Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 6

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 6

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Friday. January 26th, 2018

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

1/ Phương pháp sạ thẳng

1.2 Sạ khô

• Chuẩn bị đất 

Đất phải được cày ải sau khi thu hoạch vụ lúa mùa hay đông xuân năm trước. Đến tháng 4, khi có được những cơn mưa đầu mùa, người ta tiến hành cày trở, lượm sạch cỏ rồi bừa cho đất tơi ra, cục đất to bằng nắm tay là vừa. Đào những rãnh thoát nước (sâu 20 cm) cách nhau khoảng 10-20 m. Các rãnh nầy được nối liền với những mương sâu hơn (50 cm) và rộng hơn để bảo đảm đưa tất cả lượng nước mưa đầu mùa ra khỏi ruộng. Vì lượng nước mưa đầu mùa đã hòa tan các muối mặn hoặc muối phèn tích lũy trong lớp đất mặt trong mùa khô. Lượng nước nầy rất độc, nếu giữ lại trong ruộng lúa sẽ bị chết. 

• Chuẩn bị hạt giống 

Cần chọn những giống lúa thật ngắn ngày, kháng một số loại sâu bệnh chính trong vùng, thích nghi tốt với điều kiện tại địa phương, chịu hạn giỏi. Hạt giống cần phải thuần rặt (không lẫn giống), sạch (không có lẫn tạp chất, hạt cỏ, hạt lép), khô, chắc hạt, không bị bệnh và có độ nẩy mầm trên 80%. Hạt giống khô không ngâm ủ được trộn với một trong các loại thuốc trừ sâu để bảo vệ hạt, ngừa dế, kiến, chim, chuột. 

• Sạ 

Lượng giống cần cho mỗi hecta tùy loại giống lúa, đất đai và tỉ lệ nẩy mầm của hạt giống, trung bình từ 150-200 kg/ha. Khi sạ cần rải thật đều tay để hạt phân phối đều trên toàn khu ruộng. Sạ xong nên bừa lấp hạt để tránh chim chuột phá hại và giữ ẩm tốt. 

• Bón phân 

Đối với lúa sạ khô có thể bón phân làm 4 lần cơ bản trong suốt vụ như sau: 

- Bón lót: (trước khi sạ, ngay khi bừa đất) toàn bộ phân chuồng, phân lân, trộn phân vào đất. 

- Bón thúc lần 1: (10-15 ngày sau khi hạt nẩy mầm) bón 1/5 lượng phân đạm giúp cây lúa non sớm phát triển, có chồi sớm và khỏe, mau đạt được chồi tối đa và lấn át cỏ dại. 

- Bón thúc lần 2: (25-30 ngày sau khi nẩy mầm tức 15-20 ngày sau khi bón thúc lần 1) 2/5 lượng phân đạm cung cấp cho lúa nở bụi tích cực. 

- Bón nuôi đòng: (18-20 ngày trước khi trổ) lúc đòng đòng dài khoảng 1-2 cm trong bẹ lá: 1/5 lượng đạm và 1/2 lượng kali để giảm số hạt thoái hóa, tăng số hạt trên bông. 

- Bón nuôi hạt: (khi lúa trổ đều) 1/5 lượng đạm và 1/2 lượng kali để tăng tỉ lệ hạt chắc và trọng lượng hạt.  

Hình 6.7. Các thời kỳ bón phân và điều chỉnh mực nước ruộng cho lúa sạ khô, với giống có thời gian sinh trưởng 100 ngày 

Chăm sóc  

- Giữ nước: Những trận mưa đầu mùa phải thoát hết ra khỏi ruộng. Với ẩm độ còn lại trong đất, hạt có thể nẩy mầm được. Đến khi mưa nhiều lượng chất độc hòa tan đã giảm, nên giữ nước lại cho lúa phát triển, mực nước tốt nhất là từ 5-10 cm cho đến 10 ngày trước khi thu hoạch. 

- Làm cỏ: Đối với lúa sạ khô, vấn đề cỏ dại rất quan trọng. Cần dọn cỏ thật kỹ trước khi sa. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ tiền và hậu nẩy mầm rất hiệu quả sẳn có trên thị trường. Thuốc cỏ tiền nẩy mầm dùng xử lý cỏ trước khi hạt cỏ nẩy mầm, còn hậu nẩy mầm thì xử lý sau khi cỏ đã mọc còn non. Liều lượng, thời gian và phương pháp xử lý tuân theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất thì mới đạt hiệu quả tốt. Sau đó có thể làm cỏ bằng tay và tiếp tục khi thấy cỏ xuất hiện.   

- Phòng trừ sâu bệnh: Như đối với lúa sạ ướt, tuy nhiên cần chú ý các đối tượng gây hại trong điều kiện ruộng không ngập nước ở giai đoạn đầu như dế, chim chuột, bù lạch…


Related news

ky-thuat-canh-tac-lua-phan-7 Kỹ thuật canh tác lúa… ky-thuat-canh-tac-lua-phan-5 Kỹ thuật canh tác lúa…