Tôm thẻ chân trắng Khai thác thế mạnh vùng triều, nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững

Khai thác thế mạnh vùng triều, nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững

Publish date Saturday. August 29th, 2015

Năm 2014, Hoằng Phụ đã đưa 10 ha vào nuôi tôm he chân trắng (tăng 4 ha so với năm 2013). 100% diện tích nuôi tôm he chân trắng được các chủ ao đầm thả từ 2 – 3 vụ/năm. Từ đầu tháng 6 đến nay, các chủ ao đầm đã tiến hành thu hoạch tôm thương phẩm vụ 1 và vụ 2. Năng suất bình quân đạt 13 – 15 tấn/ha/vụ. Hiện tại, giá bán tôm he chân trắng thương phẩm ổn định, người nuôi thu lợi nhuận cao. Không những làm giàu cho gia đình, các hộ nuôi tôm he chân trắng tại Hoằng Phụ còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ.

Ông Nguyễn Bá Hùng (chủ ao nuôi tôm he chân trắng tại thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ), phấn khởi cho biết: Gia đình ông đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại phục vụ nuôi tôm he chân trắng 3 vụ/năm. Năng suất tôm thương phẩm đạt cao (bình quân đạt 14 tấn/ha/vụ). Sau khi trừ mọi chi phí, còn lãi hơn 500 triệu đồng/ha/vụ.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng: Nuôi tôm he chân trắng có nhiều cái lợi, đó là thời gian nuôi ngắn (khoảng 80 ngày) có thể cho thu hoạch tôm thương phẩm. So với tôm sú, tôm he chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, tôm phàm ăn, cho năng suất cao.

Do chi phí sản xuất thấp nên giá thành tôm he chân trắng thương phẩm thấp, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài mắc các loại bệnh như tôm sú, tôm he chân trắng còn có thể mang bệnh vi rút taura nguy hiểm có thể lây sang tôm sú. Để nuôi tôm he chân trắng thành công cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chọn mua được con giống sạch bệnh; quản lý tốt môi trường nuôi để không xảy ra dịch bệnh và có cơ sở tiêu thụ sản phẩm ổn định. Thực tế cho thấy, nuôi tôm he chân trắng lãi cao hơn nhiều lần so với tôm sú. Đề nghị huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Phụ tạo điều kiện để người dân nhận thầu đất bãi bồi ven sông đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng trong các năm tới.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Hiện nay, xã có hàng chục ha đất bãi bồi ven sông. Để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững, UBND xã đã rà soát diện tích bãi bồi ven sông, quy hoạch, bước đầu chuyển 20 ha sang nuôi tôm he chân trắng.

Đồng thời, xã đã hỗ trợ xây dựng đường điện (từ trạm điện của xã đến các khu đồng nuôi) và vận động, khuyến khích các đơn vị, cá nhân có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và kinh nghiệm nhận thầu ao đầm nuôi tôm he chân trắng. Đến tháng 10-2014 đã có 12 hộ nhận thầu 10 ha nuôi tôm he chân trắng. Ngoài ra, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo các chủ ao đầm tăng cường kiểm dịch, quản lý nghiêm ngặt chất lượng con giống.

Xã có kế hoạch tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, hoàn chỉnh công nghệ, quy trình kỹ thuật nuôi để phổ biến rộng rãi cho người dân kiến thức kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống, chăm sóc, quản lý tôm nuôi, sử dụng hóa chất, thức ăn, thuốc kháng sinh đúng liều lượng, nâng kích cỡ tôm nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ xuất khẩu và bảo vệ môi trường.

Tags: nuoi thuy san, vung trieu, thuy san, nuoi trong thuy san, nuoi tom ben vung


Related news

thanh-cong-tu-mo-hinh-nuoi-ca-chach Thành công từ mô hình… nuoi-tom-cua-lai-900-trieu-dong-nam Nuôi tôm, cua lãi 900…