Không có chuyện nguồn cung gạo thế giới bị thắt chặt
Tuy thị trường xuất khẩu gạo của nước ta gần đây đã khởi sắc nhưng với việc đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao như hiện nay, rất có thể xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm sẽ lại đối mặt với khó khăn.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Nhu cầu có tăng nhưng thị trường thế giới không thay đổi đột biến
Thay vì chỉ đạt khoảng 40-41 triệu tấn như các dự báo trước đó, liên tiếp trong ba tháng vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã nâng dự báo xuất khẩu gạo thế giới năm nay lên 42,5 triệu tấn.
Hai tác nhân chủ yếu khiến thị trường xuất khẩu gạo thoát khỏi tình trạng trì trệ là nhu cầu nhập khẩu của Bangladesh tăng đột biến, đạt 700.000 tấn, và quốc gia bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống của nước ta là Philippines tăng 400.000 tấn, đạt 1,8 triệu tấn.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cũng cho rằng, nhập khẩu gạo của thế giới năm nay tăng 2,8 triệu tấn. Trong đó, hai tác nhân chủ yếu nói trên lần lượt tăng 900.000 tấn và 800.000 tấn.
Cho dù vậy, xét trên tổng thể, thị trường gạo thế giới năm nay và năm 2018 không có đột biến theo chiều hướng có lợi cho các quốc gia xuất khẩu mà nghiêng về phía các quốc gia nhập khẩu.
Trước hết, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thay vì có gần 160 triệu héc ta như trong năm 2016, diện tích lúa của thế giới năm nay sẽ tăng lên hơn 160 triệu héc ta và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng lên gần 162 triệu héc ta. Đây chính là lý do chủ yếu khiến sản lượng lúa thế giới năm nay tăng mạnh hơn 18 triệu tấn, đạt kỷ lục mới gần 722 triệu tấn và năm 2018 cũng gần tương tự.
Bộ Nông nghiệp Mỹ và FAO đều cho rằng trong năm nay, sản lượng lúa gạo của cả hai đối thủ cạnh tranh chủ yếu của nước ta là Ấn Độ và Thái Lan sẽ tăng, tổng cộng tăng gần 9 triệu tấn và 6,3 triệu tấn.
Trong điều kiện được mùa như vậy, mặc dù tiêu dùng gạo thế giới trong năm nay tăng mạnh 10 triệu tấn, nhưng kho gạo dự trữ thế giới vẫn đạt 90 ngày tiêu dùng, còn năm 2018 sẽ tăng lên 93 ngày. Đây là mức dự trữ cao gấp rưỡi so với những năm sốt nóng giá gạo thế giới hồi giữa thập kỷ trước.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, tuy nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới tăng, nhưng mức tăng không nhiều, còn câu chuyện nguồn cung gạo trên thị trường thế giới bị thắt chặt được tuyên truyền khá rầm rộ trên không ít phương tiện truyền thông ở nước ta trong thời gian qua là thiếu cơ sở.
Giá đầu vào tăng trong khi giá đầu ra sẽ giảm
Có thể nói, trong bối cảnh hết sức ảm đạm những tháng đầu năm, việc nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là nhu cầu của Bangladesh và Philippines, là liều thuốc kích thích đặc biệt quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta hiện nay, bởi chúng ta chiếm thị phần không hề nhỏ.
Cụ thể, trong gói thầu 250.000 tấn của Philippines, các doanh nghiệp của nước ta đã giành được 170.000 tấn; còn trong tổng khối lượng nhập khẩu gạo của Bangladesh được đánh giá khoảng 700.000-900.000 tấn, chúng ta đã “chắc suất” 250.000 tấn.
Không những vậy, gần như chắc chắn Philippines sẽ còn phải nhập khẩu thêm gạo trong những tháng tới. Bởi lẽ, trong khi dự trữ gạo hiện nay đang quá mỏng, nước này có nghĩa vụ nhập khẩu hơn 800.000 tấn gạo theo cam kết với WTO. Trong đó, chúng ta “có phần” gần 300.000 tấn.
Cho dù vậy, có hai căn cứ chủ yếu sau đây để cho rằng xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng cuối năm nay sẽ lại khó khăn:
Thứ nhất, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu như trong tháng 7-2016, giá lúa thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 5.150 đồng/ki lô gam, giá gạo nguyên liệu 5% tấm ổn định ở mức 6.850 đồng/ki lô gam, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 445 đô la Mỹ/tấn thì cùng kỳ năm nay, “bộ ba” giá này đã là 5.483 đồng/ki lô gam, 7.483 đồng/ ki lô gam và 431 đô la Mỹ/tấn.
Trong điều kiện giá đầu vào tăng rất đáng kể như vậy, còn giá đầu ra xuất khẩu lại giảm đáng kể như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu trong những tháng tới.
Thứ hai, như đã nói ở trên, năm nay thế giới được mùa, sản lượng lúa gạo đạt kỷ lục mới. Vì vậy, nguồn cung gạo trên thị trường thế giới dồi dào, kho gạo dự trữ của thế giới cũng dồi dào. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới tăng không nhiều, khả năng giá gạo thế giới duy trì ở mức cao như trong quí 2 vừa qua là điều khó xảy ra.
Bên cạnh đó, lưu ý rằng Ấn Độ đang phải trả giá cho việc tăng giá gạo xuất khẩu của mình. Khi giá gạo non-basmati xuất khẩu bình quân trong quí 1 ở mức 361 đô la Mỹ/tấn, Ấn Độ xuất khẩu bình quân đạt 810.000 tấn; còn trong quí 2, khi giá xuất khẩu tăng mạnh lên 406 đô la Mỹ/tấn thì khối lượng xuất khẩu giảm mạnh xuống chỉ còn 700.000 tấn. Đáng lưu ý, nguyên nhân của việc giá gạo xuất khẩu tăng mạnh như vậy không phải là do nguồn cung bị thắt chặt, bởi nước này vẫn được mùa, mà chủ yếu do đồng rupee của nước này tăng quá mạnh.
Đồng baht của Thái Lan cũng tăng giá từ tháng 4 trở lại đây, và do vậy, cũng góp phần đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này tăng. Nếu như giá gạo thường (tổng khối lượng gạo xuất khẩu trừ gạo Thai Hom Mali và gạo nếp) trong bốn tháng đầu năm nay dao động trong khoảng 362-372 đô la Mỹ/tấn thì trong hai tháng sau đó chỉ nhích một chút, lên 380-381 đô la Mỹ/tấn.
Dù vậy, giá xuất khẩu bình quân đối với tổng khối lượng 5,4 triệu tấn đã xuất trong nửa đầu năm nay của Thái Lan chỉ đạt 426 đô la Mỹ/tấn, giảm 13 đô la Mỹ so với cùng kỳ và thấp hơn đáng kể so với mức 445 đô la Mỹ/tấn trong cùng kỳ của nước ta.
Như vậy, dường như người Thái đã và đang hành động khác với thông điệp phát đi của hội nghị lúa gạo của Bộ Thương mại nước này là kho dự trữ gạo của chính phủ tiền nhiệm đã cạn, nguồn cung gạo thế giới đang bị thắt chặt, giá gạo thế giới sẽ tăng, nhưng riêng giá gạo của mình lại giảm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao