Trồng lúa KINH NGHIỆM: Muốn hạn chế lúa đổ ngã, phải làm gì?

KINH NGHIỆM: Muốn hạn chế lúa đổ ngã, phải làm gì?

Author NNVN, publish date Wednesday. August 26th, 2020

Ngoài việc chọn giống có đặc tính cứng cây ít đổ ngã, việc cày ải, phơi đất làm đất thật kỹ trước khi xuống giống sẽ giúp lúa phát triển bộ rễ và bám rễ sâu hơn...

Ruộng sử dụng thuốc sinh học điều hòa sinh trưởng Plastimula 1SL xử lý giống, phun đẻ nhánh và làm đòng (a) hạn chế được đổ ngã trên lúa so với đối chứng không sử dụng (b)

Vụ HT và TĐ thời tiết bất lợi, mưa nhiều gió mạnh gây đổ ngã lúa làm giảm năng suất. Lúa đổ ngã ở giai đoạn sớm, từ làm đòng đến trổ có thể thất thu hoàn toàn. Đổ ngã sau giai đoạn lúa chín cũng bị ảnh hưởng một phần năng suất, phẩm chất lúa, tăng chi phí khâu thu hoạch...

Thời tiết Nam bộ mưa nhiều kết hợp với gió mạnh trong thời gian qua, các trà lúa HT sớm đã và đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã, chịu ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất và chi phí SX.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: “Thời điểm chuẩn bị thu hoạch gặp mưa và gió mạnh, lúa sập gần một nửa diện tích chắc chắn gây thất thoát, giảm năng suất so với lúa đứng. Lúa ở các điểm này do sập nhiều bùn sình và ướt hơn nên giá lúa cũng sẽ thấp hơn từ 50 - 100 đ/kg hoặc thương lái sẽ trừ phần lẫn tạp.

Hơn nữa, chi phí thuê máy cắt thu hoạch lại cao hơn. Lúa đứng bình thường giá thuê máy cắt khoảng từ 230 - 250 ngàn đ/công, trong khi đó lúa sập từ 300 - 350 ngàn đ/công, bình quân tăng từ 80 - 100 ngàn đ/công”.

Đổ ngã trên lúa có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan của người SX. Điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nhiều kết hợp gió mạnh, lốc xoáy, điều kiện đất canh tác thấp, trũng. Bên cạnh đó yếu tố chủ quan như sử dụng giống lúa yếu cây, sạ dày, bón phân mất cân đối, đất ngập nước liên tục...

Việc đưa ra các giải pháp ngay từ khâu chuẩn bị giống, đất trồng, ứng dụng thuốc điều hòa sinh trưởng đúng giai đoạn phát triển của cây lúa... góp phần hạn chế đổ ngã, bảo vệ năng suất, chất lượng lúa thương phẩm; đồng thời tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận trong canh tác.

Đề cập đến biện pháp hạn chế lúa đổ ngã, ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) chia sẻ: “Ngoài việc chọn giống có đặc tính cứng cây ít đổ ngã, việc cày ải, phơi đất làm đất thật kỹ trước khi xuống giống sẽ giúp lúa phát triển bộ rễ và bám rễ sâu hơn, kết hợp sạ thưa từ 80 -120 kg giống/ha, bón phân cân đối hợp lý theo nhu cầu cây lúa và bảng so màu lá lúa.

Đồng thời ứng dụng biện pháp tiết giảm nước tưới ngập khô xen kẽ, trước làm đòng nên giữ đất khô, ức chế chiều cao cây, giúp rễ bám sâu sẽ hạn chế lúa đổ ngã, giảm chi phí, tăng năng suất. Có thể sử dụng một số chất điều hòa sinh trưởng giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh hơn, ăn sâu hơn vào đất giúp cây bám chặt và đứng vững hơn trên mặt ruộng".

Với kinh nghiệm trong canh tác và hạn chế đổ ngã trên lúa, anh Đỗ Trạng, nông dân TTF (Tan Thanh farmer - nông dân Tân Thành) của Cty Tân Thành ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chia sẻ: “Với việc làm đất kỹ, sạ thưa và bón phân cân đối kết hợp với việc sử dụng Plastimula 1SL xử lý giống... giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh hơn, bám đất sâu hơn.

Ruộng của tôi trũng nhưng không năm nào lúa đổ ngã. Nếu có mưa nhiều và gió mạnh cây có thể bị nghiêng nhưng không đổ sập hoàn toàn. Sử dụng Plastimula 1SL giúp lúa hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, qua đó có thể tiết giảm được khoảng 15 - 20% lượng phân bón đạm, lân, kali sử dụng cho cả vụ”.

Chất điều hòa sinh trưởng Plastimula 1SL có hoạt chất sinh học (chiết xuất từ than bùn, vỏ, thân và lá cây xoài  (Mangifera indica L) sẽ điều hòa, cân bằng quá trình hấp thu dinh dưỡng, giúp cây lúa phát triển cân đối; đặc biệt là bộ rễ phát triển mạnh, bám sâu trong đất hạn chế đổ ngã. Thăm đồng thường xuyên để theo dõi và kịp thời phát hiện, phòng trừ dịch hại sớm, góp phần hạn chế đổ ngã và bảo vệ năng suất lúa.


Related news

phong-tru-benh-lep-vang-do-vi-khuan Phòng trừ bệnh lép vàng… lua-tbr97-va-bc15-vung-vang-truoc-khi-hau-khac-nghiet Lúa TBR97 và BC15 vững…