Tin nông nghiệp Khoai lang, sự lựa chọn tốt cho vùng đất cát ven biển

Khoai lang, sự lựa chọn tốt cho vùng đất cát ven biển

Author Phan Việt Toàn, publish date Saturday. May 15th, 2021

Cùng với một số cây trồng như dưa hấu, đậu xanh, ném..., khoai lang là sự lựa chọn rất tốt cho các vùng đất cát khô hạn, bạc màu ven biển miền Trung.

Mô hình trồng khoai lang ở vùng đất cát ven biển Quảng Trị đã cho kết quả rất khả quan. Ảnh: PVT.

Đất cát bạc màu cho lợi nhuận hơn 65 triệu đồng/ha

Quảng Trị có hàng ngàn ha đất cát ven biển, đa phần đều là cát trắng hoang hóa, bạc màu. Ở những khu vực này, tưởng chừng như không thể trồng được cây gì có giá trị, nhưng với những quyết sách, lựa chọn hướng đi đúng hướng của các địa phương cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đã đánh thức tiềm năng vùng đất cát ven biển này.

Nhằm chuyển đổi cây trồng, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đất này, cuối năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng trị đã triển khai mô hình trồng khoai lang ruột vàng trên vùng đất cát ven biển. Qua đây, giúp người dân tiếp nhận kỹ thuật mới, nâng cao năng lực, trình độ thâm canh trong sản xuất và tìm ra những cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng cát ven biển. 

Mô hình được triển khai tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) trên diện tích 4 ha, mỗi điểm 2 ha, sử dụng giống khoai lang ruột vàng KL20-209. Đây là giống do Viện Khoa học nông nghiệp Bắc Trung Bộ lai tạo, đã sản xuất ở nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ cho kết quả rất tốt. Khoai lang KL20-209 có dạng hình cây bò lan, thân mập, gân lá, ngọn và lá non màu tím, có sức sống khỏe, khả năng sinh trưởng phát triển mạnh, nhanh bén rễ hồi xanh, chậm thoái hóa.

Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 70% giống và vật tư phân bón. Quá trình triển khai mô hình, Trung tâm đã chỉ đạo trạm khuyến nông các huyện phối kết hợp cùng các địa phương, hội nông dân các xã trong triển khai mô hình.

Kỹ sư Lê Thị Tú, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Ngay từ đầu vụ, đã triển khai tập huấn cho các hộ dân ủ phân hữu cơ từ nguồn phân gia súc, gia cầm và phế phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ nguồn phân cho mô hình, hướng dẫn cho người dân quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh... Các ruộng khoai lang KL20-209 được gieo trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo mật độ từ 38.000 - 40.000 khóm/ha.

Đến nay, say 110 ngày xuống giống, các hộ dân đang bắt đầu thu hoạch. Gặp chúng tôi trên ruộng khoai, chị Hoàng Thị Hạnh thôn 8, xã Triệu Vân vui vẻ đánh giá: Nhờ có giống mới nên khoai trồng năm nay củ to, đẹp (trung bình 3-5 củ/kg). Khoai có vỏ màu hồng tím nhìn rất bắt mắt, không bị sâu bệnh. Với 1 sào (500 m2), gia đình chị Hạnh thu trên 8 tạ khoai, cao hơn 1 tạ so với giống khoai địa phương. Với giá bán tại ruộng 7.000 đ/kg, trừ chi phí, chị Hạnh thu lãi hơn 3,3 triệu đồng.

Tính ra, nếu trồng 1 ha, giống khoai lang KL20-209 cho năng suất khoảng 16 tấn, cho lợi nhuận từ 65 đến 66 triệu đồng. Vì vậy qua mô hình, nhiều hộ dân tại địa phương đang rất hồ hởi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới. 

Hướng đi cho nông dân vùng bãi ngang

Ông Hồ Văn Phùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) cho biết: Với đặc thù là xã vùng biển bãi ngang, đất đai nhiều nhưng đều là cát trắng bạc màu.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng cát và vùng ven biển, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, xã đã đưa giống khoai lang KL20-209 vào trồng và kết quả cho thấy đây là cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Trong thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để các hộ mở rộng diện tích sản xuất cây khoai lang này.

Giống khoai lang KL20-209 cho năng suất khá cao và lợi nhuận tốt đối với vùng đất cát ven biển tại Quảng Trị. Ảnh: PTV. 

Tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), ông Nguyễn Văn Hiển thôn Thử Luật, một hộ dân tham gia mô hình với diện tích 1,5 sào cho biết qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, giống khoai lang KL20-209 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Lợi nhuận mang lại cho mỗi hộ tham gia mô hình đạt bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào. So với các cây trồng khác cùng trồng trên chân đất cát, lãi gấp nhiều lần. Qua đây đã góp phần cải thiện thu nhập và mở ra hướng sản xuất mới cho bà con địa phương. 

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, sau gần 4 tháng triển khai mô hình trồng khoai lang KL20-209 tại xã Vĩnh Thái, đã mang lại kết quả rất khả quan. Thành công của mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm, thay đổi tập quán sản xuất, giúp người dân có thêm nhiều sự lựa chọn về đối tượng sản xuất. 

Hiện nay, một số hộ dân đã tiến hành cắt dây khoai lang để tiếp tục trồng ở các vùng đất khác trên địa bàn xã. 

Ông Hải cho biết trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa vùng cát đưa vào trồng khoai lang KL20-209 nhằm góp phần khai tốt tiềm năng thế mạnh vùng cát ven biển.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, vùng cát ven biển của tỉnh có diện tích 48.686 ha, bao gồm 30 xã, thị trấn, trải dọc theo các huyện ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.

Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững.

Thông qua việc triển khai mô hình trồng khoai lang ruột vàng, sẽ giúp cho chính quyền địa phương và đặc biệt là bà con nông dân tại các xã ven biển mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất cát ven biển. 

Ông Trần thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, đánh thức tiềm năng những vùng đất cát ven biển. Cùng với các cây trồng như đậu đen xanh lòng, dưa hấu, ném... thì cây khoai lang ruột vàng KL 20-209 sẽ là cây trồng góp phần cải tạo vùng đất cát ven biển.

Từ hiệu quả mô hình, ông Hiền đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, Phòng NN-PTNT và một số cơ quan chuyên môn tiếp tục hỗ trợ, triển khai mô hình, đánh giá và nhân rộng giống khoai lang KL20-209 ở những vùng cát ven biển và những vùng đất bỏ hoang trong vụ hè thu do thiếu nước sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh sẽ có phương án tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ, định hướng sản xuất hàng hóa khi mở rộng diện tích khoai lang tại các vùng đất cát ven biển... 


Related news

bung-phat-bo-canh-cung-pha-hoai-cay-trong Bùng phát bọ cánh cứng… trong-lua-canh-dong-lon-giam-chi-phi-1-1-trieu-dong-ha Trồng lúa cánh đồng lớn,…