Mô hình kinh tế Khuyến ngư đồng hành nông thôn mới

Khuyến ngư đồng hành nông thôn mới

Publish date Thursday. September 17th, 2015

Kết quả khả quan của các mô hình khuyến ngư được triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Nuôi cá điêu hồng tại gia đình ông Hồ Tấn Đình.

Mô hình nuôi cá

Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trên sông Trường Giang. Triển khai mô hình này, gia đình ông Hồ Tấn Đình (tổ 2, thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình) được ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình hỗ trợ 100 triệu đồng mua lưới, phao, khung lồng, giống cá điêu hồng.

Từ nguồn hỗ trợ này, gia đình ông đã đầu tư nuôi 30 nghìn con cá điêu hồng trong 12 lồng cá được kết thành 1 bè có tổng thể tích nuôi là 600m3. Sau 5 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, có tỷ lệ sống khoảng 70%. Với trọng lượng trung bình đạt 0,5kg/con, gia đình ông Đình thu hoạch được hơn 10 tấn cá; giá cá thương phẩm là 40 nghìn đồng/kg, ông Đình bán được 420 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 150 triệu đồng.

“Nuôi cá đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình chúng tôi. Chừ thì ngoài số vốn tích lũy được, gia đình vẫn còn 12 lồng cá để đầu tư trong những vụ nuôi tiếp theo” - ông Đình nói.

Định hướng phát triển nuôi thủy sản của huyện Thăng Bình từ nay cho đến năm 2020 là quy hoạch chi tiết vùng nuôi, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo điều kiện sản xuất.

Trên cơ sở đó sẽ hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung có quy mô diện tích lớn, áp dụng các tiêu chí VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao.

Đặc biệt, huyện chú trọng đánh giá tác động đến môi trường, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến mỹ quan và sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Huyện khuyến khích thêm các mô hình nuôi trồng thủy sản trên mặt nước biển.

Cá điêu hồng được Bộ NN&PTNT xác định là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Ưu điểm của loài cá này là mau lớn, cho năng suất cao, thịt ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Với khả năng cạnh tranh cao như vậy nên từ tháng 4.2015, Trạm Khuyến nông Thăng Bình cũng đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá điêu hồng trong ao đất tại hộ ông Hồ Thanh Bình (tổ 1, thôn Đồng Trì, xã Bình Hải). Ngành khuyến nông Thăng Bình đã hỗ trợ hoàn toàn con giống cho hộ nuôi với tổng kinh phí là 17 triệu đồng, hỗ trợ 30% thức ăn là 9 triệu đồng.

Với tổng diện tích là 3.200m2, gia đình ông Bình đã thả nuôi 16 nghìn con giống cá điêu hồng. Sau 5 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 0,4kg/con, tỷ lệ sống đạt 70%. Gia đình ông Bình bán được tổng cộng 170 triệu đồng, lãi hơn 80 triệu đồng.

Hỗ trợ nuôi cá điêu hồng trên ao đất lẫn trên sông chỉ là 2 trong nhiều mô hình khuyến ngư được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thăng Bình.

Theo Phòng NN&PTNT Thăng Bình, tận dụng các diện tích mặt nước dọc theo sông Trường Giang, các hồ Cao Ngạn (xã Bình Lãnh), Phước Hà (Bình Phú), Đông Tiển (Bình Trị) cũng như các diện tích ao đất ở các hộ gia đình, các mô hình nuôi cá nước ngọt, nước lợ được triển khai và nhân rộng đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.  

Cú hích cho nông thôn mới

Theo UBND xã Bình Hải, các mô hình nuôi thủy sản được triển khai trên địa bàn gắn chặt với quá trình xây dựng nông thôn mới đang ngày càng khởi sắc hơn. Bởi cả 2 mục đích là tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân đều đã được phát huy.

Từ hiệu quả của mô hình kinh tế nuôi thủy sản, người dân có nguồn lực tài chính để đóng góp vào ngân sách, tiếp sức quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Bình Hải ước đạt 23 triệu đồng/người/năm.

Người dân đã đóng góp hơn 880 triệu đồng để xã tiếp tục hoàn thiện giao thông nông thôn, trường học, y tế... Được tạo đà từ hiệu quả của các mô hình nuôi thủy sản, xã Bình Hải đang đề ra các giải pháp để vừa tăng thu nhập của người dân vừa nhanh chóng hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đó là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, kiện toàn cơ sở hạ tầng để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời quy hoạch, áp dụng các thành tựu của khoa học - kỹ thuật vào quá trình nuôi tôm, nuôi cá, sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, hiệu quả tính trên một đơn vị sản xuất của các mô hình kinh tế thủy sản lớn hơn trồng trọt và chăn nuôi đơn thuần. Vì thế huyện chú trọng hơn đến việc nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản và đây sẽ là cú hích quan trọng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Nuôi cá điêu hồng nói riêng, nuôi thủy sản nói chung đem lại hiệu quả cao cho người nuôi nên cần được nhân rộng trên địa bàn.

Thăng Bình đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh cho phép quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè trên sông Trường Giang cũng như các hồ chứa nước với các điều kiện đảm bảo về thủy lợi, môi trường mà đem lại hiệu quả cho người nuôi, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới” - ông Vũ nói.

Do phần lớn người dân tập trung ở khu vực nông thôn và lao động nông nghiệp nên xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thăng Bình vào thời điểm này gắn chặt với công tác khuyến nông, khuyến ngư. Các mối liên quan được biểu hiện cụ thể qua các tiêu chí quy hoạch, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất...

Ông Lê Văn Để - Trưởng trạm Khuyến nông Thăng Bình cho rằng, khi đã nhân rộng các mô hình khuyến ngư, các nông hộ cần chú ý thích đáng đến vụ mùa thả nuôi, hạn chế hiện tượng cá bị bệnh do thời tiết cũng như thất thoát do lũ lụt. Huyện Thăng Bình cần tạo điều kiện để các hộ nuôi tham gia tổ chức hợp tác để vừa tạo quy mô lớn vừa tăng thêm trách nhiệm trong nuôi thủy sản.


Related news

loi-truoc-mat-hai-lau-dai Lợi trước mắt, hại lâu… phap-phong-lang-rau-tra-que Phập phồng làng rau Trà…