Tôm sú Khắc phục hiện tượng tôm lội

Khắc phục hiện tượng tôm lội

Author Ks. Phương Thanh, publish date Friday. April 20th, 2018

Tôm lội là hiện tượng tôm kéo thành đàn, bơi lội xung quanh bờ, tôm kém ăn. Hiện tượng tôm kéo đàn vẫn thường xảy ra trong ao nuôi tôm.

Tuy chưa dẫn đến chết tôm nhưng đây là hiện tượng báo hiệu có dấu hiệu bất thường xảy ra trong ao tôm. Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm lội như sự thay đổi nhiệt độ môi trường, sự phân hủy các hợp chất hữu cơ xảy ra nhanh sinh ra khí độc gây hại cho tôm, trong ao thiếu ô xy, sự thay đổi đột ngột pH nước, độ trong. Tôm kéo đàn quanh bờ thường xảy ra ở các ao tôm có mật độ nuôi dày, không lắp đặt hệ thống quạt gió dẫn đến thiếu ô xy. Có thể phân loại thành các trường hợp sau:

1. Với những ao có màu nước đậm, độ trong thấp, hàm lượng ô xy hòa tan ở tầng đáy thấp đã tạo ra khu vực yếm khí nên sinh ra nhiều khí độc như NH3, NO2… vì vậy làm cho tôm không thể cư trú ở khu vực này mà phải bơi lên tầng giữa hay tầng mặt để tìm nơi có điều kiện thích nghi hơn để sống tạo ra hiện tượng tôm kéo đàn.

2. Với những ao nước trong:

Tôm kéo đàn sẽ xảy ra trong ao có rong đáy hoặc không có rong đáy.

+ Ao có rong đáy như rong đuôi chồn, rong mềm… do quá trình quang hợp của các loại rong đáy làm tăng pH (> 9). Khi pH cao sẽ gây độc cho tôm do lượng khí NH3 có hàm lượng cao ở đáy ao. Ở những ao này có xử lý chất thải sẽ làm hạn chế lượng khí độc, chính vì thế mà mặc dù pH cao nhưng chưa làm chết tôm mà mới dừng lại ở mức tôm kéo đàn.

+ Ao không có rong đáy: Những ao này thường nghèo dinh dưỡng, độ kiềm thấp làm mất cân đối các yếu tố môi trường và sự biến động các chỉ tiêu môi trường thường xuyên xảy ra cũng làm cho tôm kéo đàn.

Biện pháp khắc phục:

+ Làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan khu vực đáy ao. Không để khu vực đáy bị yếm khí thông qua các biện pháp như xy phông đáy ao, quạt nước, đảo nước hoặc trộn nước bằng các máy đuôi tôm.

+ Tăng mực nước bằng nước sạch làm ổn định các yếu tố môi trường.

+ Với những ao có rong đáy khi tôm hơn một tháng tuổi thì dùng các biện pháp như nhổ rong đuôi chồn, với rong mềm, rong nhớt thì dùng lưới kéo sát đáy ao, lấy vợt vớt đi các rong nổi trên mặt nước và tấp phía cuối gió. Những hoạt động này tiến hành nhiều ngày. Khi làm xong công việc cần bón phân gây màu nước và tạt bổ sung 5-10 kg/1.000 m2 một trong các loại như Daimetin, Neolite. Zeolite…

Chú ý các chỉ tiêu của nước:

+ Độ trong: Thích hợp từ 20-30 cm, nếu nước có màu đậm thì cần thay nước. Nước có độ trong sâu hơn thì cần bón vôi, bón phân gây màu nước.

+ pH: Thích hợp là từ 7,5-8,5. Trong trường hợp thấp hơn cần bón vôi để tăng pH, cao hơn thì cần thay nước.

+ Độ kiềm: Trên 80 mg/lít (không nên quá 200 mg/lít). Để đạt độ kiềm thích hợp cho tôm bằng cách thay nước, bón vôi sò hay Super canxi hoặc Dolomite…

+ Quản lý khí độc: Cần chú ý nhiều ở những ao giàu đạm, ở giai đoạn một tháng tuổi vì giai đoạn này tôm chưa khuấy động nước nền đáy ao, khí độc không thể thoát ra ngoài. Khắc phục bằng cách xáo trộn nước, phun chế phẩm sinh học, hoặc áp dụng giải pháp sinh học “cá rô phi – tôm sú”.

Quản lý sức khỏe tôm:

+ Theo dõi thường xuyên chế độ ăn của tôm, không cho ăn thừa thức ăn.

+ Tăng cường vitamin C vào trong thức ăn để chống lại nhiệt độ tăng cao và sự biến động của các yếu tố môi trường.


Related news

nuoi-ghep-hau-voi-tom-su Nuôi ghép hàu với tôm… quan-ly-hieu-qua-tao-trong-ao-tom Quản lý hiệu quả tảo…