Tin thủy sản Kỹ thuật nuôi cá ao nổi

Kỹ thuật nuôi cá ao nổi

Author Bảo Bình (tổng hợp), publish date Monday. September 18th, 2017

Nuôi cá ao nổi là phương pháp nuôi không cần đào ao, chỉ cần tạo bờ, xây dựng bờ trên mặt ruộng rồi bơm nước vào để nuôi cá. Đây hiện là phương thức đang được nhiều hộ dân áp dụng, cho hiệu quả khá.

Mô hình nuôi cá trên ao nổi tại xã Gia Phương (Gia Viễn) Ảnh: Internet

Đặc điểm nuôi cá ao nổi

Nuôi cá ao nổi đã giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, nâng cấp năng suất, có thể thay thế cho phương pháp nuôi truyền thống mà hiệu quả vẫn cao. Nuôi cá ao nổi có ưu điểm là khi tát ao có thể tháo nước triệt để, phơi khô dễ, cải tạo đáy tốt. Khi đào ao, không cần đào sâu như ao chìm, đất lấy từ lòng ao đã đủ đắp bờ không tốn đất bên ngoài. Ao nổi với bề mặt thoáng cao giúp môi trường nước sạch, cá ít dịch bệnh, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.

Mô hình ao nổi phù hợp với một số vùng đất chua, phèn, hoang hóa, thấp trũng… không thuận lợi cho kiểu nuôi cá truyền thống do có nồng độ pH thấp. Ao nổi cá sẽ không bị sốc chua, bờ ao không bị đất chua nên có thể trồng cây ngay, khi thu hoạch cá chỉ cần tháo cống, không cần phải sử dụng máy bơm và nạo vét nhanh hơn so với ao truyền thống.

Cùng đó, cá nuôi trong mô hình ao nổi được tiếp xúc với ánh nắng, với gió tự nhiên nhiều nên môi trường rất đảm bảo, không bị cớm ngợp như ao chìm, ít khi dịch bệnh. Khi nuôi trong ao nổi cũng tiết kiệm được tiền điện và nhân công vận hành máy móc thu hoạch cũng như trong quá trình nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm thì ao nổi cũng có một số nhược điểm cần lưu ý đó là khó thiết kế, phải làm đồng bộ, chi phí gia cố bờ ao lớn… Đặc biệt là khi làm ao nổi thì phải làm trên khu đất mới, có độ phẳng cao.

Kỹ thuật nuôi cá ao nổi

Theo chia sẻ của các hộ nuôi, để ứng dụng phương thức này vào sản xuất cần phải chuẩn bị kỹ khâu ao nuôi, nguồn con giống, thức ăn, thời điểm và thu hoạch.

Chuẩn bị ao nuôi

Trước hết là đắp bờ ao cần làm nhiều đợt, 2 - 3 ngày tiến hành nén lại đất bờ. Ao đào sâu 30 - 50 cm, chủ yếu lấy lớp đất mầu đắp thành bờ cao 1,5 - 2 m. Mực nước trong ao nuôi cá thịt 1,8 - 2 m và cá giống 1,3 - 1,5 m.

Khối lượng đất đào đắp chỉ 30 - 50% so ao kiểu cũ. Tăng diện tích mặt nước lên trên 80% và ít phải nạo vét bùn. Đáy ao đào phẳng thuận tiện cho thu hoạch và tốt nhất nên lót bạt đáy để nước sạch, không lẫn bùn, thuận tiện vệ sinh đáy ao. Diện tích đào ao ít nhất là 3.000 m2, xây theo hướng, hướng cho cá ăn là hướng Đông Nam, nên đào nông, khi thức ăn được thả xuống sẽ khuếch tán khắp mặt ao, hướng trú là hướng Tây Bắc nên đào sâu để mùa hè cá trú nắng, mùa đông trú rét. Ao thường xuyên bị hao nước nên cần phải có nguồn cấp nước bổ sung, gần cung cấp nước sạch hoặc có ao lắng. Lượng thứ ăn sáng 30% chiều 70% như vậy cá sẽ tăng kích thước nhanh. Bên cạnh đó, một điều cần lưu ý là cần tạo ao thông nhau để điều tiết nước, tránh nước tràn.

Chăm sóc, quản lý

Nuôi cá trên ao nổi làm tăng ôxy trong ao, ôxy hòa tan trong nước lớn dẫn đến cá ít dịch bệnh và nhanh lớn. Giống cá đầu tiên mà bà con lưu ý thả là cá rô phi đơn tính bởi đây là loại cá có thời gian thu hoạch ngắn, khỏe mạnh, thích ứng tốt với mọi điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Chính vì thế, tỷ lệ thả cá rô phi nên chiếm 70 - 80%, còn lại là cá mè, cá trắm, cá chép…  Cá mè là loài rất cần được thả nuôi trong ao nổi bởi nó sẽ là con lọc nước để không có rêu xanh. Sau 6 tháng, cá đạt trọng lượng 1,4 - 1,5 kg/con. Lúc thu hoạch cá chỉ cần xả ống là nước tự chảy.

Nếu nuôi ở quy mô lớn, bà con có thể quản lý số lượng cá đến lượng thức ăn hàng ngày bằng công nghệ máy tính. Hiện, có khá nhiều phần mềm giúp cho người chăn nuôi tính toán được việc này. Mỗi kg cám cho cá đều phải được nhập vào máy, cuối mỗi ngày sẽ tổng hợp để điều chỉnh cho phù hợp ngày hôm sau. Điều này sẽ giúp quản lý các ao cá mọi lúc mọi nơi. Nên sử dụng thức ăn dạng nổi để kích thích cá ăn mạnh và tránh phân tầng với phân của cá. Lựa chọn thức ăn có độ đạm cao, tùy từng sự phát triển của cá để lựa chọn loại thức ăn phù hợp. Trong quá trình cho ăn, bật quạt nước 10 - 15 phút trước khi ăn, sau khi cá ăn xong, cho nước chảy để loại bỏ thức ăn dư thừa ra ngoài, sau đó cho nước chảy từ từ.

Cách 12 - 15 ngày cần sát khuẩn cho cá 1 lần để chống rêu mốc và phát sinh bệnh do phân cá và thức ăn dư thừa; trong quá trình nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học để vệ sinh ao, dùng Vicato hoặc viên sủi khử khuẩn Vạn Tiêu Linh để sát khuẩn định kỳ cho cá.

Ngoài các yếu tố là con giống, khoa học và công nghệ, thức ăn nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người; theo đó cần theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh các chế độ chăm sóc cho cá một cách hợp lý nhất; giảm tổn thất trong nuôi trồng.

HTX SX&TM Thủy sản Xuyên Việt (xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) đã ứng dụng công nghệ Israel trong mô hình nuôi cá ao nổi cho hiệu quả tốt. Với diện tích ao nuôi hơn 7 ha (gồm 12 ao cá giống và 3 ao cá thương phẩm), bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 80 - 100 tấn cá, doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm. Mọi hoạt động sản xuất đều được quản lý bằng công nghệ. Số lượng cá trong ao được quản lý bằng máy tính. Mỗi cân cám đều được tính toán hợp lý trên số lượng cá trong ao, sau đó được nhập vào máy và tổng hợp lại vào cuối ngày để tính toán, điều chỉnh cho hôm sau.


Related news

ecuador-san-luong-tom-giam-trong-thang-8-2017 Ecuador: Sản lượng tôm giảm… ha-tinh-lam-giau-tu-nuoi-oc-huong Hà Tĩnh: Làm giàu từ…