Trồng lúa Kỹ thuật bón phân viên nén NK dúi sâu cho lúa nước

Kỹ thuật bón phân viên nén NK dúi sâu cho lúa nước

Author Kỹ sư Nguyễn Thị Hằng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái), publish date Tuesday. July 23rd, 2019

Phân bón viên nén dúi sâu là loại phân chậm tan, tan từ từ vừa đủ cho cây hút, đủ dinh dưỡng. Cả vụ chỉ bón dúi một lần, đơn giản, dễ làm và chủ động trong sản xuất.

Nông dân huyện Văn Chấn cấy lúa và sử dụng phân viên nén dúi sâu.

Sử dụng phân viên nén dúi sâu tiết kiệm được 30% - 35% lượng đạm; tăng năng suất lúa từ 10% - 20% so với cách bón phân vãi thông thường, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh hại lúa, tiết kiệm được công lao động và chi phí, giảm tác hại đối với môi trường.

1. Kỹ thuật cấy lúa:

* Chuẩn bị khung cấy:

- Dùng nguyên liệu tại chỗ (che, hóp, gỗ) đóng bộ khung cấy.

- Sử dụng dây cấy chế sẵn hoặc dùng 6 sợi dây được tháo ra từ bao tải để xe thành dây cấy. Bộ dây cấy chỉ nên dài khoảng 30 m.

* Chuẩn bị ruộng cấy: Yêu cầu cày bừa, làm đất như với ruộng cấy lúa bình thường, bừa càng phẳng mặt ruộng thì càng dễ quản lý mực nước, cấy và dúi phân nhanh. Bón lót từ 200 - 300kg phân chuồng hoai và 10 - 15kg phân lân Văn Điển hoặc supe Lâm Thao cho 1 sào Bắc bộ (360m2) trước khi cấy như bón phân thông thường. Luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm từ lúc cấy cho đến khi bón phân.

* Cấy lúa: Cấy thẳng hàng, đúng mật độ, khoảng cách. Nên cấy lúa theo từng luống cách nhau 25cm để thuận tiện cho việc chăm sóc và áp dụng kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu sau này. Mỗi luống gồm có 8 hàng lúa theo khoảng cách như sau:

+ Đối với lúa thuần: Khoảng cách cấy 18 x 18 cm ( nghĩa là khóm cách khóm 18 cm, hàng cách hàng 18cm), mỗi khóm từ 1 - 2 dảnh.

+Đối với lúa lai: Khoảng cách cấy 20cm x 20cm (hàng cách hàng 20cm, khóm cách khóm 20cm), cấy 1 dảnh/khóm, nếu đất tốt có thể cấy thưa hơn với khoảng cách 22cm x 22cm. Cấy đúng tuổi mạ (có 3 - 4 lá thật), cấy nông tay.

2. Kỹ thuật bón phân cho lúa cấy:

* Lượng phân bón cho vụ xuân:

- Lượng phân bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 7,5 - 8,0kg/sào Bắc bộ (360m2).

- Kỹ thuật bón (dúi) phân viên nén NK: Bón tốt nhất là ngay sau khi cấy từ 2 - 3 ngày, thời gian bón càng ngắn càng tốt.

+ Mực nước trong ruộng lúc bón phân sâu bằng một đốt ngón tay là vừa.

+ Cách bón: Bỏ sẵn phân viên vào 1 cái túi đeo bên mình, số lượng phân viên phải đủ để bón cho 2 băng lúa, mỗi người đi 1 hàng bón dúi cho 2 hàng bên cạnh (cách 1 hàng bón dúi cho 1 hàng, cứ 4 khóm lúa bón dúi 1 viên phân nén NK).

+ Cách dúi phân: Một tay luôn để khô để lấy phân đưa qua tay kia dúi sâu 6 - 8 cm so với mặt ruộng (ngập hết 2 ngón tay cầm viên phân là vừa). Sau khi dúi xong, dùng tay gạt nhẹ một lớp bùn mỏng phủ kín viên phân.

3. Một số điểm lưu ý khi bón phân viên nén NK để đạt hiệu quả cao nhất: 

- Cấy lúa thẳng hàng để dúi phân nhanh, dễ dúi, dúi đúng vị trí và đảm bảo mật độ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đồng đều, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cho năng suất cao.

- Không nên bón phân viên trên các chân ruộng đất cát, cát pha, hiệu quả sẽ không cao do khả năng giữ phân của đất kém.

- Thường xuyên kiểm tra mực nước trên ruộng, không để ruộng khô nứt nẻ gây mất phân.

- Trong vòng 30 ngày đầu sau khi dúi phân, không nên bước chân vào ruộng để không làm xê dịch viên phân.

- Không nên dúi viên phân nông hơn 5cm hoặc dúi sâu quá 10cm vì như vậy, phân dễ bị bay hơi hoặc lâu thấm lên phía trên làm cho lúa chậm phát triển.

- Bón phân viên NK thì nhất thiết phải bón thêm 200 - 300kg phân chuồng hoai mục, 10 - 15kg supe lân cho 1 sào 360m2.

- Có thể kết hợp phun thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa sau khi dúi phân viên nén NK xong.


Related news

cach-diet-tru-oc-buou-vang Cách diệt trừ ốc bươu… hieu-qua-tu-viec-luan-canh-cay-trong-tren-dat-lua Hiệu quả từ việc luân…