Khi Nông Dân Làm Cà Phê 4C
Xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), vùng đất kinh tế mới hôm nay gần như độc canh cây cà phê với trên 95% diện tích đất nông nghiệp. Làm sao để cây cà phê nơi đây phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và người thu mua cũng như giữ ổn định môi trường sinh thái đang là câu hỏi được đặt ra.
Bởi vậy, khi tham gia vào dự án Sản xuất cà phê chè bền vững được cấp giấy chứng nhận ở Tây Nguyên do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện, tất cả các hộ dân đều đồng lòng thực hiện thay đổi cách làm xưa nay của họ trong canh tác cà phê, giống cây trồng đã gắn bó với vùng đất nơi đây hàng chục năm.
Anh Trần Thanh Sơn, thôn 3, xã Mê Linh là người đã có kinh nghiệm trồng cà phê từ gần 20 năm nay cho hay, trong tổng số 30 nông hộ thuộc xã Mê Linh tham gia dự án có 15 nông hộ thuộc địa bàn thôn 3 và anh được bà con chọn là “trưởng nhóm”.
Anh cho biết: “Thực sự thì bà con quen làm cà phê theo tập quán xưa nay, nhất là chuyện bơm thuốc khi cây có bệnh. Giờ làm cà phê theo tiêu chuẩn mới, bà con phải tuân thủ đúng kỹ thuật, sử dụng thuốc đúng cách, sử dụng phân hữu cơ, ghi chép sổ nông hộ..., phức tạp hơn nhiều. Nhưng kể ra cũng đáng công, trồng cà phê 4C cây khác hẳn với cà phê kiểu cũ”. Thăm vườn cà phê của bà Lỗ Thị Thêu, thôn 3, Mê Linh giữa cơn gió khô nóng cao nguyên vẫn xanh ngắt một màu, khác biệt khá nhiều so với những vườn cà phê bên cạnh.
Đó là hiệu quả của những tấn phân bón hữu cơ vi sinh, của việc phun thuốc hợp lý cũng như chăm sóc theo kỹ thuật mới. Anh Sơn khẳng định: “Bà con trồng cà phê lâu, đất bạc màu, chai và chua nhiều rồi, bón phân hóa học cây không hấp thu được lại thêm tác hại cho đất.
Nay theo cách làm mới thì bón nhiều phân hữu cơ làm đất tơi xốp, cây hấp thu được các dưỡng chất trong đất đồng thời cải tạo độ phì trong đất lâu dài”. Anh Sơn tính toán, năng suất chung của trồng cà phê “kiểu mới’ tăng 20-25%, như vườn nhà anh đạt năng suất tới gần 3 tấn trái tươi/1 sào trong khi nhiều vườn cà phê bình thường chỉ đạt 1-1,2 tấn tươi/sào.
Điểm còn băn khoăn của bà con khi trồng cà phê theo phương pháp canh tác chuẩn 4C và UTZ Certified là chi phí chăm sóc tăng khoảng 25-30% so với đầu tư kiểu truyền thống do giá thành phân hữu cơ cao. Tuy nhiên, vấn đề này được giải tỏa với việc năng suất tăng khá và giá cà phê của bà con được thu mua cao hơn trung bình giá thị trường.
Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện và theo dõi mô hình cho hay, mục đích khi thực hiện mô hình này là mong muốn bà con xây dựng được thói quen canh tác tốt, sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao, nhất là với giống cà phê chè (Catimor) vốn là “đặc sản”, có giá trị cao hơn cà phê vối bình thường. Và đó sẽ là nền tảng ban đầu để hình thành vùng nguyên liệu cà phê có năng suất, chất lượng tốt, hướng tới một vùng sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C và UTZ Certified.
Đồng thời, để gắn kết “4 nhà”, trong đó có nhà doanh nghiệp, Trung tâm đã kết hợp với Công ty TNHH Hải Phương Nam thuộc Tập đoàn COEX Coffee International (Hoa Kỳ) để hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn và được bao tiêu sản phẩm của các hộ dân trong dự án.
Trên thực tế, diện tích cà phê tham gia dự án đã được thu hoạch hết và được thu mua với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg trái tươi. Được cán bộ kỹ thuật chuyển giao phương pháp canh tác mới rất kỹ càng, hiệu quả trên vườn nhà thấy rõ nên bà con đã tham gia dự án tiếp tục thực hiện “cà phê 4C” trên diện tích cà phê của gia đình.
Thay đổi tập quán canh tác cũ, hướng tới một vùng nguyên liệu cà phê phát triển bền vững cho cư dân và môi trường sống là hướng đi của nông dân Mê Linh, Lâm Hà đang phấn đấu canh tác theo chuẩn “cà phê 4C”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao