Khó phát triển đàn heo đen
Đến thôn Giang Biên (xã Sơn Thái), chúng tôi bắt gặp rất nhiều đàn heo đen chạy rông khắp xóm.
Hỏi ra mới biết, đây là những đàn heo được người dân thả nuôi để bán trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Hà Bia nói: “Trước đây, người dân địa phương chủ yếu nuôi heo đen để mổ thịt trong dịp lễ, Tết.
Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ heo đen ở Diên Khánh, Nha Trang...
tăng cao nên người dân địa phương đã nuôi thêm để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết.
Như gia đình tôi, năm trước nuôi 10 con nhưng không đủ để bán.
Năm nay, tôi nuôi 15 con, hiện nay số heo này đã được người ta đặt mua hết”.
Không nhiều hộ chăn nuôi cho heo ăn uống đầy đủ
Ông Hà Ría (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) cho biết: “Heo đen là vật nuôi truyền thống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh.
Những năm gần đây, giá heo đen dịp Tết thường tăng cao nên ngay từ giữa năm, nhiều gia đình mua heo giống về nuôi.
Gia đình tôi cũng nuôi 12 con heo đen để bán vào dịp Tết này”.
Tết năm trước, gia đình ông Hà Ría nuôi 6 con heo đen và được tiêu thụ toàn bộ, với giá 80.000 đồng/kg hơi (cao hơn heo trắng khoảng 30.000 đồng/kg hơi) cho gia đình ông thu nhập hơn 12 triệu đồng.
Ông hy vọng, năm nay giá heo đen tiếp tục duy trì ở mức cao để gia đình có được một cái Tết đầy đủ.
Gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Lài (huyện Diên Khánh) đến xã Cầu Bà tìm mua heo đen giống về nuôi bán Tết, chị cho biết: “Thịt heo đen săn chắc, thơm ngon.
Có được điều này một phần vì giống heo đặc trưng, phần khác do tập quán chăn nuôi thả rông, heo chủ yếu tự kiếm thức ăn với rau củ trong vườn, rẫy, vận động nhiều nên thịt săn chắc hơn so với nuôi nhốt và ăn thức ăn công nghiệp.
Bởi vậy, một số thời điểm trong năm, nhất là vào dịp lễ, Tết, thị trường heo đen tiêu thụ mạnh”.
Những hệ lụy cần quan tâm
Hiện nay, xã Cầu Bà là một trong những địa phương có đàn heo đen nhiều nhất huyện Khánh Vĩnh với tổng đàn hơn 1.000 con, được nuôi theo hình thức thả rông nên gây ra hệ lụy về môi trường trong khu dân cư.
Ông Lê Kim Xuân - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết: “Hiện nay, heo đen có giá cao hơn heo trắng rất nhiều, nhưng địa phương không dám khuyến khích người dân thả nuôi.
Bởi việc nuôi heo thả rông đang gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Đây là vấn đề nan giải của địa phương.
Chính vì nguyên nhân này mà các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh rất khó đạt tiêu chí về môi trường trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới”.
Theo phân tích của ông Xuân, nếu khuyến khích người dân làm chuồng trại để nuôi heo đen trong khu dân cư cũng không được, bởi đặc điểm phân bố dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuồng heo đặt sau nhà này thì lại nằm ngay trước mặt nhà khác.
“Muốn phát triển chăn nuôi heo đen thì nhất thiết phải quy hoạch một vùng chăn nuôi tập trung để tránh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư”, ông Xuân nói.
Một vấn đề đặt ra đối với việc chăn nuôi heo đen trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh là hiệu quả và đầu ra.
Qua tìm hiểu thực tế từ các hộ dân, thời gian chăn nuôi heo đen thường kéo dài 7 - 8 tháng, đến khi xuất bán trọng lượng chỉ đạt được khoảng 25 đến 30kg, với giá bán 80.000 đồng/kg hơi thì thu nhập của người dân chỉ được khoảng 2 - 2,4 triệu đồng/con.
Trong khi đó, đàn heo nuôi thả rông ít được chăm sóc nên dễ bị bệnh, tỷ lệ hao hụt lên đến 20%.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, khi heo bị bệnh rất dễ lây lan dẫn đến chết hàng loạt.
Hơn nữa, heo thả rông còn thải phân bừa bãi, dễ gây nên các mầm bệnh cho người, gia súc khác.
Trên thực tế, nhờ chi phí đầu tư thấp nên nhiều người nuôi heo đen chứ hiệu quả mang lại không cao; bên cạnh đó, đầu ra cũng không ổn định, chủ yếu được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết.
Muốn phát triển đàn heo đen cần giải quyết được đầu ra cho người nuôi.
Ông Lê Toàn Trực, chuyên viên phụ trách chăn nuôi - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Nếu nuôi heo đen theo hình thức nuôi nhốt tập trung thì chất lượng thịt không bằng nuôi thả rông nên giá thấp, trong khi đầu ra lại hạn chế nên không có trang trại nào nuôi.
Trong khi nuôi thả rông như hiện nay lại đang đối diện với nhiều nguy cơ cả về môi trường, dịch bệnh lẫn hiệu quả kinh tế nên huyện không khuyến khích phát triển mô hình nuôi này”.
Theo thống kê, hiện nay, đàn heo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 17.000 con, trong đó có hơn 8.000 con heo đen.
Trên địa bàn hiện có một số cơ sở chăn nuôi heo tập trung nhưng chỉ nuôi heo trắng.
Heo đen được nuôi với quy mô nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, riêng ở các xã cánh tây của huyện như: Sơn Thái, Khánh Thượng, Giang Ly, Liên Sang, Cầu Bà hầu như 100% hộ nuôi heo đen, nhưng tỷ lệ heo sống chỉ đạt khoảng 70 - 80%.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao