Mô hình kinh tế Khi con tôm càng xanh “gặp khó”

Khi con tôm càng xanh “gặp khó”

Publish date Saturday. April 18th, 2015

Là loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao, tôm càng xanh từ lâu đã mang đến “hy vọng” cho nông dân. Nhiều gia đình khấm khá hẳn lên nhờ phong trào nuôi tôm càng xanh mùa lũ. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của hơn mười năm trước. Là người gắn bó với vuông tôm ngót chục năm, ông Lê Công Danh (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), kể: “Ngày trước, chỉ riêng địa bàn xã này cũng đã có vài chục hộ nuôi tôm càng xanh theo kiểu đăng quầng.

Thời điểm đó, chúng tôi nuôi tôm chủ yếu dựa vào mùa lũ nên mỗi năm chỉ khai thác một vụ. Giá tôm lúc đó rất cao nên sau mỗi vụ tôm, nông dân lãi vài chục triệu đồng là chuyện thường”.

Điểm đặc biệt khiến tôm càng xanh nuôi theo hình thức đăng quầng được thị trường ưa chuộng là chất lượng thịt thơm ngon. Do tôm được ở trong môi trường nước lũ nên chất lượng thịt tương đồng với tôm tự nhiên. “Lúc đó, rất nhiều anh em cùng tham gia nuôi tôm nên sản lượng tôm thu hoạch khá lớn. Chúng tôi cùng liên kết lại bán ra thị trường TP. Hồ Chí Minh, nghe nói còn mang đi xuất khẩu. Nhưng từ khi thực hiện sản xuất vụ 3, mô hình này cũng “tuyệt chủng” theo con nước lũ” - ông Danh nhớ lại.

Không dựa vào lũ, nông dân lại dựa vào kỹ thuật. Nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm trong vuông bằng việc áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt từ công đoạn chuẩn bị ao nuôi, con giống, thức ăn cho đến cách thay đổi nguồn nước trong vuông. Đặc biệt, những năm gần đây, kỹ thuật lai tạo tôm càng xanh toàn đực đã đạt được hiệu quả nhất định, góp phần làm tăng năng suất sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sự phấn khởi chỉ dừng lại ở đây, trong khi khâu sau cùng và quan trọng nhất của mô hình này là đầu ra thì nông dân hoàn toàn “chịu thua”.

“Hiện tại, tôi nuôi 2 héc-ta tôm càng xanh với số vốn bỏ ra cho con giống gần trăm triệu đồng. Đó là chưa kể đến thức ăn, nhân công, chi phí xử lý vuông nuôi... tính ra cũng ngót nghét hai trăm triệu đồng mỗi vụ. Vì chi phí cao nên hiện nay không còn nhiều hộ gắn bó với con tôm càng xanh, trong xã chỉ có 4 - 5 gia đình còn giữ vuông tôm” - ông Danh thật tình.

Hơn ai hết, ông Danh hiểu nguyên do khiến nông dân hết “mặn” với con tôm càng xanh, bản thân ông cũng gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi tôm đến vụ thu hoạch. Không có đầu ra ổn định, nông dân phải “tự bơi”. Ông Danh và những nông dân khác chỉ biết tìm đến những thương lái tiêu thụ nhỏ lẻ. Theo lời ông, mỗi tháng ông chỉ bán tôm được 2 đợt, chủ yếu là “ăn theo” thời điểm người dân tổ chức tiệc cưới.

“Những ngày người ta tổ chức cưới gả nhiều thì tôm mới có giá. Mỗi đợt, thương lái tới cân vài trăm ký, cũng có khi vài chục ký nhưng mình cũng phải bán. Giá tôm thời điểm đó khoảng 230.000 - 240.000 đồng/kg nhưng họ chỉ lựa tôm có trọng lượng đạt yêu cầu (khoảng 20 con/kg). Những con còn nhỏ buộc phải nuôi tiếp. Vốn đầu tư bỏ ra nhiều nhưng lúc thu lại chỉ “lượm bạc cắc” thì ai mà không nản” - ông Nguyễn Văn Tạo, hộ nuôi tôm cùng xã, bộc bạch.

Yêu cầu bức thiết hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho tôm càng xanh. Dù nông dân có áp dụng kỹ thuật tốt và nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng nhưng đầu ra không ổn định thì mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. “Chúng tôi chỉ mong các ngành, các đơn vị chuyên môn tìm được đầu ra ổn định, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, tiếp tục gắn bó với con tôm càng xanh” - ông Tạo mong mỏi.


Related news

nuoi-ca-vau-tren-dam-pha Nuôi cá vẩu trên đầm… agf-tiep-nhan-vung-nuoi-thuy-san-moi AGF tiếp nhận vùng nuôi…