Nuôi lợn (Heo) Khoáng vi lượng trong chăn nuôi lợn

Khoáng vi lượng trong chăn nuôi lợn

Author Châu An, publish date Tuesday. August 7th, 2018

Khoáng vi lượng chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu nhưng lại đóng góp vai trò quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển của lợn. Trong đó, khoáng vi lượng bao gồm: iod, sắt, đồng, mangan và coban…

Iod (I2)

Iod là một thành phần của hoocmon thyroxine  (tồn tại dưới các dạng mono-, di-, tri-, và tetraiodothyronine) có tác dụng điều hòa trao đổi chất, sinh trưởng, sinh sản của lợn và phần lớn iod ở tuyến giáp trạng. Iod thường có nhiều trong bột cá, muối vô cơ ioduakali (KI). Trong đó, KI thường được dùng nhiều trong chăn nuôi lợn.  Nhu cầu iod khác nhau ở từng giai đoạn của lợn. Nhu cầu iod ở lợn thịt là 0,14 - 0,43 mg/con; ở lợn nái mang thai là 0,3 mg/con; lợn nái nuôi con cần 0,7 mg/con/ngày. Việc thừa hay thiếu iod trong nhu cầu dinh dưỡng đều gây ra những tác động xấu đến sức khỏe và năng suất của lợn. Thiếu iod có thể gây ra hiện tượng bướu cổ ở lợn; làm lợn tăng trưởng chậm; có hiện tượng tích mỡ, chất lượng nạc kém; da lông xơ; đối với lợn nái xảy ra tình trạng chu kỳ động dục bất thường; tiêu phôi, thai chết khô, sẩy thai; lợn con sinh ra không có lông; Ở lợn đực giống có hiện tượng giảm tính hăng, tinh dịch kém và tỷ lệ thụ tinh thấp. Khi thừa iod, sẽ làm lợn bị gầy yếu; cơ thịt bị khô, dai; nếu lượng iod lớn có thể làm cho lợn bị ngộ độc.

Sắt (Fe)

Sắt là một yếu tố then chốt trong quá trình biến dưỡng của hầu hết các loài vật nuôi. Và được xem là một thành phần thiết yếu của hàng trăm protein và enzyme; đóng vai trò vô cùng quan trọng của nhiều chức năng sống, tăng trưởng, sinh sản, kháng bệnh và miễn dịch của lợn. Trong đó, sắt giữ những chức năng chính gồm: Vận chuyển và dự trữ ôxy giúp cung cấp đủ ôxy theo nhu cầu vận động, tăng năng suất cho vật nuôi; tham gia vận chuyển electron và biến dưỡng năng lượng; vận hành các quá trình ôxy hóa có lợi; tổng hợp DNA; Nhu cầu sắt của lợn con giai đoạn 1 - 20 ngày tuổi rất cao. Nguồn cung cấp sắt cho lợn con giai đoạn này chủ yếu là từ sữa mẹ, trong khi đó sữa mẹ chỉ đáp ứng được 10 - 30% lượng sắt cơ thể cần. Lợn con càng lớn, sự thiếu hụt sắt càng cao. Cường độ và tốc độ sinh trưởng khác nhau nhu cầu cũng khác nhau. Nhu cầu Fe cho lợn con cần 7 - 16 mg/ngày hoặc 21 mg/kg tăng trọng. Thiếu  sắt làm cho lợn chậm lớn, tiêu chảy, da lông xơ xác, giảm khả năng sinh sản, dễ bị stress, dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thừa sắt cũng gây ngộ độc máu và làm gia tăng nhu cầu Phospho của lợn. Sắt có nhiều trong các thức ăn thông thường như bột cá, bột huyết, ngũ cốc, bột thịt, bột xương... Tính khả dụng của sắt khác nhau tùy vào nguồn cung cấp sắt. Phần lớn các sắt vô cơ có tính khả dụng thấp hơn so với sắt hữa cơ.

Đồng (Cu)

Đây là một loại khoáng  vi lượng cần thiết cho việc tổng hợp hemoglobin hồng cầu, tạo các loại enzyme quan trọng trong cơ thể và là yếu tố kích thích sự tăng trưởng, tăng sức đề kháng, duy trì sắc tố da, lông, thớ thịt, duy trì hô hấp mô bào  của cơ thể lợn. Nhu cầu Cu ở lợn con có khối lượng cơ thể từ 3 - 10 kg là  1,5 - 3 mg/con; lợn choai từ  20 kg đến khi xuất chuồng là  7,4  -  9,23 mg/con; lợn nái chửa cần khoảng 9,3 mg/con; lợn nái nuôi con cần  26,3 mg/con/ngày. Thiếu Cu sẽ gây thiếu máu, lợn chậm lớn, da lông xù xì, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, sức đề kháng kém, làm cho lợn rối loạn tim mạch và mất sắc tố, tăng chi phí thức ăn và điều trị bệnh. Tuy nhiên, cũng không nên bổ sung Cu quá nhiều vào trong khẩu phần thức ăn của lợn do nó gây ra lượng tồn dư làm ảnh hưởng đến an toàn cho người sử dụng.

Mangan (Mn)

Mangan là một nguyên tố khoáng vừa là một chất dinh dưỡng thiết yếu có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của lợn. Mn đóng một số vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường và ổn định của lợn gồm: Đóng vai trò như một thành phần của một số enzyme tham dự trong quá trình trao đổi chất của tinh bột, chất béo và protein; cần thiết cho việc tổng hợp chondroitin sulfate, một thành phần của mucopolysaccharide trong chất hữu cơ của xương; ngoài ra, Mn còn giúp phát triển xương, mau lành các vết thương do sự sản xuất collagen nhanh hơn.

Nhu cầu Mn ở các giai đoạn của lợn là khác nhau: Cần bổ sung Mn cho lợn con có khối lượng cơ thể 5 - 10 kg là 2 mg/con; lợn choai 20 kg - xuất chuồng là 3,71 - 6,15 mg/con; lợn nái chửa là 37 mg/con; lợn nái nuôi con cần 105 mg/con/ngày. Mn có rất nhiều trong bột cá, bột thịt xương, cám gạo, cám mì, premix…

Nếu bổ sung thiếu lượng Mn sẽ làm cho lợn sinh trưởng kém, cho lợn ăn lâu dài với liều 0,5 ppm Mn sẽ khiến bộ xương phát triển bất thường, tăng tích lũy mỡ, chậm hoặc không lên giống, lợn sơ sinh nhẹ cân, sản lượng sữa kém; lợn đực giảm năng suất. Mức 2.000 ppm mangan sẽ gây giảm hemoglobin và mức 500 ppm mangan làm giảm tăng trọng trên heo.

Coban (Co)

Coban là khoáng vi lượng và cũng là thành phần của Vitamin B12, có vai trò trong việc kích thích tạo máu, tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của lợn (nhất là lợn con). Coban trong thức ăn được vi khuẩn đường ruột sử dụng tổng hợp nên Vitamin B12. Nhu cầu Coban ở lợn ở các giai đoạn hầu hết là 0,3 mg/kg vật chất khô thức ăn/ngày. Thông thường, người nuôi sử dụng Coban ở dạng Co sunfat hoặc Cacbonat để bổ sung vào thức ăn của lợn.

>> Khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật nuôi, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi tập trung, thâm canh luôn sử dụng thức ăn công nghiệp. Vì vậy, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phải ý thức được tầm quan trọng và nắm vững kỹ thuật bổ sung khoáng chất trong sản xuất thức ăn mới tạo được chất lượng và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm.


Related news

can-bao-nhieu-lactose-trong-thuc-an-cho-heo-con-sau-cai-sua Cần bao nhiêu Lactose trong… ky-thuat-cham-soc-heo-con-trong-nhung-ngay-dau-tien Kỹ thuật chăm sóc heo…