Mô hình kinh tế Khấm Khá Nhờ Mô Hình Xen Canh Cây Hồ Tiêu

Khấm Khá Nhờ Mô Hình Xen Canh Cây Hồ Tiêu

Publish date Monday. June 11th, 2012

Từ lâu, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được biết đến với nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng việc lựa chọn giống cây trồng xen canh với cây ăn trái, luôn là bài toán khó cho các nhà vườn. Gần đây, khá nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn trồng xen canh cây hồ tiêu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng đi mới cho nhà vườn...

Nhiều năm qua, ngoài thu nhập từ nguồn lợi cây ăn trái thì lợi nhuận của cây hồ tiêu mà gia đình ông Châu Văn Ân, ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thới đạt được không nhỏ. Tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng ngày nào ông Ân cũng dành thời gian ra vườn chăm sóc hồ tiêu. 

Đang cặm cụi cắt tỉa những cành tiêu già cỗi, gặp tôi, chưa kịp lau những giọt mồ hôi đẫm trên trán, ông Ân khoe: “Năm nay giá tiêu khá cao, lại hút hàng, thu hoạch bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu. Vụ vừa rồi, trừ chi phí, tôi cũng bỏ túi rủng rỉnh trên 50 triệu đồng”. Ông Ân là một trong những người đầu tiên trong xã Tân Thới trồng xen canh cây hồ tiêu với vườn cây ăn trái và ông “bén duyên” với hồ tiêu là khá tình cờ. Theo lời ông Ân, cách đây hơn 10 năm, ông có dịp du lịch ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và tham quan mô hình trồng hồ tiêu. 

Thấy ông Ân thích thú với loại cây này, chủ vườn tặng ông vài gốc làm kỷ niệm. Ông Ân mang về trồng phía sau nhà để tiện việc chăm sóc. Chỉ sau 2 năm, mấy gốc hồ tiêu này đã cho trái chiếng trĩu cành. “Lúc đầu, tôi cũng nghi ngờ về năng suất cũng như chất lượng của hạt tiêu vì sợ loại cây này không hợp thổ nhưỡng ở vùng đất phù sa. Nhưng thật bất ngờ, khi dùng thử, hương vị hạt tiêu đậm đà không thua kém hồ tiêu nơi khác” - ông Ân kể.

Từ những gốc tiêu trồng làm kiểng, ông Ân nhân giống và trồng thí điểm hơn 100 gốc trong vườn cây ăn trái. Vài năm sau, vườn hồ tiêu của ông Ân cho trái thương phẩm. Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Ân mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, ông sở hữu hơn 800 gốc hồ tiêu, với thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông Ân cho biết thêm: “Cây hồ tiêu rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, có thể tận dụng những khoảng trống, cặp bờ ao để trồng. Cách này không ảnh hưởng sự phát triển cây ăn trái, mà hồ tiêu vẫn phát triển bình thường”. 

Hiện nay, ngoài việc bán hạt tiêu thương phẩm, ông Ân còn đầu tư nhân giống, bán cho các nhà vườn khác, tích cực hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu cho bà con trong xã. Ông Ân chia sẻ: “Nếu trồng bằng dây thân, sau từ 1 đến 2 tháng, cây sẽ mọc cành tược. Tược lên đến đâu phải buộc dây đến đó để rễ bám chắc vào trụ tạm, cây mới cho ra nhánh ác. Đối với tiêu trồng bằng dây lươn, loại này thường không ra nhánh ác ngay. Tuy vậy vẫn phải thường xuyên buộc dây vào trụ tạm, không để cho những đốt không có rễ bám vào trụ tạm. 

Khoảng 10 tháng đến 1 năm sau khi trồng, dây bám trên trụ tạm khoảng 2m thì bắt đầu ra nhánh ác. Việc buộc dây nên tiến hành từ 6 đến 8 ngày/lần. Khi hồ tiêu trong giai đoạn chuẩn bị ra hoa, do trồng xen kẽ trong vườn cây ăn trái, nên hay bị các loại cây che kín, do đó phải cắt tỉa cành các cây ăn trái khác nhằm đảm bảo cho việc hấp thụ ánh sáng của cây hồ tiêu và để hạn chế bị lép...”.

Cách nhà ông Ân không xa, hộ ông Châu Hoàng Sơn cũng trồng hơn 500 gốc hồ tiêu. Theo ông Sơn, trồng hồ tiêu trong vườn cây ăn trái là hướng đi phù hợp cho nhà vườn. Bởi hồ tiêu cũng là loại cây lâu năm thích hợp với vùng đất ĐBSCL phù sa màu mỡ. Tuy nhiên, cây hồ tiêu rất dễ bị chết khi bị ngập úng; trong khi đó, vùng đất này thường bị lũ lụt nên phải chú trọng khâu thoát nước, đảm bảo không ngập, để hạn chế thiệt hại. 

Theo ông Sơn: “Hồ tiêu thuộc loại dây leo nên khi trồng phải dùng trụ cho cây bám. Cũng giống như cây thanh long, mình có thể dùng trụ đá hoặc trụ bằng cây. Nhưng để giảm chi phí nên dùng trụ cây, tốt nhất là các loại cây như gòn, bí,... làm trụ. Vì những loại cây này dễ trồng, thân thẳng đứng, tán nhỏ, phù hợp cho cây hồ tiêu đeo bám phát triển. Sau khi thu hoạch tiêu, đến mùa mưa, cần tỉa bớt những cành tược, cành lươn mọc ra từ gốc tiêu và cành tược mọc ngoài khung thân chính. Việc tỉa cành nên tiến hành vào đầu mùa mưa, để tạo dinh dưỡng cho mầm hoa vụ tiếp theo”.

Theo Hội Nông dân xã Tân Thới, hiện xã có hơn 60% diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn trái, trong đó, nhiều loại cây trở thành đặc sản địa phương như: dâu, sầu riêng, mít... Thời gian qua, các nhà vườn đã có nhiều mô hình hiệu quả, đặc biệt kết hợp vườn cây ăn trái, chăn nuôi, hoa màu ngắn ngày. Hiện nay, xã có hơn chục nhà vườn trồng hồ tiêu xen canh với vườn cây ăn trái, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Nưa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thới cho biết: “Hiệu quả mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho nhà vườn trong xã. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình trồng xen canh hồ tiêu, địa phương tiếp tục có kế hoạch nghiên cứu, quy hoạch bài bản, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con”.

Related news

giong-san-km140-khong-nhiem-benh-choi-rong Giống Sắn KM140 Không Nhiễm… cac-tinh-tay-nguyen-tap-trung-cham-soc-ca-phe Các Tỉnh Tây Nguyên Tập…