Trồng lúa Kiến Thiết Đồng Ruộng Bằng Công Nghệ Sinh Thái

Kiến Thiết Đồng Ruộng Bằng Công Nghệ Sinh Thái

Publish date Saturday. April 26th, 2014

Ngày nay, nếu con người có thể áp dụng thành công công nghệ di truyền (genetic engineering) để điều khiển bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các giống cây mới có đặc tính mong muốn, thì, tương tự, cũng có thể áp dụng công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết đồng ruộng theo ý muốn nhằm thu hút thiên địch đến diệt trừ sâu hại cây trồng để giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường.

Áp dụng quan điểm này, các nhà côn trùng học ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) với sự tài trợ của Ngân hàng Á châu (ADB) muốn hợp tác với các quốc gia đang bị rầy nâu gây hại nặng từ nhiều năm nay để thử nghiệm mô hình trồng cây có hoa trên bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch đến tấn công rầy nâu và từ đó làm giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu. Có ba quốc gia được chọn để tham gia thực hiện đề tài này là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam và thí nghiệm đã bắt đầu từ đầu tháng 11/2009.

Tại ĐBSCL, chúng ta đã rất thành công trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để quản lý rầy nâu nên nông dân đã liên tiếp trúng mùa trong nhiều vụ lúa vừa qua. Vụ đông xuân năm nay, lúa đã trúng mùa hơn bao giờ hết với tổng diện tích trên 1,5 triệu hécta.

Nguyên nhân là do chúng ta đã khắc phục được khả năng gây hại của rầy nâu bằng cách chỉ đạo nông dân ở cấp cộng đồng gieo sạ đồng loạt “né rầy” trên diện rộng, áp dụng chặt chẽ biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) bằng cách không phun thuốc trừ sâu sớm để giữ thiên địch trên đồng ruộng nhằm tạo sự cân bằng sinh thái.

Ngay cả công ty Bảo vệ thực vật An Giang cũng có đội ngũ kỹ thuật viên “Cùng nông dân ra đồng” đã làm tốt công tác này đến nỗi trong dịp cuối năm vừa qua khi chúng tôi đi thăm ruộng lúa ở Mộc Hóa (Long An) có nông dân đã phát biểu về lực lượng này như sau: “Mọi năm khoảng này (sau khi lúa đã trổ) thì thường bà con phải phun 2-3 lần để trị rầy, nhưng năm nay các cậu FF (field force của BVTV.AG) nói chưa cần thiết nên không cho phun, vậy mà lúa rất trúng mùa!”.

Mặc dù vậy, mật số rầy nâu có khả năng truyền bệnh vi rút cho lúa vẫn còn rất cao trên đồng ruộng do nông dân canh tác liên tiếp 2-3 vụ trong năm nên chúng có thể lây lan từ vụ này sang vụ khác. Hơn nữa, nông dân chưa biết rõ vai trò của thiên địch trong việc giữ cân bằng sinh thái ruộng lúa nên vẫn còn dựa nhiều vào việc sử dụng thuốc trừ sâu, đưa đến tình trạng sâu rầy ngày càng kháng thuốc, trong khi thiên địch bị giết chết và giống lúa kháng rầy ngày càng mất tính kháng. Do đó, cần phải có hướng phòng trị rầy nâu lâu dài để tiến đến nền sản xuất lúa bền vững ở trong vùng. Mô hình kiến thiết lại đồng ruộng theo công nghệ sinh thái này nhằm đáp ứng nhu cầu nói trên.

Chúng ta đã làm tốt ở hai địa điểm có rầy nâu gây hại trầm trọng nhất là huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, trên diện tích của mỗi mô hình khoảng 30 ha lúa cho nguyên cả cánh đồng với khoảng trên 30 nông dân trong một cộng đồng. Nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng biện pháp gieo sạ “né rầy” và hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách trồng các loại cỏ có hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch.

Chọn những loại hoa có màu sắc và hương thơm phù hợp, nhiều mật và phấn hoa để thu hút thiên địch vì đa số giai đoạn trưởng thành của chúng đều cần loại thức ăn này để bổ sung năng lượng. Hơn nữa, các loại cây có hoa này phải dễ trồng, cần ít chăm sóc và có thể trổ hoa quanh năm.

Hoa được trồng nhân giống trước trên bờ ruộng để làm thế nào khi xuống giống lúa thì đã có sẵn hoa trên bờ xung quanh ruộng nhằm thu hút thiên địch ngay từ ban đầu. Nông dân chăm sóc đồng ruộng của họ như thường, còn cán bộ kỹ thuật bố trí thí nghiệm để theo dõi và đánh giá hiệu quả của mô hình vào 4 giai đoạn sinh trưởng của lúa là mạ, đẻ nhánh, làm đòng và trổ. Một bẫy đèn được bố trí ở một góc của mô hình, các loại bẫy khác được bố trí trong ruộng lúa để theo dõi mật số rầy và thiên địch trong ruộng mô hình và cả ruộng đối chứng của nông dân ở ngoài mô hình.

