Tin nông nghiệp Khuyến nông cần được coi là một nghề

Khuyến nông cần được coi là một nghề

Author Cảnh Thắng, publish date Saturday. October 29th, 2016

Tại hội thảo nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông (KN) phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 27.10 tại Nghệ An), nhiều đại biểu cho rằng KN có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới, tăng thu nhập cho nông dân, nhưng vai trò chưa được đánh giá đúng.

Khuyến nông đổi mới toàn diện

Báo cáo tại hội thảo cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, các hoạt động chính của ngành KN như đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình đã có nhiều đổi mới, bám sát chủ trương, định hướng của ngành nông nghiệp, điều kiện sản xuất thực tế và nhu cầu của nông dân. Theo đó, hoạt động KN đã chuyển dần từ KN kỹ thuật đơn thuần, sang KN toàn diện cả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, thị trường.

 

Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên lúa tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.  Ảnh:  N.N.T.Q

Ngành KN cần có cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực khác nhằm phát triển công tác KN theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường hợp tác hơn nữa với các địa phương; tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền, cố gắng bám sát thực tế để tuyên truyền hiệu quả, người nông dân dễ áp dụng vào sản xuất…”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Lê Quốc Doanh 

Đơn cử như trong hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, trong 5 năm qua Bộ NNPTNT đã phê duyệt 139 dự án KN T.Ư về xây dựng và nhân rộng mô hình để triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Trong đó có những dự án đáng chú ý như sản xuất hạt giống lúa lai F1 (đã xây dựng được 4.530ha mô hình sản xuất lúa lai F1, năng suất bình quân đạt 26 – 28 tạ/ha, cung ứng khoảng 12.000 tấn hạt giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất…); dự án trồng thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP; dự án cải tạo đàn trâu và chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ; cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ; dự án chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGAHP…

Đáng chú ý là bên cạnh các chương trình KN truyền thống như KN xóa đói giảm nghèo, KN hướng dẫn sản xuất…, những năm qua hệ thống KN cả nước đã tập trung triển khai trực tiếp và có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng đồng bộ gói kỹ thuật sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các kỹ thuật an toàn sinh học để cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm…

Ngay cả phương pháp tuyên truyền cũng liên tục được đội ngũ cán bộ KN đổi mới như KN qua phương tiện thông tin đại chúng, qua internet, điện thoại di động, đào tạo KN online, tổ chức các diễn đàn KN @ nông nghiệp, tọa đàm, hội thảo, hội thi… 

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm KN quốc gia cho biết: “Hiện nay, hệ thống tổ chức KN chuyên trách từ cấp tỉnh đến cấp xã có khoảng 15.000 người, ngoài ra còn có khoảng 23.000 cộng tác viên KN thôn, bản. Đây là lực lượng chính chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, thường xuyên bám sát thực tiễn sản xuất, gắn bó mật thiết với sản xuất cũng như kịp thời hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây nên...”.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Tươi – Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Điện Biên, ở những địa bàn miền núi, vùng cao như Điện Biên, công tác KN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập. “Mức thù lao giữa cán bộ làm công tác KN cấp tỉnh và cấp xã đang có sự chênh lệch lớn. Thực tế cho thấy, nông dân ở vùng sâu, xa rất khó tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong khi vì mức phụ cấp quá thấp nên nhiều khuyến nông viên cấp xã không mặn mà với nghề”.

Cần đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp

Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: “So với các địa phương khác, Hà Nội có nhiều lợi thế, riêng kinh phí cho mô hình KN hiện đang được đầu tư lớn nên cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, đội ngũ KN viên ở các xã ngoại thành hiện cũng chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến việc phổ biến và hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều lúng túng”.

Ông Ngọc chia sẻ thêm, gần đây vai trò của công tác KN có phần giảm sút vì thiếu đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế và theo kịp xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Công tác KN hiện vẫn còn nặng về xây dựng mô hình mà hạn chế việc nhân rộng. “Do đó, tôi cho rằng cần phải thành lập Cục KN để giải quyết những vấn đề tồn tại, cấp bách của ngành hiện nay...” – ông Ngọc nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để công tác KN phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, cần phải có quan điểm, nhận thức đúng về KN, cần coi KN là một nghề và phải có chiến lược để đào tạo, dạy nghề và xây dựng tiêu chuẩn ngành nghề, ngạch bậc để phát triển KN theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại như các ngành thú y, kiểm lâm, bảo vệ thực vật…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, công tác KN đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, do đó cần hình thành một hệ thống KN chặt chẽ từ T.Ư đến địa phương. “Về phía Bộ NNPTNT, chúng tôi sẽ lắng nghe và xem xét các phương án để tiến tới thành lập Cục KN. Thực tế cho thấy công tác KN cũng còn nhiều bất cập, vai trò quản lý nhà nước chưa rõ ràng, không ổn định. Năng lực của cán bộ KN cũng còn nhiều hạn chế vì chưa có trường đại học nào đào tạo cán bộ KN bài bản. Do đó, Bộ sẽ chỉ đạo các trường trực thuộc sớm thành lập khoa đào tạo chuyên ngành KN” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.


Related news

rau-qua-trung-quoc-duoc-bo-thue-khi-vao-viet-nam-suc-ep-cuc-lon Rau quả Trung Quốc được… mia-gia-cao-nong-dan-ung-dung-gam-hang Mía giá cao, nông dân…