Tin nông nghiệp Không có việc nông dân đổ bỏ thanh long

Không có việc nông dân đổ bỏ thanh long

Author Nhóm P.V, publish date Wednesday. December 14th, 2016

Trước thông tin trên một số báo cho rằng nông dân tại các vùng trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang phải đổ bỏ thanh long vì bị bệnh và phía Trung Quốc giảm mua, phóng viên NTNN/Dân Việt đã tìm hiểu thực tế và được bà con cho biết, thanh long vẫn tiêu thụ bình thường, không có chuyện đổ bỏ.

Trong ảnh: Nhân công phân loại thanh long tại Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An). Ảnh: Hữu Danh

Thương lái phải đặt mua mới có thanh long

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên thời điểm này, giới thương lái tại Long An đã phải đặt cọc với giá cao để có thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 12.12, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, hiện thanh long trên địa bàn tỉnh có giá cả ổn định, nhiều thương lái đến địa bàn tỉnh phải “đặt cọc” trước mới có thể mua được thanh long. “Có thông tin cho rằng nhà vườn đổ bỏ thanh long. Chúng tôi kiểm tra và thấy thanh long đang bán với giá tốt. Có việc bà con đổ bỏ thanh long, song đó là đối với thanh long bệnh, thải loại nhưng số lượng rất ít” – bà Khanh nói.

Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) nói: “Thanh long ruột trắng xuất khẩu chúng tôi mua tại vườn giá 15.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ thì có giá gấp đôi. Mới đây có thông tin nhà vườn phải đổ bỏ thanh long, nhiều nhà báo gọi điện thoại hỏi tôi. Tôi khẳng định, giá thanh long đang tốt, không phải quá cao nhưng giá này là nông dân có lời. Dĩ nhiên, nếu thanh long loại thải thì có cho cũng không ai thèm lấy nên phải đổ bỏ”.

Còn ông Nguyễn Thân Ái - Giám đốc Công ty Hương vị trái cây Việt thì chia sẻ thêm: “Mùa tết, thương lái Trung Quốc ăn hàng rất mạnh. Chúng tôi đang phải bỏ tiền cọc với nông dân để “xí phần” với những vườn sắp sửa thu hoạch. Các vườn thanh long đạt chuẩn đều cháy hàng. Còn thanh long bệnh, hoặc trồng không đạt chuẩn, thì không thể bán được nhưng số này không đáng kể”.

Tương tự, trao đổi với phóng viên cùng ngày 12.12, ông Trần Ngọc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận khẳng định, cả 2 loại thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ của Bình Thuận đang được nông dân bán bình thường. Cụ thể, thanh long ruột trắng giá 11.000 – 12.000 đồng/kg, riêng thanh long ruột đỏ không có hàng để bán. Thậm chí thanh long trắng loại xấu cũng tiêu thụ được với giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

“Thực tế là giá thanh long hiện nay hơi thấp so với một số thời điểm, nguyên nhân chính là do thanh long bị nấm, bệnh nhiều khiến mẫu mã trái xấu hơn, nhưng chuyện giá cả nông sản lên xuống là rất bình thường. Hiện giá thành sản xuất thanh long vào khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg, với điều kiện thanh long không bị bệnh, còn nếu vườn thanh long đã nhiễm bệnh (chủ yếu là bệnh đốm nâu, đốm trắng), giá thành có thể lên tới 15.000 đồng/kg. Vì thế hộ nào không áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ bệnh thì lãi rất ít hoặc bị lỗ là chuyện dễ hiểu” – ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, trên địa bàn đang mưa nhiều nên thanh long rất dễ bị bệnh đốm trắng, đốm nâu. Trong khi đó, 2 loại bệnh này lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bà con phải thường xuyên cắt tỉa cành, trái bị bệnh, dọn dẹp vườn để tránh lây lan. Những năm gần đây, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận cũng rất hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học để nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Thông tin đổ bỏ thanh long không có cơ sở

Hàng ngày sản phẩm thanh long của Việt Nam vẫn xuất qua hàng loạt các cửa khẩu và các thị trường mới mở nên không thể có việc thanh long bị bệnh đốm trắng nghiêm trọng đến mức không bán được mà phải đổ bỏ cho gia súc ăn”. Ông Hoàng Trung

Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết, huyện Châu Thành hiện có khoảng 7.000ha thanh long, trong số này có gần một nửa là thanh long ruột đỏ. “Nhà vườn trồng thanh long có thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa nên diện tích thanh long tại Châu Thành đang tăng nhanh. Hầu hết người trồng thanh long ở Châu Thành đều khá giả. Về thông tin nhà vườn đổ bỏ thanh long, chúng tôi đã kiểm tra và thấy rằng không có cơ sở. Thực tế, nhà vườn nào khi trồng cũng sẽ có thanh long bị bệnh, hoặc trái không đạt chuẩn. Đối với những diện tích này, thương lái vẫn mua hết vườn nhưng thỏa thuận hạ giá xuống theo tỷ lệ ngon, dở, bệnh. Họ mua hết và khi về họ sẽ phân loại và bán cho từng thị trường khác nhau. Thanh long ngon thì xuất khẩu, tệ quá thì bán lề đường. Nói chung là bán hết” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, có hiện tượng nhà vườn ở Long An chặt bỏ thanh long ruột trắng để chuyển qua ruột đỏ. Đồng thời, những vườn thanh long già cỗi, trồng khoảng 15 năm, năng suất giảm nhiều thì nhà vườn sẽ đốn trắng để trồng mới. Đối với thanh long loại thải không bán được, nông dân sẽ bỏ để làm phân bón hữu cơ.

Về phía ngành chức năng, chiều 12.12, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục BVTV chưa nhận được thông tin phản ánh việc nông dân một số tỉnh ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đổ bỏ thanh long cho bò ăn. Ông Trung nói: “Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 1 triệu tấn thanh long, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85 - 90% thị phần, sản lượng còn lại đang được xuất khẩu sang các thị trường mới mở khác”.

Được biết, trong tuần trước Bộ NNPTNT đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị để kết nối giữa các thương nhân Việt Nam với các đối tác các nước bàn về việc tiêu thụ, xuất khẩu thanh long. Tại hội nghị, không hề có thông tin trên. Đáng nói hơn, Cục BVTV cũng vừa có đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam để dự các cuộc họp bàn về phòng chống dịch bệnh trên cây trồng trong các tháng cuối năm, tại hầu hết các cuộc họp đều không thấy các tỉnh trên nói về việc thanh long bị bệnh đốm trắng nghiêm trọng đến mức không bán được.


Related news

vinamilk-keu-thiet-don-thiet-kep-vi-quy-dinh-xu-ly-phan-bo Vinamilk kêu "thiệt đơn thiệt… mua-trai-vu-lam-kho-nguoi-trong-rau-mien-tay Mưa trái vụ làm khổ…