Tin thủy sản Khoa học kỹ thuật trong quản lý môi trường nuôi cá biển

Khoa học kỹ thuật trong quản lý môi trường nuôi cá biển

Author Nguyễn Đức Bình, publish date Tuesday. February 4th, 2020

Nuôi biển được xác định là một trong ba trụ cột chính trong định hướng phát triển của ngành thủy sản. Để sản xuất bền vững, cần phát triển theo hướng công nghiệp, công nghệ hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản lượng lớn và chất lượng an toàn. Trong đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong quản lý môi trường là khâu quan trọng hàng đầu.

Yếu tố môi trường cần quan tâm

Độ sâu: Lồng nuôi phải được đặt ở nơi có độ sâu thích hợp để tối đa hóa sự trao đổi nước và giữ khoảng các an toàn với đáy biển. Với lồng nổi, có thành lưới sâu 5 m, cần độ sâu khi thủy triều thấp nhất tối thiểu 8 m. Lồng có thể đánh chìm với độ cao sóng khoảng 10 m, thì cần độ sâu tối thiểu 25 m.

Sóng và gió: Tránh các khu vực bị sóng to, bão mạnh. Tốc độ gió vừa phải có thể phù hợp vì giúp xáo trộn luân chuyển và thay mới nước. Vận tốc gió phù hợp 10 hải lý/h, chiều cao sóng tối đa < 2 m.

Dòng chảy: Dòng chảy liên tục tạo thuận lợi hòa tan ôxy, loại bỏ chất thải trong lồng nuôi. Dòng chảy quá mạnh có thể làm biến dạng, giảm thể tích lồng và ảnh hưởng tới không gian sống của cá. Lưu tốc nước từ 0,2 - 0,6 m/s là điều kiện phù hợp. 

Vật chất đáy: Nền đáy ảnh hưởng đến khả năng lắng đọng hoặc tự làm sạch của thủy vực. Nền đáy cát, sỏi khả năng lắng đọng ít hơn so với nền đáy bùn và thường được lựa chọn để đặt trại nuôi.

Sức tải môi trường: Một sự cân nhắc quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm là sức tải môi trường, đó là mức sản xuất tối đa của một trại nuôi được kỳ vọng và có thể duy trì trong thời gian dài.

Nhiệt độ: Nhiệt độ nước tăng làm tăng tỷ lệ trao đổi chất, tăng tiêu thụ ôxy cũng như tăng quá trình sản sinh ra NH3 và CO2. Vùng nhiệt đới, nhiệt độ nước từ 25 - 320C được coi là phù hợp cho nuôi cá biển.

Độ mặn: Liên quan chủ yếu đến việc kiểm soát áp suất thẩm thấu, ảnh hưởng đến sự cân bằng ion của cơ thể sinh vật. Khoảng độ mặn từ 15 - 35 ppt phù hợp với đa số loài nuôi. Ôxy hòa tan: Ôxy thấp một số hoạt động như dinh dưỡng, chuyển hóa thức ăn, tăng trưởng, sức khỏe và sinh sản có thể bị ảnh hưởng bất lợi. Do đó, khi lựa chọn địa điểm cần có điều kiện ôxy đầy đủ rất quan trọng, ôxy phù hợp từ 4 - 9 mg/L.

Độ pH: Quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng xấu tới môi trường và cá nuôi, ảnh hưởng đến độc tính của một số chất như amoniac và kim loại nặng. Độ pH của biển nước thường dao động từ 7,5 - 8,5.

Độ trong: Có thể là kết quả từ các hạt keo đất sét, keo của chất hữu cơ hay chất hữu cơ hòa tan, hoặc sinh vật phù du. Độ trong Secchi > 3 m phù hợp cho vị trí đặt lồng nuôi. 

Ammonia(NH4+): Do sự phân hủy thức ăn dư thừa và các mảnh vụn hữu cơ ở đáy lồng, có thể ảnh hưởng đến cá nuôi. Nước thải và ô nhiễm công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra hàm lượng cao của Ammonia. (NH4+) phù hợp cho nuôi cá biển < 0,2 mg/L.

Photpho hòa tan (PO43-): Là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thực vật thủy sinh. Tuy nhiên, nồng độ quá cao có thể gây ra sự nở hoa của tảo (thủy triều đỏ). PO43- phù hợp cho nuôi cá biển < 0,1 mg/L.

Tảo nở hoa: Tảo biển có thể giải phóng chất độc vào trong nước gây stress hoặc chết cá. Ở nơi phong phú về thành phần loài tảo thì ở đó có tiềm ẩn những mối nguy hiểm, làm giảm sự thâm nhập ánh sáng vào nguồn nước, làm giảm quang hợp và gây thiếu ôxy hòa tan.             

