôi gà thịt.

Hiệu quả đã hạn chế được rất nhiều mùi hôi do phân thải ra, từ đó cũng hạn chế được bệnh hô hấp và tiêu hóa của gà, giảm  chi phí chăn nuôi, hạ giá thành sản phẩm: “Thực tế, với 1.000 con gà tôi đã tiết kiệm được 3 triệu đồng tiền thuốc thú y so với trước đây và như vậy lợi nhuận mỗi năm tăng thêm được khoảng 60 triệu đồng”, ông Thông tâm sự.

Trao đổi với NNVN, bà Ngô Xuân Hương, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp cho biết: Thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, lượng chất thải trong chăn nuôi chưa qua xử lý còn rất cao, tập trung hầu hết ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Tuy nhiên, CPSH có tên BALASA NO1 làm đệm lót sinh học đang được các hộ dân địa phương rất hào hứng ứng dụng. Thuận lợi là kỹ thuật làm chuồng trại dễ thực hiện, khâu chuẩn bị đệm lót, chăm sóc vật nuôi cũng đơn giản hơn và nhất là chi phí thấp.

Kết quả cho thấy, khi triển khai mô hình này đã tiết kiệm được khoảng 80% lượng nước trong chăn nuôi, do không phải sử dụng để rửa chuồng, tắm heo, vật nuôi; giảm 50% nhân công lao động do không cần tốn công dọn, rửa chuồng trại; tiết kiệm 10% thức ăn do khả năng tiêu hóa hấp thụ của vật nuôi tốt hơn nhờ vào lượng vi sinh vật có lợi từ đệm lót. Đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường, không hề có mùi hôi nên ruồi, muỗi cũng không có.

+ Việc sử dụng CPSH là yếu tố cần thiết trong chăn nuôi hiện đại, song cần nắm chắc chất lượng thức ăn để bổ sung cần thiết, nắm được tình trạng sức khỏe của vật nuôi để chọn chế phẩm có công dụng tương ứng.

Muốn vậy, người chăn nuôi phải có kiến thức cơ bản về con vật và quy trình nuôi cũng như thường xuyên tham khảo ý kiến của các trạm, trung tâm khuyến nông để được hướng dẫn cụ thể.

+ TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Bộ phận phụ trách Khuyến nông chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Các mô hình sử dụng đệm lót sinh học đang được triển khai tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bình Phước… đã mang lại hiệu quả rất cao cho người chăn nuôi.

Hệ thống khuyến nông cơ sở cũng tích cực phổ biến, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, men BALASA NO1 cho các hộ dân ứng dụng và dần nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác”.


Related news

nguy-co-bung-phat-vang-lun-lun-xoan-la Nguy Cơ Bùng Phát Vàng… thanh-hoa-gong-minh-chong-han Thanh Hóa: Gồng Mình Chống…