Tin thủy sản Kinh nghiệm nuôi tôm mùa lạnh

Kinh nghiệm nuôi tôm mùa lạnh

Author Nguyễn An, publish date Wednesday. December 29th, 2021

Nhiệt độ xuống thấp vào mùa lạnh làm ảnh hưởng sức đề kháng, quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Do vậy, người nuôi cần có những biện pháp chăm sóc hợp lý để đảm bảo sức khỏe tôm, tránh các thiệt hại xảy ra.

Ảnh hưởng

Mùa lạnh nhiệt độ nước ao nuôi xuống thấp (đặc biệt nhanh khi sử dụng sục khí). Trong khi đó, đặc điểm của tôm nuôi chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 25 – 32 độ C, khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, tôm sẽ ngừng sinh trưởng, cường độ bắt mồi thấp, tôm giảm ăn, hệ số FCR tăng cao (từ 1,5 – 1,8), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2 g/con/ngày (so với mùa nắng là 0,3 g/con/ngày), điều này có nghĩa thời gian nuôi sẽ bị kéo dài hơn khoảng 1,5 lần.

Cường độ bắt mồi và chuyển đổi thức ăn kém, trong khi độ mặn, pH, kiềm thay đổi làm tôm khi lột xác thường bị chết do mềm vỏ (tôm chết dạng cục thịt). Cùng đó, nhiệt độ xuống thấp làm cho hoạt động xiphong, vệ sinh đáy của công nhân thường không đảm bảo. Lượng chất thải, thức ăn dư thừa, xác chết và vỏ tôm còn dư lại trong ao khi trời nắng ấm, nhiệt độ tăng trở lại sẽ phân hủy nhanh tạo nên các khí độc làm ảnh hưởng đến tôm.

Sau mỗi đợt mưa lạnh kéo dài lại là lúc trời nắng, nhiệt độ nước ao nuôi tăng, tảo phát triển mạnh làm tăng độ pH, tăng sự hình thành NH3 gây hại đối với tôm. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước tăng giúp cho các vi khuẩn gây bệnh bùng phát nhanh chóng làm cho tôm dễ dàng bị nhiễm bệnh (đốm trắng, hồng thân, phân trắng…) và có thể gây chết hàng loạt.

Giải pháp

Cải tạo ao: Đối với ao bạt, thực hiện công tác chuẩn bị như vụ trước, thay bạt nếu bạt đã cũ, chà rửa đáy ao. Tuy nhiên, nên phơi ao lâu hơn bình thường từ 2 – 3 ngày vì trời lạnh sẽ lâu khô hơn. Không nên lấy nước vào những ngày gió mùa vì nhiều cặn bẩn và mầm bệnh, nước không ổn định. Trường hợp cần thì nên lấy vào ao lắng xử lý rồi mới cho vào ao nuôi. Đối với ao đất, vẫn cải tạo đáy ao như bình thường, nhưng cần diệt tạp kỹ hơn vì một số loài giáp xác như cua, ốc… vào mùa đông có tập tính đào hang sâu hơn bình thường. Sau khi cải tạo, chuẩn bị ao xong nên lấy nước vào cao hơn bình thường từ 20 – 30 cm. Vì mùa lạnh nước càng ít thì nhiệt độ rất dễ giảm làm tôm chậm lớn, bỏ ăn. Nên lấy nước nhiều hơn sẽ giúp tầng nước bên dưới giữ nhiệt độ tốt hơn.

Thả giống: Vào mùa lạnh tôm rất dễ mắc các bệnh như: đốm trắng, Vibrio, phát sáng… nên người nuôi không nên thả tôm khi nhiệt độ dưới 20 độ C. Để tôm ở trại giống đợi thời tiết ổn định rồi mới mang về thả vì ở trại giống sẽ có hệ thống sưởi giúp tôm phát triển bình thường. Khi trời nắng hoặc nhiệt độ ổn định hơn thì mới tiến hành thả và chọn thời gian thả khoảng từ 11 – 12 giờ trưa, thời điểm này thời tiết ấm áp hơn sẽ giúp tôm nhanh chóng thích nghi với môi trường ao nuôi.

Nên chọn thả những ao khuất gió, để giúp hạn chế nhất gió lạnh ảnh hưởng đến tôm. Nếu không có ao ở vị trí thích hợp thì có thể che chắn bằng bạt hay tôn… để giảm thiểu được lượng gió lạnh ảnh hưởng đến ao.

Trước khi thả giống 30 phút nên chạy máy quạt khí để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ được đảo đều giữa các tầng nước ao, tránh tôm bị sốc.

Sau khi thả tôm thì tiếp hành duy trì quạt khí để đảo đều nước mặt và đáy nền, đồng thời đo nhiệt độ trên mặt và tầng đáy vào buổi sáng sớm và chiều tối.

Thức ăn: Tôm thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ 27 – 32 độ C. Ở nhiệt độ này tôm ăn và phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm xuống mức tối ưu, tôm sẽ không đòi hỏi ăn nhiều mà chúng chỉ cần lượng thức ăn vừa đủ để duy trì các hoạt động của cơ thể. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ nước để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Cần sử dụng sàng để kiểm tra sức ăn của tôm, vào những ngày nhiệt độ giảm mạnh thì có thể giảm ăn hoặc ngưng ăn để tránh tình trạng thức ăn dư thừa, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Khi nhiệt độ ổn định người nuôi cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều chỉnh cho phù hợp. Trong thức ăn, cần bổ sung thêm một số chất hỗ trợ như: men tiêu hóa, Vitamin C, Vitamin B để tăng sức đề kháng cũng như khả năng hấp thụ cho tôm.

Quản lý môi trường: Mùa lạnh tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao nên tăng cường sục khí để cung cấp đầy đủ ôxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho tôm. Hoặc cũng có thể bơm nước từ đáy ao lắng qua để có thể cung cấp thêm nước sạch có nhiệt độ ổn định.

Đối với nuôi trong nhà kín, hệ thống nuôi bể có thể sử dụng một số hệ thống nâng nhiệt để giữ nhiệt độ ổn định khi trời lạnh.

Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc. Nếu phát hiện tôm nuôi bị nhiễm bệnh do vi khuẩn gây ra, cần sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn (Iodine, BKC…) để điều trị.

Vào mùa lạnh người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường 2 lần/ngày để kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi, bờ ao, cống bọng nhằm phát hiện kịp thời các yếu tố bất lợi cho tôm. Nếu phát hiện các biểu hiện ngoài tầm kiểm soát, cần liên hệ với cán bộ kỹ thuật chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm để trị các bệnh do virus gây ra, không tự ý xả nước chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài… làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, tránh kéo lưới, đánh bắt cũng như làm cho tôm bị hoảng loạn. Nếu các tình huống trên xảy ra, tôm có thể bị xây xát và các tác nhân như vi khuẩn, nấm… sẽ tấn công gây bệnh cho tôm.


Related news

cong-nghe-phat-hien-virus-o-tom Công nghệ phát hiện virus… probiotics-bien-can-bang-he-vi-sinh-vat-cua-tom Probiotics biển - Cân bằng…