Khẳng định vai trò kinh tế tập thể
Mở rộng liên kết
Đến nay, huyện Phong Điền đã hình thành nhiều CLB, THT sản xuất và HTX cây ăn trái và phát huy được vai trò liên kết giữa các thành viên để tạo ra lượng hàng hóa lớn, có chất lượng đồng đều để cung ứng cho thị trường. Mặt khác, kinh tế tập thể cũng hỗ trợ tích cực cho các thành viên của mình nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại ấp Trường Hòa, xã Trường Long đã phát triển trồng cây chanh không hạt và chanh cho trái quanh năm, giúp cải thiện thu nhập cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ có một quy trình sản xuất khác nhau, nên chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó đảm bảo lượng hàng lớn khi doanh nghiệp yêu cầu. Nhà vườn chủ yếu bán hàng cho thương lái, nên giá cả bấp bênh. Trước thực tế đó và được sự động viên của chính quyền địa phương, các hộ dân trồng chanh ở ấp Trường Hòa quyết định liên kết lại thành lập THT sản xuất chanh không hạt vào năm 2013.
Nhờ vậy, các hộ dân trồng chanh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm sản xuất với nhau và thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Vào giữa tháng 8-2015, các thành viên THT quyết định chuyển lên thành lập HTX chanh không hạt, với mong muốn tăng cường hơn trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến việc bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX chanh không hạt ấp Trường Hòa, cho biết: "Hiện 24 thành viên của HTX canh tác 8,8ha chanh không hạt có kế hoạch liên kết trong sản xuất để thực hiện việc trồng chanh theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm đảm bảo có lượng hàng lớn, chất lượng đồng đều.
Chúng tôi tin rằng, HTX sẽ giúp việc sản xuất và tiêu thụ chanh của bà con ổn định và bền vững hơn". Theo bà Huệ, trước đây gia đình bà từng bán chanh cho một doanh nghiệp, với giá ổn định từ 7.000 đồng/kg trở lên, tốt hơn nhiều so với bán cho thương lái. Nhưng sau đó vì số lượng ít nên không tiếp tục bán cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, thời gian qua, các phòng chức năng huyện đã tích cực khuyến cáo người dân cải tạo vườn tạp và mạnh dạn chuyển đổi các diện tích vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Hướng dẫn nông dân sản xuất rải vụ và phát triển trồng cây ăn trái theo hướng sạch gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm thông qua phát triển du lịch tại địa phương. Huyện cũng vận động nhân dân tăng cường liên kết, hợp tác, hình thành các CLB, THT và HTX để nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 3.280 nông hộ tham gia vào các CLB, THT và HTX, trong đó số hộ làm vườn chiếm khoảng 60 - 70%. Hiện hầu hết các loại cây ăn trái quan trọng trên địa bàn đều đã hình thành được các tổ chức kinh tế hợp tác như: HTX Dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, HTX Nhãn xã Nhơn Nghĩa, HTX chanh không hạt ấp Trường Hòa, HTX cam Mật và cam Xoàn ở xã Trường Long, CLB Vú sữa ở xã Giai Xuân, CLB Sầu Riêng ở xã Tân Thới...
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, cho biết: "Hiện HTX có 18 thành viên, với diện tích canh tác 22 ha. Có thể nói, việc thành lập HTX đã giúp các xã viên thuận lợi hơn rất nhiều trong việc nhận được các hỗ trợ của ngành chức năng như: tập huấn kỹ thuật, thông tin thị trường, quảng bá hình ảnh, sản phẩm và kết nối với doanh nghiệp... nhằm tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Hiện nay, vào mùa thu hoạch dâu, HTX có khả năng cung ứng hàng nhanh, với số lượng lớn lên tới 4-6 tấn/ngày theo yêu cầu của khách". Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể không chỉ giúp các nông hộ dễ kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm mà còn nâng cao được hiệu quả sản xuất nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản để giảm giá thành, tăng năng suất chất lượng và giá bán sản phẩm.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, phần lớn các CLB, THT và HTX nông nghiệp trên địa bàn đã và đang phát huy được hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhất là việc nâng cao trình độ sản xuất cho người dân và tạo động lực hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa các nông hộ. Song, muốn phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể trong hỗ trợ xã viên tiêu thụ trái cây và nông sản nói chung, huyện rất cần các cấp chính quyền thành phố và Trung ương có thêm nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết với tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Về phía huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân liên kết, thành lập các CLB, THT và HTX nông nghiệp theo hướng chuyên sâu và có phạm vi hoạt động rộng gắn từng loại cây ăn trái và mặt hàng nông sản cụ thể trên địa bàn huyện để nâng cao giá trị chuỗi toàn ngành hàng. Đồng thời, định hướng cho bà con phát triển sản xuất theo quy trình kỹ thuật được chứng nhận VietGAP....
Phong Điền là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tại TP Cần Thơ. Toàn huyện hiện có 6.020 ha cây ăn trái các loại, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 5.000 ha. Với nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trình độ sản xuất cho người dân và tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, tin rằng các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện sẽ ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao