Mô hình kinh tế Khôi Phục Và Phát Triển Cây Cam Đặc Sản Minh Thành (Yên Thành - Nghệ An)

Khôi Phục Và Phát Triển Cây Cam Đặc Sản Minh Thành (Yên Thành - Nghệ An)

Publish date Tuesday. November 19th, 2013

Sau 2 năm dự án cạnh tranh nông nghiệp “vào” với vùng cam Minh Thành (Yên Thành - Nghệ An), những vườn đồi cam nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt. Chất lượng cũng như năng suất cây cam được cải thiện, thu nhập và đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể.

Với “thâm niên” trồng cam từ 15 năm nay, ông Nguyễn Trọng Chất (đội 2) có không ít kinh nghiệm trong việc chăm sóc loại cây trồng được coi là “nhà giàu”, khó tính này. Thế nhưng theo ông Chất, những năm gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường, cộng thêm việc đầu tư chăm sóc còn hạn chế, nên cam dần bị thoái hóa, cây còi và chất lượng, năng suất quả ngày càng kém. Từ khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp về với Minh Thành, những người trồng cam như ông Chất không chỉ được hỗ trợ trong đầu tư phân bón, được đi tham quan những mô hình trồng cam hiệu quả, mà còn nhiều lần được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho cam. Nhờ đó, năng suất cam đã tăng hơn gấp rưỡi so với trước đây. Không chỉ vậy, chất lượng cũng như mẫu mã quả cam cũng được nâng lên, được thị trường ưa chuộng. Tết Nguyên đán năm vừa rồi, người tiêu dùng muốn mua cam Minh Thành dù với mức giá rất cao (từ 95- 100 nghìn đồng/kg) mà cũng khó. Thu nhập của người trồng cam tăng lên đáng kể.

Là tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất trong cả nước (trên 25 nghìn ha), mỗi năm Nghệ An có sản lượng từ 25- 27 nghìn tấn cam. Tuy nhiên, sản phẩm đều do tư thương thu gom và tiêu thụ trên thị trường chứ chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để thu gom, chế biến và tiêu thụ. Do đó thị trường bấp bênh, người sản xuất luôn bị ép cấp, ép giá. Minh Thành là xã miền núi phía Tây Bắc của huyện Yên Thành, có diện tích đất và tiểu vùng khí hậu phù hợp cho cây cam phát triển.

Cách đây hơn 15 năm, cây cam đã bắt đầu phát triển ở Minh Thành. Hiện toàn xã có trên 150 hộ trồng cam, bình quân 100- 150 cây/hộ đang ở thời kỳ cam kinh doanh, với các giống cam Vân Du, Xã Đoài, chất lượng được đánh giá không thua kém cam Xã Đoài, lại chín muộn, thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước khi dự án “về” với Minh Thành, đây vẫn là vùng trồng cam tự phát, quy mô nhỏ, phân tán, đầu tư thâm canh còn hạn chế, đất đai kém màu mỡ nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và khả năng tiêu thụ của nông dân.

Liên minh sản xuất và tiêu thụ cam xã Minh Thành được hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2011, giữa một bên là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển lâm nghiệp và một bên là Tổ hợp tác trồng cam xã Minh Thành (mới thành lập từ tháng 6/2011, với tổng số 130 hội viên). Mục tiêu của Liên minh là tăng cường mối liên kết hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tiêu thụ cam hàng hóa ổn định và lâu dài; nâng cao năng suất, chất lượng cam; tăng thu nhập cho các đối tác tham gia liên minh và phát triển thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn.

Tổng mức kinh phí toàn Liên minh là 6 tỷ 846 triệu 254 nghìn đồng, trong đó vốn tự có của nông dân và doanh nghiệp chiếm 60%, còn dự án hỗ trợ 40% tương đương trên 2 tỷ 600 triệu đồng. Khác với các dự án khác là việc hỗ trợ tập trung bằng công trình, hiện vật như hỗ trợ để xây lắp hệ thống thủy lợi, công trình tưới nhỏ giọt theo công nghệ cao vừa giúp người dân phá bỏ tư tưởng trông chờ, tạo ý thức thâm canh khoa học gắn với việc chống hạn, yếu tố bảo đảm cho thành công trong sản xuất. Không những thế mà liên minh còn được hỗ trợ thêm một số dụng cụ, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh cho các hộ trồng cam.

Ông Phan Phúc Hảo (Chủ tịch UBND xã) chia sẻ: Tham gia liên minh, với sự hỗ trợ của dự án, người dân đã mua sắm được các loại máy bơm nước, bình bơm thuốc BVTV, giếng đào, hệ thống tưới cho vườn cam… để phục vụ sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp và nông dân Minh Thành còn được tham gia 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý và bảo vệ vườn cam, kỹ năng quản lý tổ chức, 2 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm ở các mô hình, đơn vị trồng cam giỏi trong tỉnh. Nhờ đó, người dân đã nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây cam, phòng trừ sâu bệnh hại, làm chủ sản xuất thâm canh, năng suất, chất lượng tăng rõ rệt. Liên minh có thời gian hoạt động 24 tháng, từ tháng 12/2011- 12/2013.

Năm đầu tiên đi vào hoạt động, do hệ thống tưới chưa hoàn chỉnh nên khi gặp hạn nặng vào thời kỳ ra hoa, cam đã bị giảm năng suất. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, dù thời tiết diễn biến rất phức tạp, nhưng nhờ hệ thống tưới đã được lắp đặt đầy đủ với sự đầu tư của dự án nên cây phát triển nhanh, ra hoa kết trái đạt tỷ lệ cao. Vào mùa nắng nóng các vườn cam không còn cảnh thiếu nước, quả còi cọc hoặc bị sâu bệnh phá hại. Đặc biệt nhờ thực hiện hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và nông dân ký sớm, doanh nghiệp đảm bảo thu mua sản phẩm của bà con với giá cao nên người dân yên tâm đầu tư thâm canh, không phải vất vả lo lắng đầu ra.

Qua đánh giá của dự án cho thấy, liên minh sản xuất và tiêu thụ cam đặc sản Minh Thành bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận: Trước khi tham gia liên minh, lợi nhuận của tổ chức nông dân và doanh nghiệp chỉ đạt trên 3,5 tỷ đồng, sau tham gia đã lên tới trên 12 tỷ 193 triệu đồng, tăng gấp hơn 3 lần. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xã xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 3km với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của bà con nông dân kịp thời phục vụ cho phát triển vùng cam.

Đánh giá kết quả dự án ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành) khẳng định: Sản xuất cam nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung những năm gần đây đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong khi đó trình độ về khoa học công nghệ còn hạn chế, việc tiếp nhận các tiến bộ KHKT của người nông dân chưa nhiều.

Điều đáng mừng nhất là Liên minh đã hình thành được mối liên hệ giữa nông dân với doanh nghiệp, Nhà nước cũng như giữa các hộ dân với nhau tạo mối liên kết và phát triển bền vững. Người nông dân đã chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất hàng hóa, trình độ sản xuất thâm canh được nâng cao. Từ thành công của liên minh sẽ là điều kiện tốt giúp Minh Thành sớm chuyển các vườn tạp kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây cam, tạo thành vùng sản xuất cam rộng lớn, sản phẩm nhiều, đầu ra ổn định. Từ 3 tổ hợp tác sẽ phát triển thành HTX sản xuất cam là đầu mối quan trọng đại diện cho các hộ trồng cam liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tổ chức khôi phục và phát triển cây cam đặc sản Minh Thành trở thành hàng hóa.

Phó BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Nghệ An - ông Lê Văn Lương cho biết: Hiện nay, Liên minh liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi tất yếu và cần thiết, Liên minh sản xuất và tiêu thụ cam Minh Thành đã bước đầu làm được điều này. Đồng thời, trong chủ trương phát triển nông nghiệp của Chính phủ cũng như của Nghệ An, sẽ chọn ra những sản phẩm chủ lực, mang tính đặc sản của quốc gia, của tỉnh, của từng địa phương để tập trung đầu tư phát triển. Với Minh Thành, cam có thể được coi là sản phẩm đặc sản mang tính chủ lực này.


Related news

trai-cay-giam-gia Trái Cây Giảm Giá cam-trung-quoc-gan-mac-cam-vinh-lua-khach Cam Trung Quốc "Gắn Mác"…