Nuôi gà Kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong nuôi gà

Kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong nuôi gà

Author Phương Đông, publish date Wednesday. August 8th, 2018

Làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà đang ngày càng được áp dụng rộng rãi nhờ nâng cao năng suất, giảm các bệnh thường gặp và tiết kiệm chi phí công chăm sóc.

Nuôi gà trên nền đẹm lót sinh học giảm chi phí chăn nuôi

Đệm lót sinh học

Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn có thể là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào… kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Riêng phân của gà sau khi thu dọn đệm lót có thể dùng bón cây rất tốt.

Đệm lót nền chuồng được xử lý và bảo dưỡng tốt có thời gian sử dụng 6 - 12 tháng, thời gian sử dụng phụ thuộc vào các yếu tố: Nguyên liệu dùng làm đệm lót; độ dày đệm lót (nếu đêm lót quá mỏng thì thời gian sử dụng ngắn hơn so với chất độn dày); chế độ xử lý, bảo dưỡng...

Chuẩn bị chuồng trại

Tùy điều kiện chăn nuôi, quy mô và hình thức nuôi để người nuôi có thể xây dựng chuồng trại phù hợp. Nếu chuồng trại đang trong quá trình xây có thể để nền chuồng bằng đất nện chặt để giảm chi phí xây dựng mà vẫn có thể sử dụng được đệm lót. Đối với chuồng trại đang chăn nuôi bằng nền gạch, xi măng cũng không cần cải tạo lại chuồng mà vẫn có thể sử dụng luôn đệm lót.

Chuẩn bị vật liệu: Vật liệu để làm đệm lót chuồng gồm trấu, mùn cưa, lõi ngô… và men vi sinh (thường dùng men Balasa No1 hoặc Lacsachu, green farm của Công ty Thuốc thú y Hải Nguyên).

Thường nguyên liệu bằng trấu được nhiều người nuôi sử dụng cho chuồng nuôi gà úm hay gà thịt. Tùy vào diện tích của chuồng nuôi và loại chế phẩm sử dụng mà người nuôi tính toán và chuẩn bị các vật liệu thích hợp. Thông thường 1 kg chế phẩm BALASA N01 sử dụng được cho 30 - 35 m2 nền chuồng hoặc 1 kg chế phẩm LBS - NN01 của Công ty Thuốc thú y Hải Nguyên sử dụng được cho 50 m2 nền chuồng nuôi.

Cách trộn chế phẩm: Thông thường 1 kg chế phẩm có thể trộn 5 kg cám ngô, hoặc cám gạo, hoặc có thể trộn lẫn cám ngô và cám gạo tùy từng hộ nuôi. Sau đó cho thêm 2,5 - 3 lít nước sạch vào đảo đều đến khi đạt độ ấm thích hợp (bóp thử một nắm bột thấy không quá khô có bụi hoặc không bị vón cục là đạt), trong điều kiện nhiệt độ cao vào mùa hè, để tiết kiệm thời gian đối với gà thịt có thể trộn xong và rắc trực tiếp lên mặt chuồng đã chuẩn bị đệm lót. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, người nuôi nên để chế phẩm đã chuẩn bị vào túi, thùng… rồi để vào nơi râm mát (mùa hè) khoảng 1 ngày hoặc mùa đông để vào chỗ ấm ủ trong 2 - 3 ngày đến khi men có mùi thơm nhẹ hoặc chua.

Làm đệm lót sinh học từ trấu

Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10 - 15 cm (lớp trấu dày sẽ đạt hiệu quả cao hơn) sau đó thả gà.

Bước 2: Sau 5 - 7 ngày với gà nuôi úm, 1 - 2 ngày với gà nuôi thịt hoặc có thể rắc trực tiếp trong chuồng đang nuôi, quan sát trên bề mặt chuồng khi nào thấy phân rải kín, tiến hành cào đảo nhẹ lớp mặt đệm lót sâu 1 - 3 cm. Nên quây gọn gà về 1 góc hoặc thả gà để tránh gây xáo trộn làm gà bị stress.

Bước 3: Sau khi đảo lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm đã được ủ lên toàn bộ bề mặt chất đệm ở chuồng nuôi. Dùng tay hoặc cào xoa nhẹ đều trên bề mặt đệm lót để men được phân tán đều khắp trên bề mặt của toàn bộ chuồng.

Lưu ý: Nhiệt độ ở đệm lót luôn nóng ẩm nên khi úm gà chỉ cần quây kín phía dưới < 50 cm còn phía trên để thoáng, nếu thắp đèn thì cần phải treo cao, đặc biệt trong mùa nóng.

Với nguyên liệu là mùn cưa hoặc kết hợp với trấu

Do mùn cưa có khả năng hút ẩm tốt nên có thể sử dụng mùn cưa kết hợp trấu trong chuồng nuôi gà đẻ (thời gian nuôi dài).

Bước 1: Rải lớp mùn cưa dày 15 cm lên nền chuồng (nếu kết hợp dùng trấu thì rải 8 – 10 cm trấu trước, sau đó rải tiếp 7 – 10 cm mùn cưa). Nếu mùn cưa quá khô, có thể phun, tưới nước sạch đều lên trên lớp mùn cưa sao cho mùn cưa có độ ẩm 20% rồi trộn đều (dùng tay bốc một nắm mùn cưa, quan sát thấy hạt mùn cưa bị thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được hoặc dùng tay bóp chặt cám cưa nếu thấy cám cưa vỡ ra là đạt độ ẩm thích hợp, nếu cám cưa không vỡ mà thành cục thì quá ẩm);  Sau đó tiến hành thả gà vào nuôi.

Bước 2 và bước 3: Quá trình thực hiện giống với làm đệm lót bằng trấu.

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng

Sau 2 - 3 ngày tiến hành cào trên bề mặt đệm lót để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân được phân hủy nhanh hơn. Đối với gà nuôi chuồng lồng 2 tầng cứ 3 ngày đảo đệm lót 1 lần; Đối với chuồng lồng 3 tầng cứ 2 ngày đảo đệm lót 1 lần. Trong quá trình cào trên bề mặt đệm lót không được cào sâu xuống sát nền chuồng; Luôn giữ cho nền đệm lót khô để phân hủy phân tốt; Có các biện pháp tránh để bị nước mưa hắt vào làm ướt đệm lót, nếu thấy nước rớt làm ướt đệm lót thì phải thay ngay bằng lớp trấu mới.

Đệm lót lên men có sự khử trùng tố nên không cần phun thuốc định kỳ lên mặt đệm lót. Khi phát hiện đệm lót có mùi khai, thối… cần có cách xử lý phù hợp xới tơi đệm lót, để chuồng thông thoáng, mùa nóng có thể dùng quạt gió, sau đó bổ sung chế phẩm. Trong mùa nóng, cần mở hết cửa cho thông thoáng, nếu cần phải dùng quạt hơi nước để thoát hơi nóng và làm mát chuồng nuôi cho gà. Trong những tháng nóng nhất nên thực hiện nuôi trên đệm lót mỏng định kỳ thay mới nếu không có biện pháp chống nóng thích hợp.

>> Nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp gà giảm tỷ lệ mắc bệnh cao, nhất là bệnh tiêu chảy và bệnh hen. Giúp giảm tỷ lệ chết ở gà đẻ là 5% và ở gà thịt là 2%. Mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học đang được cả nước khuyến khích áp dụng và được coi là mô hình an toàn thân thiện với môi trường.


Related news

ga-tre-tan-chau Gà tre Tân Châu phuong-phap-thu-tinh-nhan-tao-cho-ga-ho Phương pháp thụ tinh nhân…