Tin nông nghiệp Kiếm tiền tỷ nhờ chinh phục xoài cát Hòa Lộc

Kiếm tiền tỷ nhờ chinh phục xoài cát Hòa Lộc

Author Mỹ Lý, publish date Tuesday. May 30th, 2017

Luôn nằm trong top những loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, song với nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp, xoài cát Hòa Lộc vẫn là loại cây trồng thuộc nhóm“đỏng đảnh”, khó thuần, khiến nhiều nhà vườn ngán ngại. Dẫu vậy, với những sáng kiến táo bạo của mình, nhà vườn Nguyễn Văn Đi ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình đã thu về hơn tỷ đồng mỗi năm nhờ chinh phục được “nàng” xoài cát Hòa Lộc.

Ông Đi sử dụng cơ giới hóa cho vườn xoài cát Hòa Lộc

Sáng tạo “độc lạ” để xoài thích ứng với thời tiết bất lợi

Khoảng năm 2000, nhận thấy việc trồng màu không còn phù hợp vì không đem lại kinh tế cao cho gia đình, ông Nguyễn Văn Đi chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang trồng xoài ban đầu không mang lại kết quả tích cực như mong muốn.

Ông Đi nhớ lại: Trong các loại xoài thì xoài cát Hòa Lộc là giống cây trồng khó tính, nhiều nông dân ví von là loại cây “nắng không ưu, mưa không chịu”. Bởi nếu trời mưa quá nhiều, hay nắng quá thì cũng rất bất lợi cho sự ra bông và đậu trái của xoài cát Hòa Lộc. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên tôi chỉ có thể cho xoài ra trái vào vụ thuận, còn vụ nghịch thì đành “bó tay”.

Mặc dù khởi đầu gian nan nhưng không làm nhụt chí lão nông vùng Cù lao Tây.

Sau thời gian va chạm thực tế, rút tỉa kinh nghiệm từ những lần thất bại, ông Đi nhận thấy nếu tưới nước cho bông xoài lúc trời nắng hay tưới vào thời điểm trước và sau cơn mưa sẽ giúp cho xoài dễ đậu trái hơn. Đây cũng là bí quyết giúp ông Đi trở thành một trong những đầu mối cung cấp xoài cát Hòa Lộc số một tại Đồng Tháp vào thời điểm nghịch mùa.

Ông Đi giải thích: “Đối với xoài cát Hòa Lộc, vào mùa nắng thì bọ trĩ là kẻ thù số một khiến xoài rụng bông, ngược lại vào mùa mưa thì chất axit trong nước mưa là tác nhân chính gây ra tình trạng xoài bị cháy bông và không đậu trái. Nhưng may mắn là có thể khắc chế hai “kẻ địch” này bằng nước thông thường. Từ việc tìm ra được bí quyết này, tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phun tưới tự động cho vườn xoài nhà mình. Nhờ đó mà việc cho xoài ra trái vào những thời điểm khí hậu bất lợi cũng hiệu quả hơn”.

Hệ thống phun tưới tự động có vai trò làm mát và xua đuổi bọ trĩ cho cây xoài vào mùa nắng. Vào mùa mưa, hệ thống này có chức năng rửa trôi axit từ nước mưa ngăn không cho thấm vào bông xoài, giúp xoài dễ đậu trái hơn.

Ngoài việc tìm ra giải pháp giúp xoài ra trái nghịch vụ, ông Đi còn sáng tạo ra cách cho xoài ra trái ngay trong thân mẹ. Phương pháp này giúp xoài dễ đậu trái và không bị xây xát vỏ trong mùa mưa bão.

Tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng khoa học tiên tiến

Mặc dù chỉ là một nông dân bình thường nhưng ông Nguyễn Văn Đi luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều kỹ thuật mới trong và ngoài nước để áp dụng cho quy trình sản xuất xoài. Sau thời gian trồng xoài tại quê nhà, ông Đi nhận thấy nên sang Thái Lan tìm hiểu về kỹ thuật trồng xoài của nước bạn. Sau chuyến đi này, ông Đi chắt lọc được nhiều cách làm hay trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho trái cây này.

Ông Đi cho biết: “Việc dùng chất kích thích lâu dài sẽ khiến cho cây xoài giảm tuổi thọ cũng như giảm năng suất. Do đó, cần dùng phân hữu cơ để phục hồi sức khỏe cho bộ rễ của cây, như vậy cây xoài mới có thể cho năng suất cao và chất lượng trái tốt”.

Hệ thống phun tưới tự động giúp xoài cát Hòa Lộc ứng phó tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi

Nhờ học tập kinh nghiệm trồng xoài từ nước bạn mà cách thiết kế cho khu vườn của ông Đi cũng rất đặc biệt, hiện ở Đồng Tháp chưa có mô hình tương tự. Khoảng cách giữa các cây xoài trong vườn của ông được bố trí rất rộng, từng cây xoài đều được đánh số để kiểm soát sự sinh trưởng và phát triển.

Nhờ thiết kế theo mô hình hiện đại nên các lối đi trong khu vườn rất thông thoáng, thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa cũng như khâu thu hoạch vận chuyển xoài.

Được sự tư vấn của Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp, hiện ông Đi đang áp dụng sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo quy trình an toàn và tiến đến chứng nhận VietGAP.

Nhờ những sáng tạo độc đáo và sự nhạy bén của mình hiện doanh thu của gia đình ông từ mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc là gần 2 tỷ đồng/năm. Từ 2.000m2 đất ruộng ban đầu, lợi nhuận thu về sau thời gian chuyển đổi sang trồng xoài cát Hòa Lộc đã giúp ông Đi có tích góp thêm gần 3ha.

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp nhận định, mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc rải vụ của nhà vườn Nguyễn Văn Đi là một mô hình rất hay và triển vọng mà HLV tỉnh sẽ triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Ngoài ra, để chủ động đầu ra cho vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc ở vùng Cù lao Tây, huyện Thanh Bình, HLV tỉnh cũng đang làm cầu nối kêu gọi doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến đến kết nối với nông dân để bà con có cơ hội tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.


Related news

danh-gia-ve-tang-truong-nong-nghiep-viet-nam-bi-thap-hon-thuc-te Đánh giá về tăng trưởng… trong-phuc-bon-tu-nguoi-dan-d-ran-thu-toi-1-5-trieu-ngay Trồng phúc bồn tử, người…