Mô hình kinh tế Khó Khăn Gì Khi Làm GAP ? GAP - Vô Số Cái Lợi

Khó Khăn Gì Khi Làm GAP ? GAP - Vô Số Cái Lợi

Publish date Monday. March 26th, 2012

Mô hình GAP ban đầu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ, các nhà khoa học hướng dẫn nên lần lượt sản phẩm được chứng nhận VietGAP, cao hơn là GlobalGAP. Có GAP, tưởng đầu ra sản phẩm dễ dàng, được giá nhưng thực tế một số sản phẩm chưa tiêu thụ được như mong muốn.

>> Việt Nam làm GAP ngược quy trình

Do vậy, nhiều nông dân đã, đang và sẽ làm GAP cảm thấy phân vân. PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam đã trao đổi với NNVN về vấn đề này.

Thưa ông, Viện Cây ăn quả miền Nam đã giúp nhiều mô hình đạt chứng nhận GAP. Nhưng có một số hộ đạt chứng nhận GAP không muốn tiếp tục làm nữa. Vậy, nguyên nhân của vấn đề này, do đâu ?

Năm rồi và năm nay, Viện chúng tôi đã hỗ trợ tư vấn cho nhà vườn 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang nhận nhiều giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP. Viện nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của 2 tỉnh về việc này. Ở tất cả các nơi chính quyền và nhóm nông dân rất vui mừng khi được giấy chứng nhận. Họ đều hứa sẽ cố gắng duy trì sau khi chúng tôi rút về, vì đã hết thời gian thực hiện đề tài. Đây là một khuyết điểm của cách giao đề tài GAP hiện nay. Lẽ ra, đề tài không nên chấm dứt ngay khi vừa được chứng nhận, mà nên có ghi danh mục cho việc tái chứng nhận thêm ít nhất 2 lần nữa để hỗ trợ nhà vườn trong việc tái chứng nhận.

Từ đó, có thể có 2 nguyên nhân để nhà vườn xin rút ra sau khi được chứng nhận một năm: Một là, nhóm nông dân vừa được chứng nhận không có kinh phí để tái chứng nhận. Hai là, do giá bán rau quả đã được chứng nhận chưa cao hơn giá bán của những sản phẩm không được chứng nhận.

Theo tôi, 2 nguyên nhân này có thể khắc phục được, nếu có sự quan tâm hơn “một chút thôi” của chính quyền và DN địa phương nơi có mô hình cần được tái chứng nhận. Tôi nói quan tâm hơn một chút thôi, vì chi phí hỗ trợ để mô hình GAP được tái chứng nhận không lớn, chỉ khoảng 40 triệu đồng, nếu là tiêu chuẩn VietGAP. Còn giá bán sản phẩm GAP chưa cao hơn. Nếu DN thu mua quan tâm đến việc ưu tiên chọn những nơi đạt tiêu chuẩn GAP thì nhà vườn đã phấn khởi, nhưng điều này cũng nên thông cảm cho DN, vì mô hình hiện nay chỉ vài chục ha nên họ không thể kí hợp đồng thu mua được, do sản phẩm ít quá.

 Vậy, ngoài điều bất lợi như ông đã nói, việc thực hiện GAP hẳn có nhiều mặt lợi ?

