Mô hình kinh tế Kinh Tế Gò Đồi, Mũi Đột Phá Chiến Lược Ở Vùng Tây Gio Linh

Kinh Tế Gò Đồi, Mũi Đột Phá Chiến Lược Ở Vùng Tây Gio Linh

Publish date Wednesday. October 22nd, 2014

Vùng gò đồi, miền núi phía Tây của huyện Gio Linh (Quảng Trị) có tổng diện tích tự nhiên 34.336 ha, chiếm 78% diện tích của toàn huyện. Với lợi thế đất đai, phần lớn là đồi núi, có đất đỏ ba dan, Feralit, thuận lợi cho việc phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày và những mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi phía Tây, Đảng bộ huyện Gio Linh đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-HU về “Phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi, miền núi”. Nhờ vậy, tiềm năng, thế mạnh kinh tế gò đồi của các xã vùng Tây Gio Linh đã được khai thác có hiệu quả.

Từ một vùng đất nằm trên tuyến hàng rào điện tử Mc.namara dày đặc bom đạn, bằng nỗ lực vượt bậc của hàng ngàn người dân, đến nay vùng Tây Gio Linh đang hiện hữu những cánh rừng cao su bạt ngàn, vườn tiêu xanh mướt và những trang trại tổng hợp trị giá hàng tỷ đồng.

Nhớ lại những ngày gian khó đến lập nghiệp ở miền Tây Gio Linh, ông Trần Ngọc Hai ở thôn An Nha (Gio An) kể: “Sau năm 1975, thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế mới ở miền Tây Gio Linh, chúng tôi từ vùng lúa Trung Hải đã tự nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Buổi đầu gặp vô vàn khó khăn vì đây là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đất đai hoang hóa, dày đặc đạn bom. Để có đất canh tác, chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu để khai hoang, phục hóa đưa vào sản xuất, đến nay thì cuộc sống đã ổn định và khá giả”.

Trên thực tế, vùng Tây Gio Linh được trù phú như ngày hôm nay là nhờ vào chủ trương phát triển cây cao su. Mãi đến năm 2000, khi cây cao su đứng chân được trên mảnh đất này thì tiềm năng và thế mạnh vùng gò đồi mới được đánh thức và chú trọng khai thác.

Giờ đây ở miền Tây Gio Linh là một màu xanh bất tận của cây cao su, hồ tiêu và những cánh rừng đã phủ kín vùng gò đồi. Ban đầu chỉ vài trăm héc ta, đến nay toàn huyện đã phát triển được hơn 2.700 ha diện tích cao su tiểu điền. Trung bình mỗi xã có từ 100- 300 ha cao su tiểu điền.

Trong đó có hơn 650 ha đã cho khai thác và mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho một số hộ gia đình vốn trước đây rất khó khăn. Điển hình như gia đình ông Võ Viết Cương, Lý Văn Tâm ở xã Linh Hải, Hồ Thỏn ở xã Hải Thái... đã phát triển cao su tiểu điền theo mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi tổng hợp mang lại giá trị kinh tế cao…

Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Vào thời điểm năm 2003, giá mủ cao su tăng cao, hiệu quả kinh tế từ cây cao su mang lại được khẳng định. Được sự tiếp sức, hỗ trợ của Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp, các hộ dân ở miền Tây Gio Linh bắt đầu phát triển mạnh cây cao su tiểu điền. Chỉ trong vòng 10 năm, toàn huyện đã phát triển được gần 3.000 ha cao su tiểu điền. Mặc dù năm 2014 giá mủ cao su giảm, nhưng cây cao su ở Gio Linh vẫn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gò đồi, được người dân lựa chọn”.

Bên cạnh cây cao su, nhân dân ở vùng Tây Gio Linh còn trồng được 448 ha hồ tiêu. Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng gò đồi của huyện ngày càng phát triển. Nhờ phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát được đói nghèo mà còn vươn lên giàu có, không ít gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Đến nay, vùng gò đồi miền núi huyện Gio Linh đã hình thành gần 100 trang trại tổng hợp lấy cây cao su và hồ tiêu làm cây trồng chủ lực kết hợp với chăn nuôi, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Nhưng điều quan trọng nhất là nhờ cuộc vận động di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã miền Tây Gio Linh sau ngày hòa bình đã lập nên những xóm làng, vườn rừng, vườn đồi, các trang trại trù mật của người Kinh trên vùng đất mới. Sự đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giữa người miền xuôi và miền núi đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều bản địa, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.

Các vùng đất như Khe Me, Khe Mướp, Khe Môn… hoang hóa, dày đặc đạn bom trước đây bây giờ được người dân khai hoang, phục hóa trồng cây cao su, trồng rừng cho thu nhập cao. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu như Hồ Văn Khoi (thôn Ba De), Hồ Văn Tình (thôn Bến Mốc 1), Hồ Văn Liên (thôn Bãi Hà) ở xã Linh Thượng có thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng/hộ.

Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Gio Linh sẽ phát triển thêm 2.000 ha, nâng tổng số diện tích cao su tiểu điền trên toàn huyện đạt gần 5.000 ha.

Để thực hiện chủ trương này, huyện đang chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, đồng thời tiến hành chuyển đổi những diện tích rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, bởi cây cao su vừa là cây công nghiệp dài ngày vừa là cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhiệm vụ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Song song với công tác quy hoạch sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp nhận các chương trình, nguồn vốn nhằm hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng mới. Bên cạnh đó sẽ triển khai công tác hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chọn giống có chất lượng, tập huấn kỹ thuật khai thác và tạo đầu ra cho sản phẩm.

Bây giờ ở vùng gò đồi, miền núi Tây Gio Linh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua hàng năm; nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no đủ từ những vườn cao su, hồ tiêu và vườn rừng là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh trong việc tận dụng và khai thác hết tiềm năng thế mạnh của vùng Tây Gio Linh.


Related news

gio-an-chu-trong-phat-trien-kinh-te-da-dang-va-ben-vung Gio An Chú Trọng Phát… hieu-qua-tu-mo-hinh-kinh-te-tong-hop Hiệu Quả Từ Mô Hình…