Tin nông nghiệp Khẩu phần muối phù hợp cho vật nuôi

Khẩu phần muối phù hợp cho vật nuôi

Author Nguyễn An (Theo Wattagnet), publish date Monday. July 9th, 2018

Muối là nguyên liệu có sẵn và rẻ nhưng không kém phần quan trọng đối với sinh trưởng của vật nuôi. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc bổ sung khoảng 0,5% muối vào khẩu phần ăn là khá phổ biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có nhiều báo cáo chi tiết và cụ thể hơn xoay quanh vấn đề này.

Bổ sung đủ muối cho vật nuôi khỏe mạnh. Ảnh: Feedlot

Nhu cầu

Muối natri clorua (NaCl) bao gồm 2 nguyên tố natri (Na+) và clo (Cl). Bởi vậy muối được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu của vật nuôi về Na và Cl. Hai nguyên tố này được hấp thu từ thức ăn, nước uống qua ruột vào cơ thể. Ở trong cơ thể, Na nằm chủ yếu trong các dịch thể, một phần nằm trong mô cương và mô thần kinh. Na tham gia điều hòa áp suất thẩm thấu và trao đổi dịch thể. Ngoài ra, Na còn kết hợp với kali (K) trong sự truyền dẫn xung động thần kinh. Na có trong thân tế bào và ty thể, đồng thời ổn định sự hoạt động cho các men Cholinaxetylaza, Photphotransaxetilaza và hệ enzyme hoạt hóa axetat. Còn Cl cũng nằm chủ yếu trong dịch ngoại bào và cùng với Na tham gia điều hòa áp suất thẩm thấu của máu. Cl còn có vai trò lớn trong dịch vị dạ dày (là thành phần HCl), ổn định độ pH cho men pepsin hoạt động. Rất ngắn gọn, Na và Cl là các chất điện giải lớn góp phần vào việc duy trì sự chênh lệch điện hóa màng tế bào (được gọi là điện thế màng). Chúng cũng tham gia vào quá trình tiêu hóa (HCl trong dạ dày), hấp thụ (Na) và vận chuyển các chất dinh dưỡng từ ruột vào máu. Không dừng lại ở đó,  chúng còn đóng góp vào việc duy trì lượng máu và áp lực máu, và tham gia vào hệ thống renin-angiotensin-aldosterone. Rõ ràng từ danh sách các chức năng ấn tượng này mà natri và clo là rất cần thiết cho cơ thể và cho sự sống vật nuôi.

Theo NRC (Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ), nhu cầu về muối dao động khoảng 0,1 - 0,25% trong các loại thức ăn hoàn chỉnh cho heo và gia cầm. Giả sử muối tinh khiết chứa 39,5% Na và 60,5% Cl, khi bổ sung 0,5% muối vào khẩu phần tương đương với cung cấp khoảng 0,20% Na và 0,30% Cl. Điều này là bằng chứng làm sáng tỏ quy tắc bổ sung 0,5% muối là để đảm bảo cung cấp đủ Na mà chưa quan tâm đến Cl. Lượng Cl dư thừa sẽ được bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu.

Ảnh hưởng

Gia súc, gia cầm không được cung cấp đầy đủ muối sẽ là nguyên nhân gây ra các trường hợp giảm năng suất ở vật nuôi. Trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến phù não, co giật, hôn mê, tổn thương não và cuối cùng là tử vong. Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, việc thiếu hụt Na và Cl là do quá trình thiết lập công thức thức ăn hoặc trộn thức ăn. Và điều này vẫn thường xuyên xảy ra tại các nhà máy sản xuất thức ăn, tuy nhiên người nuôi lại ít nhận thấy được cho đến khi nó đã ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm. Đây cũng chính là nguyên nhân trong các trường hợp vật nuôi có năng suất thấp và giảm lợi nhuận của người nuôi.

Na và Cl có nhiều trong muối ăn. Hai nguyên tố này có vai trò giúp ổn định độ toan kiềm của máu, giữ áp suất thẩm thấu của máu và mô bào. Tham gia vào hệ đệm của máu, làm ổn định nhịp tim và hô hấp. Đặc biệt là các thành phần của HCl (Acid Clohydric) trong dạ dày giúp tiêu hoá Protein thức ăn. Nếu thiếu Na và Cl sẽ làm heo giảm tính thèm ăn, giảm tiêu hoá thức ăn dẫn đến làm giảm tăng trọng, mất áp suất thẩm thấu của máu. Thức ăn bị mặn muối, heo có thể đề kháng được khi được cung cấp nước đầy đủ, nhưng thiếu nước heo sẽ bị ngộ độc, thể hiện heo ốm yếu, lảo đảo, động kinh, tê liệt và có thể chết. Vậy trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh của heo sinh sản, heo choai và heo vỗ béo cần bổ sung 0,3 - 0,5% muối.