Ngoài 2 nguyên nhân bất lợi nhưng có thể khắc phục được như đã nói trên, tôi không thấy điều gì bất lợi khi làm GAP. Vì làm GAP thì trước nhất có lợi cho người nông dân, họ sẽ được an toàn nhờ biết loại thuốc BVTV nào là được phép sử dụng và như vậy sẽ an toàn hơn, trước nhất cho họ. Làm GAP còn có lợi cho môi trường họ sống nữa, không còn việc vứt bỏ vỏ chai thuốc bừa bãi sau khi sử dụng hết như trước đây. Còn đối với người tiêu dùng, họ sẽ mạnh dạn ăn rau quả Việt Nam mà không phải lo lắng có an toàn hay không? Đối với việc xuất khẩu, nếu không được chứng nhận đã đạt tiêu chuẩn GAP thì không được Cục BVTV và đại diện nước nhập khẩu cấp cho CODE để vào nước họ (như là visa). Tóm lại, làm GAP trước nhất có lợi cho người làm, cho môi trường họ sống, cho người tiêu dùng trong nước yên tâm sử dụng và cho xuất khẩu nữa. Ngược lại, nếu không có chứng nhận GAP thì liệu có được cấp CODE đi Mỹ không, liệu người tiêu dùng có yên tâm ăn rau quả Việt Nam không hay phải chọn trái cây Mỹ, Úc vì chắc chắn chúng an toàn hơn.

Vậy, có những điều kiện nào thì nông dân nên đăng kí GAP ?

Theo tôi, chính quyền từng tỉnh nên dành kinh phí để hỗ trợ việc tái chứng nhận. Tất nhiên không thể hỗ trợ hoài được, nhưng cũng nên hỗ trợ họ, khoảng 3 lần chứng nhận GAP/mô hình là tốt. Ngoài việc hỗ trợ chi phí tái chứng nhận không thôi chưa đủ, chính quyền cũng nên dành chi phí để hỗ trợ mở rộng mô hình, như là mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Tại sao có cánh đồng mẫu lớn mà không có mô hình “vườn mẫu lớn an toàn”? Khi có điều kiện này, ta sẽ không lo đầu ra, vì sản phẩm an toàn; ta chỉ sợ sản phẩm không an toàn, mới phải lo đầu ra. Muốn được vậy, sự hỗ trợ của chính quyền ở từng tỉnh là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của nhà vườn ĐBSCL.

Để hỗ trợ nông dân đăng kí GAP, ông có đề nghị gì với doanh nghiệp, Nhà nước ?

Ngày 9/01/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Theo đó hỗ trợ 100 vốn điều tra; 50% vốn xây dựng cơ sở vật chất gồm nhà kho, nhà vệ sinh; hỗ trợ tập huấn cán bộ, hỗ trợ một lần cho việc chứng nhận GAP.Như tôi đã nói trên, làm GAP là điều không nên bàn nữa, vì những lợi lộc mà GAP mang lại cho nhiều người là quá rõ. Ở xứ khác như Úc, Nhật, có ai lo việc an toàn thực phẩm nữa đâu, vì sản phẩm đến bàn ăn đương nhiên là an toàn; còn xứ mình, người tiêu dùng rất ngại ăn rau sống. Nói lên điều này, ý tôi muốn nói sản phẩm ở xứ mình chưa chắc an toàn. Cho nên, cần hỗ trợ để chỉ có sản phẩm an toàn được đem lên bàn ăn thôi.

Hiện nay, ở các nước tiên tiến, họ lo việc cao hơn an toàn rồi; đó là mẫu mã trái phải đậm màu, đẹp và khi ăn phải ngọt, phải chắc thịt. Còn ở xứ mình, phải lo chưa chắc chắn an toàn thì làm sao cạnh tranh được với ai? Cho nên, tôi nghĩ, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí để giúp nông dân, theo kiểu “nhà nước và dân cùng làm”. Đây cũng là cách mà Bình Thuận đã làm bấy lâu nay. Hiện nay, diện tích thanh long của tỉnh này được chứng nhận đã lên đến 5.000 ha, mà tỉnh vẫn quan tâm mở rộng diện tích lớn hơn, để thanh long của họ tiếp tục được xuất khẩu. Tôi thấy đó là một bài học về xây dựng vùng chuyên canh trái cây lớn và là một cách làm hay để các tỉnh khác tham khảo.

Xin cám ơn ông !


Related news

long-an-thuoc-diet-co-diet-luon-khoai-mo Long An: Thuốc Diệt Cỏ… gia-gao-noi-tieu-va-xk-cua-thai-lan-tang-1-3 Giá Gạo Nội Tiêu Và…