Mô hình kinh tế Huyện Nông Cống Nhiều Giải Pháp Phát Triển Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững

Huyện Nông Cống Nhiều Giải Pháp Phát Triển Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững

Publish date Friday. August 1st, 2014

Nông Cống có nhiều hồ đầm và đồng chiêm trũng thuận lợi cho phát triển thủy sản. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản là 918 ha, trong đó, diện tích nuôi trồng nước lợ là 230 ha, nuôi trồng nước ngọt 688 ha.

Hiện các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống thủy sản ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm thủy sản của huyện. 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng thủy sản ước đạt 1.150 tấn.

Trường Giang là một trong những xã có phong trào và diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối lớn của huyện với hơn 100 ha. Vụ xuân-hè năm nay, xã đã đưa vào thả nuôi hơn 880 vạn con tôm sú; ngoài ra còn đưa thêm vào nuôi  gần 5 vạn con cua giống và nhiều giống cá các loại.

Bác Lê Thiên Lâm ở thôn 1, chia sẻ: “Nhà tôi có 6 ha nuôi thủy sản quảng canh ở khu nuôi công nghiệp của xã, mỗi năm nuôi một vụ tôm và các loại cá truyền thống trôi, trắm cỏ, trắm đen. Với 100 triệu đồng tiền giống, cuối vụ trừ chi phí còn thu lãi gần 200 triệu đồng”.

Thực tế cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Nông Cống đã phát huy hiệu quả từ tiềm năng sẵn có cùng với những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều xã phát triển thủy sản với quy mô và hiệu quả cao, như: Trường Giang, Trường Trung, Tượng Lĩnh, Tượng Văn...

 So với trồng lúa, nuôi cá hiệu quả cao hơn từ 1,5 đến 3 lần, cũng nhờ nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, so với tiềm năng thì hiện nay, nuôi trồng thủy sản của huyện Nông Cống vẫn chưa phát triển tương xứng,  phần lớn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do khó khăn về vốn nên nhiều hộ chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyên canh, dẫn đến năng suất, sản lượng, chất lượng chưa cao. Cơ sở hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản còn thiếu đồng bộ.

Hầu hết các xã, thị trấn đều chưa có kênh mương cấp thoát nước dành riêng cho thủy sản, dẫn đến việc cải tạo, vệ sinh ao gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện chưa hình thành được chợ đầu mối, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Đầu ra của sản phẩm thủy sản vẫn bị bó hẹp, chủ yếu là người buôn bán nhỏ thu mua nên giá cả không ổn định, vẫn có tình trạng bị tư thương ép giá. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người nông dân không mặn mà với đầu tư thâm canh sâu về nuôi trồng thủy sản.

Trước thực trạng trên, huyện Nông Cống tập trung đẩy mạnh chỉ đạo phát triển thủy sản. Trong đó, chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai.

Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao.

Huyện tập trung phát triển thủy sản theo hướng ổn định diện tích, tập trung đầu tư nguồn lực cho đầu tư thâm canh đưa thủy sản đi vào chiều sâu, nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Tiếp tục đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác phát triển thủy sản... củng cố quan hệ sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo ra thị trường ổn định để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển.


Related news

huyen-thuong-xuan-tien-do-trong-moi-cao-su-dat-thap Huyện Thường Xuân Tiến Độ… hieu-qua-buoc-dau-tu-viec-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-tren-dat-nhiem-man-o-nga-son Hiệu Quả Bước Đầu Từ…