Mô hình kinh tế Khi Người Trồng Lúa Mê Thanh Long

Khi Người Trồng Lúa Mê Thanh Long

Publish date Monday. July 22nd, 2013

Đường về Tầm Vu (Long An) bây giờ không còn ruộng lúa mênh mông mà thay vào đó là những vườn thanh long với những hàng trụ thẳng tắp vươn lên mạnh mẽ.

Hoạt động mua bán thanh long tấp nập với hàng loạt điểm thu mua, đóng gói xuất khẩu. Tại đây, một nhà máy xử lý trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, New Zealand, Úc... chuẩn bị hoạt động. Xứ Tầm Vu đang chuyển mình theo hướng canh tác mới...

Bỏ lúa trồng thanh long

Ông Nguyễn Văn Tám (ấp Hội Xuân, TT. Tầm Vu, H. Châu Thành, Long An) cùng mấy người con đang hì hục lên mô trồng thanh long khi ruộng lúa vẫn còn chưa thu hoạch. Nhìn sang vườn thanh long bên cạnh, ông Tám than thở với chúng tôi: “Phải chi tui chuyển sang trồng thanh long sớm như chủ ruộng bên cạnh chắc đã thoát nghèo rồi. Bám mãi mấy công ruộng lúa không đủ ăn mà còn thiếu nợ”.

Ông Tám nhẩm tính, một công thanh long nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch 3 - 4 tấn trái/năm, với mức giá trung bình 8.000 - 20.000 đồng/kg tùy vụ, người trồng còn lời khoảng 15 - 30 triệu đồng/năm. Nhiều vườn trúng mùa nghịch, bán giá cao thì cầm chắc lời 30 - 40 triệu đồng/công (300 - 400 triệu đồng/ha), tính ra lời gấp chục lần so với lúa.

Chính hiệu quả cao mà thanh long lấn dần cây lúa. Hiện diện tích trồng cây thanh long tỉnh Long An lên đến 2.183 ha (500 ha cây thanh long ruột đỏ), tập trung chủ yếu Tầm Vu, Long Trì thuộc huyện Châu Thành và bắt đầu lan sang TP. Tân An, Tân Trụ… Đầu tư chuyển đổi từ lúa sang thanh long khoảng 20 - 30 triệu đồng/công, và khoảng 20 triệu đồng/công chi phí kỹ thuật cho chong đèn. Thanh long sau khi trồng khoảng 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Thanh long Long An bắt đầu được thị trường biết đến, việc xuất khẩu cũng thuận lợi hơn. Ông Trương Quang An, chủ nhiệm HTX thanh long Tầm Vu cho biết, hiện HTX có 70 xã viên với diện tích 60 ha. Mỗi năm HTX xuất khẩu 5.000 - 6.000 tấn sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc. HTX đã đầu tư xây hệ thống kho lạnh đảm bảo cho việc xuất khẩu. Hiện HTX đang được TS. Võ Mai hướng dẫn tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Nguyễn Khắc Huy, giám đốc Công ty TNHH Hoàng Huy cho biết, công ty đã đầu tư nhà máy xử lý nhiệt thanh long công nghệ Nhật để xuất trực tiếp sang nước ngoài. Tất cả đã hoàn chỉnh, dự kiến trong tháng 8/2013 nhà máy vận hành. Hiện công ty xuất 8.000 - 10.000 tấn thanh long/năm sang thị trường châu Á.

Nhạy bén nắm bắt kỹ thuật

Dù mới chuyển đổi sang cây trồng mới nhưng nhiều nông dân nơi đây nắm bắt kỹ thuật rất nhanh, xây dựng vùng trồng chuyên nghiệp. Đặc biệt, nông dân liên kết, học tập sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trao đổi với chúng tôi, giám đốc Trung tâm khuyến nông Long An, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, nhiều nông dân đầu tư trồng thanh long theo đúng kỹ thuật, từ việc làm trụ trồng mới, sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng sản xuất an toàn. Nông dân Long An ứng dụng kỹ thuật ra hoa trái vụ đạt hiệu quả cao bằng việc sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện.

Đáng lưu ý là nông dân trồng thanh long ở đây không giữ “bí mật” mà chuyền tay nhau những kỹ thuật mới cùng ứng dụng, nhất là việc đón thời điểm xử lý ra hoa, đây được xem là “bí quyết” mà nhiều nơi khác làm dịch vụ thu tiền. Những xã viên của HTX thanh long Tầm Vu nắm vững kỹ thuật này, do đó thời điểm nào xử lý để ra hoa tốt nhất được ứng dụng thành công.

Ngoài sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP do TS. Võ Mai, phó chủ tich Hội làm vườn Việt Nam hướng dẫn, nông dân tổ hợp tác sản xuất thanh long còn được tư vấn nghiên cứu chế biến sản phẩm từ trái thanh long. Hiện trái thanh long được anh Trần Quốc Trọng, xã Long Trì phối hợp với các nhà khoa học sản xuất thành công rượu vang thanh long đầu tiên. Ngoài ra, hoa thanh long còn được thử nghiệm chế biến dạng chua ngọt và trà.

Đề phòng rủi ro

Ngoài thuận lợi, nông dân trồng thanh long ở Long An đối mặt với những khó khăn như thị trường tiêu thụ chưa ổn định do vùng trồng mới nên thu mua chủ yếu qua thương lái. Vùng trồng chưa được chứng nhận VietGAP đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mặt khác, thương hiệu thanh long Long An chưa được xây dựng và quảng bá.

Điều băn khoăn khác là do cải tạo từ đất ruộng lúa vốn thấp trũng sang trồng thanh long nên gặp khó khăn vào mùa mưa, rễ cây dễ bị ngập úng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phẩm chất trái. Khác với vùng đất cát Bình Thuận, Long An đất thấp, mương liếp trồng luôn đọng nước, nông dân tỉa cành/trái vứt xuống ao dễ bốc mùi hôi làm ô nhiễm nước và phát tán mầm bệnh.

Hiện thanh long ở Long An đang đối mặt với bệnh đốm nâu gây hại lớn trên vườn cây và chất lượng trái đến nay chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Anh Nguyễn Văn Vĩnh, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Long Trì cho biết, xã có 300 ha thanh long nhưng có đến 200 ha nhiễm bệnh, trong đó 15 ha phải phá bỏ.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng vào cuộc, nông dân tìm mọi cách xử lý mầm bệnh bằng nhiều loại thuốc, hay sáng tạo ra cách phòng trừ như sử dụng vôi ngâm, nước tẩy rửa phun lên cành ngăn mầm bệnh. Mặt khác, do chuyển đổi quá nhanh nên nguồn điện cung cấp cho nhà vườn chưa thể đáp ứng đầy đủ nên ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa nghịch vụ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở công thương Long An, cây thanh long phát triển nhanh tại Long An, do vậy cần thành lập Hiệp hội thanh long tỉnh Long An để hỗ trợ cho nông dân trong quá trình canh tác cũng như tiêu thụ. Sắp tới sẽ triển khai các dự án hỗ trợ người sản xuất thanh long, dự kiến xây dựng 300 - 500 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP cho xuất khẩu.


Related news

nguon-cung-tang-khien-mit-thai-giam-gia-manh Nguồn Cung Tăng Khiến Mít… gia-mang-cau-gai-tang-cao Giá Mãng Cầu Gai Tăng…