Mô hình kinh tế Khi “Bần” Không Có Nghĩa Là Nghèo

Khi “Bần” Không Có Nghĩa Là Nghèo

Publish date Saturday. August 17th, 2013

Sáng ý và chăm chỉ, một phụ nữ chân yếu tay mềm ở tỉnh Trà Vinh đã đi tiên phong trong việc hồi sinh lại những hàng bần xanh mướt, góp phần tạo nên một món ăn ngon, hấp dẫn thực khách trong Nam ngoài Bắc.

Khám phá tình cờ

Người phụ nữ đó chính là bà Võ Thị Cúc, mọi người thường gọi là dì Tư Cúc (ở cù lao Long Trị, ấp Long Trị, xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Xuất phát từ ý tưởng lấy những trái bần vừa chua, vừa chát- một loại trái mà cho cũng chẳng ai thèm lấy, dì Tư Cúc đã khéo léo chế biến thành món ăn nổi tiếng khắp vùng. Và cũng từ đó, nhiều hàng bần ở các tỉnh miền Tây đang dần được hồi phục, góp phần chống xói lở do tác động của biến đổi khí hậu, triều cường dâng, giúp cuộc sống của nhiều lao động nghèo được cải thiện đáng kể.

Trò chuyện với chúng tôi, dì Tư Cúc cho biết: Việc dùng trái bần để chế biến ra sản phẩm và tạo được thương hiệu cho đến tận ngày hôm nay là một việc làm hết sức tình cờ. Khoảng 8-9 năm về trước, có một đoàn khách du lịch ghé vào quán ăn của bà dùng bữa. Một trong những vị khách thấy nơi đây nhiều bần quá nên yêu cầu tôi nấu lẩu bằng trái bần thay vì nấu bằng me như thường lệ. Chiều khách, tôi “làm liều” nấu lẩu cá bông lau bằng trái bần, không ngờ sau khi thưởng thức mọi người ai nấy cũng đều hít hà, tấm tắc khen ngon.

Kể từ đó, các món lẩu trong quán của dì Tư Cúc được chuyển hẳn sang nấu bằng trái bần. Nhu cầu của thực khách ngày càng nhiều, ngặt nỗi cây bần lại cho trái theo mùa, trái bần chín không thể bảo quản lâu được. Nhiều đêm dì Tư Cúc trằn trọc, nghĩ làm cách nào để bảo quản được trái bần? Cuối cùng dì cũng tìm được giải pháp là xay nhuyễn trái bần ra thành bột để dự trữ và bảo quản.

Vị ngọt của kiên trì và trí tuệ

Nói thì dễ, nhưng làm thì “khó ăn” hơn nhiều. “Lúc đầu bắt tay vào làm thử, tôi để nguyên trái nấu cho mềm rồi chà cho nhuyễn nhưng màu lại đen nên bị hỏng. Tôi đổi cách làm là để nguyên trái bóp sống rồi chà lấy hột. Do vỏ trái bần có màng cát nên lần này bột bị cát lại hư nữa” - dì Tư Cúc nói.

Sau nhiều lần thất bại, bà rút ra được kinh nghiệm và thay đổi phương thức chế biến cuối cùng cũng làm ra được thành phẩm là bột bần. Nhiều thực khách đến quán thưởng thức món lẩu nấu từ bột trái bần cảm thấy lạ lẫm, ngon miệng nên thường xuyên hỏi mua đem về biếu người thân làm quà.

Thấy nhu cầu của khách ngày càng nhiều, nếu làm theo kiểu thủ công thì rất mất thời gian, trái lại cung sẽ không đủ cầu. Thế là bà tự mày mò, tìm hiểu thiết kế máy móc nào là máy đánh, máy tách hạt, máy khuấy, máy xay đường… rồi thuê thợ về làm theo ý mình. Để tạo ra sản phẩm bột bần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, phải rửa sạch trái bần, sau đó gọt vỏ đưa vô máy đánh trái cho nhừ ra. Công đoạn tiếp theo là “cân nước”, cứ 1kg bần cộng với 300g nước, sau đó đưa qua máy chà bột và tách hạt rồi đưa vào chảo, thêm gia vị khuấy đều trong vòng 3 tiếng đồng hồ, để nguội rồi vô keo.

Bà Tư Cúc còn nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh tập huấn kỹ thuật, tư vấn về quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì, chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền… Sau đó, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ tổ chức hội thảo, trình diễn kỹ thuật sản xuất và tiếp cận thị trường.

Tháng 8.2009, sản phẩm mứt bần và bột lẩu bần của bà Tư Cúc đã được công nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất mỗi ngày cơ sở sản xuất của bà thu mua từ 200 - 400kg trái bần chín từ khắp nơi đem đến bán. Hiện nay, ngoài hai sản phẩm chủ lực là mứt bần, bột bần, bà Tư Cúc còn đưa ra thị trường các sản phẩm nước chấm, dưa chua, kẹo… làm từ trái bần và đang “thử nghiệm” làm rượu ủ lên men làm từ trái bần.

Nhờ trái bần mà bà Tư Cúc nổi tiếng khắp xứ Trà Vinh, cũng nhờ trái bần bà nhận được hàng loạt bằng khen từ cấp tỉnh đến trung ương.


Related news

ly-nong-nhung-khong-bo-hoi Ly Nông Nhưng Không Bỏ… lao-dao-vi-nuoi-ngao Lao Đao Vì... Nuôi Ngao