Kim loại nặng: Tránh xây dựng trại nuôi gần các khu công nghiệp hoặc bất kỳ các nguồn xả thải nào nếu có. Sự độc hại của kim loại nặng có liên quan đến dạng ion hòa tan của kim loại chứ không phải là dạng tổng lượng kim loại nặng. Ví dụ: Hg, Pb, Cu...

Quản lý trại nuôi cá biển

Nhân viên quản lý trại nuôi phải có hiểu biết về đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi, cũng như am hiểu khí hậu và thời tiết vùng biển, phải có kinh nghiệm về sóng gió, điều kiện sinh hoạt ở biển. 

Trại nuôi nên có một cuốn sổ để ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động nuôi và làm cơ sở để tính toán đầu tư, lãi, lỗ. Các thông tin cần ghi chép như: chi phí vận hành (mua giống, thức ăn, nguyên vật liệu khác…), kết quả nuôi (lượng thức ăn sử dụng, tăng trưởng của cá, tình trạng cá, số cá chết…), ghi chép các thông số môi trường, tình trạng lồng bè còn tốt hay hỏng hóc để có kế hoạch thay lưới, tu sửa bè nuôi.

Định kỳ 1 - 2 tháng bắt ngẫu nhiên một số cá để kiểm tra tốc độ sinh trưởng, dự tính kích cỡ cá và sản lượng để có kế hoạch thu, đồng thời làm cơ sở để tính toán điều chỉnh tỷ lệ cho ăn và lên kế hoạch mua thức ăn.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và hệ thống neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão. Một số loài cá như cá chim vây vàng có xương nắp mang rất sắc nên lưới thường bị rách, do vậy hàng ngày phải lặn để kiểm tra lưới lồng, đặc biệt là thời điểm trước khi kéo lưới để tránh thất thoát.

Định kỳ 1 - 2 tháng phân cỡ để giảm sự cạnh tranh thức ăn giữa cá lớn và cá bé ảnh hưởng đến sinh trưởng và nâng cao tỷ lệ sống. Kết hợp phân cỡ với thay lưới lồng nhằm tăng khả năng lưu thông của nước giảm bệnh tật cho cá.

Lưới lồng thường bị hầu, vẹm, rong, giun… bám gây cản trở dòng chảy, có thể gây thiếu ôxy, mặt khác làm tăng trọng lượng của lưới lồng ảnh hưởng tới kết cấu lồng nuôi do vậy phải định kỳ vệ sinh loại bỏ sinh vật bám thông qua việc thay lưới. Khi thay tránh gây xây xát và gây sốc cho cá. Hiện tại việc vệ sinh lưới theo phương pháp phơi nắng kết hợp cơ học (xịt rửa bằng vòi cao áp hoặc đập bằng cây) vẫn là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất, ở những vùng có nhiều sinh vật bám và cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

Cá thường hay bị bệnh ký sinh trùng bám ngoài da, đặc biệt là rận cá, điều này dễ làm cá bị tổn thương ngoài da, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội như vi khuẩn, nấm gây bệnh lở loét. Để phòng bệnh cần định kỳ kết hợp với khi thay lưới tắm nước ngọt cho cá để loại bỏ ký sinh trùng. Trường hợp cá đã bị nhiễm bệnh cần phải nuôi cách ly để trị bệnh. Tháng 4 - 6 hàng năm thường hay xuất hiện sứa. Nếu sứa xuất hiện nhiều trong lồng nuôi, đặc biệt khi thủy triều đứng cần nhẹ nhàng hạ lưới lồng xuống sâu, tạo không gian phía dưới để tránh không cho cá tiếp xúc với sứa ở tầng mặt.

Các thông số môi trường nước cần giám sát dựa theo quy chuẩn Việt Nam: QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và thông số trầm tích theo QCVN 43: 2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích. Tần suất kiển tra: môi trường nước 1 lần/tháng, trầm tích 2 - 4 lần/năm. Phương pháp lấy, bảo quản và phân tích mẫu theo các tiêu chuẩn hiện hành. Ngoài ra cần áp dụng phương pháp MOM B của Na Uy theo tiêu chuẩn NS 9410 (E) để đánh giá tác động nuôi cá biển đến sức tải môi trường.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu quản lý môi trường trong nuôi cá biển là rất cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả cho sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái, góp phần vào phát triển NTTS bền vững.  

PGĐ Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc (RIA I)


Related news

ca-chinh-tren-con-cat Cá chình trên cồn cát san-xuat-thuc-an-cong-nghiep-cho-ca-chem-tai-trung-quoc Sản xuất thức ăn công…