Kết quả bước đầu là ngày 1/12/2009, IRRI, ADP và các thành viên quốc tế gồm khoảng 50 khách đã đến tham quan về việc triển khai mô hình ở Cái Bè mà ban trù bị trước đó đã lựa chọn như là điểm có chuẩn bị tốt nhất trong số 4 điểm chính thức tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Lúc này nông dân đang xuống giống đồng loạt theo kỹ thuật “né rầy” vì rầy vừa mới dứt điểm vào đèn, và hoa đã được nhân giống trước đó khoảng 1 tháng nên đang trồng bổ sung trên bờ chính và bờ mẫu trong ruộng. Nhận xét chung của đoàn là mô hình được triển khai trên quy mô rất tốt, các kỹ thuật được tiến hành hoàn chỉnh để có triển vọng thành công cao.

Tuy nhiên, các thành viên Trung Quốc và Thái Lan lại lo ngại về diện tích quá rộng nên khó có thể huy động được nông dân ở nước họ. Sở dĩ chúng ta làm được vậy không phải vì nhờ “chủ nghĩa xã hội” mà vì nông dân tin tưởng vào sự chỉ đạo chặt chẽ bằng hiện thực trên đồng ruộng nên mới tự nguyện tham gia. IRRI muốn rút kinh nghiệm gieo sạ lúa “né rầy” của Việt Nam này để đưa vào kế hoạch giải quyết tình hình rầy nâu đang phát triển ở Thái Lan hiện nay, nhưng họ cũng lo cái khó là không dễ huy động nông dân tập thể, cũng như đặt bẫy đèn đồng loạt để theo dõi và dự báo tình hình rầy nâu cho cả vùng.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 300 bẫy đèn trên khắp cả ĐBSCL để các địa phương báo cáo số liệu hàng ngày về cho Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) tổng hợp và làm dự báo hàng tuần cho các tỉnh để chỉ đạo thời điểm gieo sạ “né rầy”. Được vậy nhưng nông dân cũng phải kiểm tra lại ở bẫy đèn riêng của cánh đồng mình cho cụ thể trước khi xuống giống.

“Hội thảo đầu bờ” đã được tổ chức vào ngày 27/1/2010 cho mô hình ở Cái Bè và 24/2/2010 cho mô hình ở Cai Lậy. Lúa rất trúng mùa (khoảng trên 6T/ha) qua quá trình không sử dụng thuốc trừ sâu trong suốt vụ lúa. Ngoài cỏ có hoa, nông dân còn trồng bổ sung cây màu có hoa khác như đậu bắp, bắp để đồng thời gia tăng lợi tức. Một số ghi nhận về kết quả phân tích số liệu bước đầu như sau:

- Trồng cỏ trên bờ ruộng thu hút nhiều thiên địch đến cư ngụ và sinh sản trong đó như nhện, bọ đất… thuộc nhóm bắt mồi.

- Bẫy vàng và bẫy dính cho thấy có nhiều ong ký sinh và muỗi nước (làm mồi cho thiên địch).

- Nhiều loài côn trùng đến lấy mật hoa tạo sự đa dạng sinh vật sống động trong ruộng lúa.

- Chưa có phun thuốc trừ sâu lần nào mà mật số sâu rầy trong ruộng lúa vẫn không đáng kể cho đến khi thu hoạch.

- Nông dân tỏ vẻ thích thú và sẽ chọn loại cây có hoa phù hợp để về làm theo cho đồng ruộng của mình.

- Nhiều lượt người đến tham quan và báo chí đã có bài giới thiệu như một mô hình xanh của sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP.

- Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình sắp tới là: Sài đất (Wedilia chinensis), Xuyến chi (Bidens pilosa), cúc Gót (Colobogyne sp.) và cỏ Cứt heo (Agelatum conyzoides). Đặc điểm là chúng có nhiều hoa với với mật, phấn hoa và hương thơm thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm.

Triển vọng thành công của mô hình công nghệ sinh thái này sẽ là bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời hạ giá thành sản xuất và tăng phẩm chất nông sản…

Mô hình này cũng có thể áp dụng cho vườn cây ăn trái hay rau màu trong việc phát triển hệ thống đa canh để vừa tạo được sự đa dạng sinh học vừa đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng lợi tức trên một đơn vị diện tích canh tác, nhằm giữ được diện tích đất nông nghiệp cho an toàn lương thực và làm mảng xanh cho cuộc sống ngày càng bị khói bụi ở các đô thị bao quanh.


Related news

phong-ngua-dich-hai-va-chon-giong-lua-cho-vu-lua-he-thu Phòng Ngừa Dịch Hại Và… cac-hoat-chat-tru-ray-hieu-qua Các Hoạt Chất Trừ Rầy…