Nguyên liệu

Các nguyên liệu giàu Na và Cl là bột cá, sữa cùng các dẫn xuất và các sản phẩm từ máu. Trong thực tế, sự kết hợp của các nguyên liệu này trong khẩu phần đắt tiền thường làm vượt quá yêu cầu về Na và Cl. Điều này khiến cho gia súc, gia cầm non càng có nhu cấu sử dụng nước không bị nhiễm mặn. Bởi vậy, tại một số vùng khi nước mặn là nguồn nước duy nhất có sẵn, nên tránh hoàn toàn các nguyên liệu như vậy trong khẩu phần.

Bột huyết tương có thể chứa lên đến 5% Na và 2% Cl, trong khi đó bột cá chứa không nhiều hơn 1% trong mỗi chất. Tương tự, bột thịt có nồng độ muối ở khoảng giống như bột cá, điều này cần phải xem xét khi các nguyên liệu này được cho phép sử dụng trong khẩu phần của động vật. Mặt khác, một thành phần thường được sử dụng (ngay cả trong thức ăn khởi động của gia cầm thịt), bột whey chứa khoảng 1% Na và 1,5% Cl.

Lưu ý sử dụng

Trên thực tế, động vật có thể chịu được nồng độ muối khá cao trong khẩu phần ăn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng heo choai có thể chịu đựng lên đến 8% muối trong khẩu phần (tức là cao hơn 40 lần so với mức cần thiết). Tuy nhiên, để điều hòa được mức độ muối cao như vậy và để tiếp tục phát triển, chúng cần một lượng nước ngọt rất lớn. Nếu không đủ nước hoặc nước bị nhiễm mặn heo có thể không chịu đựng nổi 1% muối trong khẩu phần (lượng này mới chỉ gấp 2 lần nhu cầu của chúng). Gia cầm không linh hoạt trong khả năng chịu mặn, đặc biệt là gia cầm đẻ vì muối làm ảnh hưởng đến chất lượng trứng của chúng.

Động vật mới sinh hoặc mới nở được cung cấp chế độ ăn giàu Na và Cl có thể có nguy cơ ngộ độc nếu chúng không biết cách uống nước từ hệ thống cấp nước. Trong trường hợp này, người nuôi cần sử dụng cốc uống sẽ có lợi thế hơn thay vì núm uống. Nếu không có cốc uống, nên để núm uống nhỏ nước liên tục trong vài ngày đầu sẽ đảm bảo vật nuôi dễ dàng phát hiện ra nguồn nước.

Cho ăn đủ muối với vật nuôi giai đoạn sinh sản là rất quan trọng nhằm đáp ứng các nhu cầu của heo nái mang thai ăn chế độ ăn hạn chế và cải thiện tính ngon miệng của thức ăn cho heo nái nuôi con. Ngược lại, gia cầm đẻ nên được cho ăn đủ muối để đáp ứng các nhu cầu Cl, và sau đó, bổ sung Na từ nguồn không chứa Cl để đáp ứng nhu cầu về Na.

Ở nhiều vùng trên thế giới, nguồn cung cấp nước duy nhất cho chăn nuôi bị nhiễm mặn. Trong khi đó, nước ven biển có thể chứa tới 200 mg/L Na, hoặc thậm chí nhiều hơn trong một số trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp như vậy, cần phải tính đến yếu tố nước mặn khi xây dựng khẩu phần ăn. Điều này được thực hiện bằng cách giảm tỷ lệ tương ứng của muối trong thức ăn hoặc tránh các thành phần giàu muối (ví dụ, bột cá, sữa, sản phẩm máu…). Nếu không, vật nuôi sẽ phải giải độc muối dư thừa bằng cách sử dụng nước mặn, điều này sẽ khiến cho vật nuôi có khả năng bị ngộ độc muối cao hơn. Trong trường hợp ít nghiêm trọng, hiện tượng tiêu chảy nhẹ có thể xuất hiện và tiếp tục kéo dài khi vấn đề nước ngọt còn chưa được giải quyết do bị phá vỡ sự cân bằng anion-cation.

Muối là chất thúc đẩy tăng trưởng cho tất cả các loài động vật vì cải thiện tính ngon miệng. Đối với những khu vực bị thiếu nước ngọt, các vấn đề về muối trong khẩu phần ăn của động vật là điều cần được cân nhắc thận trọng. Bổ sung thích hợp lượng muối trong nước và thức ăn sẽ giúp nâng cao năng suất và giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy trên vật nuôi.


Related news

ky-thuat-trong-cay-vai-khong-hat-nang-suat-vuot-troi-thu-nhap-khung Kỹ thuật trồng cây vải… nguyen-tac-trong-rau-huu-co-cua-nong-dan-ven-song-hoai Nguyên tắc trồng rau hữu…