Mô hình kinh tế Khó Tiếp Tục Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Khó Tiếp Tục Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Publish date Saturday. September 14th, 2013

Hiện Chính phủ đang thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh thành và sẽ kết thúc vào tháng 6-2014. Tuy nhiên, với tình trạng trục lợi bảo hiểm xảy ra trong thời gian qua thì khả năng sau thời gian này bảo hiểm nông nghiệp khó có thể trở thành một kênh để hỗ trợ người dân.

Ngày 9-9 tại TPHCM, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản đã tổ chức hội thảo vì sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó, phía Nhật Bản có những cam kết hỗ trợ các công ty bảo hiểm xây dựng công thức tính phí bảo hiểm mới, làm sao để ngăn chặn gian lận bảo hiểm...

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện bảo hiểm nông nghiệp đang ở dạng thí điểm nhưng với những gì xảy ra trong thời gian qua thì nhiều khả năng sau khi hết thời hạn thí điểm khó có công ty bảo hiểm nào nhảy vào lĩnh vực này.

Lý do, theo ông Lộc vì tỷ lệ rủi ro cao và có nhiều kẻ hở để người dân khi mua bảm hiểm có thể tạo bằng chứng giả nhằm trục lợi.

Bằng chứng là trong thời gian qua việc thí điểm bệnh tật trên tôm nuôi tại một số tỉnh ĐBSCL đã có những tình huống khiến công ty bảo hiểm nghi ngờ là có gì đó không ổn định. Cụ thể, tại những xã có thí điểm bảo hiểm cho con tôm người dân xếp hàng từ sáng sớm đến tận đêm khuya để chờ đến lượt mua bảo hiểm. Theo ông Lộc, đây là một tình huống bất thường mà các công ty bảo hiểm phải đặt nghi vấn.

Bên cạnh đó, đa phần người dân sau khi mua bảo hiểm đều thông báo với công ty bảo hiểm tôm chết ở ngày thứ 50-55 (đây là khung thời gian có số tiền bảo hiểm cao nhất trong hợp đồng bảo hiểm). Sau đó, công ty bảo hiểm đi xác nhận hiện trường đã phát hiện nhiều ao nuôi tôm rong rêu mọc trong ao nhiều hơn thường lệ.

“Theo quy định, sau khi người dân có thông báo thì công ty bảo hiểm sẽ tiến hành xác nhận và trả tiền bồi thường chỉ sau vài tuần nhưng nếu có nghi ngờ người mua bảo hiểm trục lợi thì công ty bảo hiểm sẽ hoãn thời gian bồi thường để điều tra xem những nghi vấn này có đúng hay không”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, vì nghi ngờ nhiều hộ nuôi tôm có dấu hiệu trục lợi nên công ty bảo hiểm không thể bồi thường hợp đồng theo quy định, do đó đã có không ít trường hợp người dân mua bảo hiểm kéo đến công ty bảo hiểm đòi bồi thường.

Mặc dù, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói khó có thể tiếp tục bảo hiểm nông nghiệp sau khi kết thúc thời gian thí điểm nhưng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đã nhiều lần khẳng định đây là một chính sách đúng đắn, lâu dài trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đi vào hiện đại dù kèm theo nhiều rủi ro.

Ông Lộc cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 10% số hồ sơ bị các công ty bảo hiểm đưa vào diện nghi vấn là có khả năng trục lợi, trong đó, lĩnh vực bảo hiểm tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao. Hiện doanh thu của ngành bảo hiểm mỗi năm là 22.000 tỉ đồng, trong đó, bồi thường 11.000 tỉ đồng cho các hợp đồng.


Related news

sinh-san-nhan-tao-ca-tre-vang-thanh-cong Sinh Sản Nhân Tạo Cá… bao-ve-ho-dap-nuoi-tom-trong-mua-mua-lu Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi…