Khuyến lập nhóm để nhập điều thô
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại hội thảo “Ngành điều chuyển mình đón vận hội mới” tổ chức tại TP.HCM hôm 23.5, lãnh đạo Vinacas cho hay, thời gian qua nhiều DN nhập khẩu điều của Việt Nam bị đối tác “xù” hợp đồng gây khó khăn cho sản xuất. Thế nhưng, do chính các DN chưa chặt chẽ về những điều khoản trong hợp đồng, cùng với việc ký trước hợp đồng khi mùa vụ chưa tới mà không có ràng buộc với đối tác... dẫn đến có khởi kiện cũng chỉ thua mà thôi.
“Thực tế, việc soạn thảo hợp đồng của các DN hiện nay cũng rất yếu, vì vậy, Vinacas có soạn sẵn mẫu hợp đồng để các DN tham khảo” - ông Nguyễn Đức Thanh nói. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Ngân - đại diện Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, từ 2008-2014, VIAC đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó số vụ kiện về hợp đồng mua bán chiếm tới hơn 60%. Đặc biệt, trong thời gian tư vấn pháp luật cho các DN xuất nhập khẩu điều, VIAC gặp không ít các trường hợp… “không thể khởi kiện” do các bên đã ký kết một hợp đồng với các điều khoản bất lợi.
Ở góc độ là DN đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hạt điều, ông Vũ Thái Sơn - đại diện Công ty Long Sơn nhận định rằng chúng ta có 3 cái nhất về ngành điều là xuất khẩu nhất, nhập khẩu nhất và sản xuất cũng đứng nhất. Tuy nhiên, do tình trạng không đoàn kết, mạnh ai nấy làm giữa các DN khiến cho cả ngành điều đều bất lợi trước quốc tế.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất việc xác định độ ẩm tại chỗ với nguồn nguyên liệu điều thô, quy định hình dạng, mùi vị theo tiêu chuẩn như thế nào là đúng quy cách… Đại diện Vina Control nói: “Hiện nay nhiều DN ký hợp đồng nhập khẩu điều thô với độ ẩm 12%, chắc chắn những lô hàng này về Việt Nam sẽ bị thối, mốc. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì DN nên ký hợp đồng với độ ẩm dưới 10%”.
Cũng theo ông Sơn, nhiều chính sách trong quản lý hiện nay cũng gây khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu điều. Ông dẫn chứng: Điều nhập khẩu về là để sản xuất xuất khẩu và bị liệt vào danh mục hàng sản xuất xuất khẩu bị hải quan ghi nợ thuế 275 ngày. Sau đó phải chứng minh được là xuất khẩu đi thì mới được bỏ thuế. Việc này không chỉ gây tốn kém, thủ tục rườm rà mà lỡ có sai sót là bị cán bộ hải quan “làm khó”.
Ngoài ra, các vấn đề như hàng nhập về phải chịu lưu công lưu bãi, hàng tàu thì phải trả tiền mới cho lấy hàng, chuyển tiền trên 20 triệu đồng thì phải qua ngân hàng... khiến DN mất thêm mỗi năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Kiến nghị quản lý chặt để có điều sạch
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng xoay quanh vấn đề phải quản lý chặt chẽ để sản xuất điều sạch. Ông Nguyễn Đức Thanh nói, hiện nhập khẩu điều thô quyết định 70% hàng hóa. Tuy nhiên thời gian qua các DN cũng bị nhập về rất nhiều lô hàng mốc, hư khiến chất lượng điều nhân xuất khẩu hạn chế, thậm chí bị nhiều khách hàng khó tính trả về. Thêm vào đó, trong nước thì thương lái tưới nước, trộn bã… vào điều nguyên liệu dẫn đến chất lượng hàng xuất khẩu giảm. Vì vậy, Vinacas thời gian tới sẽ đưa ra giá tham khảo, đồng thời cũng đề ra các biện pháp áp đặt, chế tài với những DN “đen” đã làm ăn gian dối với DN Việt Nam.
Ông Vũ Thái Sơn cũng cho rằng: “Gần đây Mỹ đã phát hiện trong hạt điều Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt kiến, gián và nhiều lô hàng đã bị thu hồi từ kệ siêu thị. Vì vậy, chúng ta phải làm chặt chẽ vấn đề vệ sinh thực phẩm này”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao