Mô hình kinh tế Kỹ Thuật Trồng Nấm Bào Ngư Cho Hiệu Quả Cao

Kỹ Thuật Trồng Nấm Bào Ngư Cho Hiệu Quả Cao

Publish date Wednesday. March 4th, 2015

Hiện nay, nấm bào ngư đã được trồng thành công tại một số hộ dân ở Phú Yên. Tuy nhiên, để có thể thu hoạch sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, người dân cần tuân thủ kỹ thuật trồng và phương pháp bảo quản hợp lý.

Ứng dụng kỹ thuật cao

Thạc sĩ Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên), cho biết, nấm sò có thể trồng quanh năm nhưng thuận lợi nhất từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau. Nguyên liệu để trồng loại nấm này rất phong phú gồm xenlulo của rơm rạ, bông phế liệu, mùn cưa, bã mía, vỏ hạt cà phê, lõi bắp, bột cỏ nghiền; trong đó, phổ biến nhất là trồng nấm sò trên rơm rạ, bông phế liệu, mùn cưa vì chúng dễ xử lý và cho hiệu quả cao.

Quá trình trồng nấm sò được bắt đầu bằng việc xử lý nguồn nguyên liệu. Việc xử lý này có thể tiến hành theo 2 cách: ủ đống lên men gia nhiệt hoặc hấp khử trùng.

Với cách thứ nhất, rơm rạ khô được làm ướt bằng nước vôi có pH > 12, sau đó ủ thành đống (tối thiểu 300kg); dưới đáy đống ủ kê thêm kệ để tránh đọng nước, xung quanh bên ngoài đống ủ (trừ phần chóp) được quây bằng bao nilon để giữ nhiệt và giữ ẩm.

Sau 3 đến 4 ngày, người ta tiến hành đảo đống ủ; sau đó tiếp tục ủ thêm khoảng 3 ngày nữa là có thể sử dụng nguyên liệu để cấy giống. Đối với cách thứ hai, rơm rạ ngâm trong nước vôi từ 15 đến 20 phút, sau đó vớt ra để ráo nước và tiếp tục ủ lại từ 2 đến 3 ngày, rồi băm thành đoạn dài khoảng 10cm; mùn cưa tạo ẩm với nước vôi 1% và ủ lại khoảng 5 ngày; bã mía tạo ẩm với nước vôi 1%, ủ từ 10 đến 12 ngày.

Các loại nguyên liệu này có thể đóng túi từng loại riêng hoặc phối hợp nguyên liệu với nhau theo những tỉ lệ nhất định, sau đó cho vào túi nilông chịu nhiệt có nút cổ túi bằng cổ nhựa và bông sạch để đóng thành bịch và hấp trong nồi áp suất từ 1,3 đến 1,4 atmotphe; nhiệt độ dao động ở 121 đến 1250C; trong thời gian từ 4 đến 5 giờ.

Sau khi đã xử lý nguyên liệu, người trồng nấm cần chuẩn bị khu vực cấy giống nấm sạch sẽ, kín gió để cấy giống và sau khi hoàn thành công đoạn này thì chuyển các bịch đã cấy giống vào phòng nuôi sợi. Thời gian nuôi sợi kéo dài từ 25 đến 30 ngày tùy theo mùa và thời tiết. Trong quá trình nuôi sợi, nếu sợi nấm phát triển mọc dần vào nguyên liệu tạo nên màu trắng đồng nhất, bịch rắn chắc là tốt. Nếu giống không mọc kín nguyên liệu hoặc không phát triển có thể do nguyên liệu quá ẩm hoặc đã bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi sợi, nếu kiểm tra thấy bịch bị nhiễm mốc xanh đen, cần loại bỏ ra xa nơi nuôi trồng.

Khi sợi đã mọc trắng kín bịch, người ta dùng dao nhọn, sắc rạch 3 vết xung quanh bịch. Chiều dài vết rạch 3 đến 4cm; sâu 2 đến 3mm, khoảng cách giữa các vết rạch so le và đều nhau. Sau khi rạch bịch, người ta gỡ bỏ nút bông, dùng tay ép nhẹ vào bịch nấm sau đó dùng chun buộc kín miệng túi. Các bịch nấm này được sắp xếp cho miệng bịch quay xuống dưới và tiếp tục chăm sóc để chuẩn bị thu hái.

Bảo quản tốt để n ng cao chất lượng

Theo ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa), cũng là một hộ dân trồng nấm bào ngư khá thành công thì hiện nay, do nhu cầu sử dụng nấm bào ngư của người dân tăng cao nên đầu ra của sản phẩm này khá rộng rãi. Tuy nhiên, các sản phẩm nấm nói chung, nấm bào ngư nói riêng chủ yếu bán ra dưới dạng thô nên giá trị chưa cao, chỉ tầm 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Hiện nay, TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa có khoảng 5 hộ dân đã tham gia trồng loại nấm này.

Chia sẻ một số kinh nghiệm thu hái và bảo quản để cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bà Đặng Thị Thủy nói: Người trồng nấm nên thu hái khi nấm ở giai đoạn trưởng thành. Lúc này, tai nấm chuyển từ dạng phễu lệch sang dạng lá lục bình, mũ nấm mỏng lại và căng rộng ra, mép hơi quằn xuống.

Nấm thu ở giai đoạn này, ngoài chất lượng dinh dưỡng cao, lại còn ít bị hư hỏng và dễ bảo quản. Nấm hái xong, nên cắt gốc cho sạch và cho vào túi ni lông có đục nhiều lỗ nhỏ giúp thông khí và làm cho tế bào nấm không bị ngộp chết. Tùy theo giống nấm, có thể thu hoạch khoảng 6 đến 12 đợt, mỗi đợt cách nhau chừng 15 đến 20 ngày trong khoảng 2 đến 8 tháng. Khi bịch đen và tóp lại thì ngưng việc thu hái.

Nấm sau khi thu hoạch xong cần đặt vào nơi thoáng mát để phân loại và xử lý sơ bộ. Với nấm sò, cần chọn lựa từng chùm nấm, loại bỏ những chùm quá già, giập nát hay bị sâu, dòi; cắt bỏ phần cuống nấm có dính mạt cưa, bảo quản cho khối nấm ở nhiệt độ 100C để kìm hãm quá trình hô hấp của nấm và cả vi sinh vật, giúp giữ nấm tươi lâu và tránh thất thoát chất dinh dưỡng.

Khi thu hoạch, người trồng nấm cần chú ý hạn chế làm nấm bị xây xát hay giập vì những chỗ bị giập hay xây xát rất dễ bị vi khuẩn tấn công làm nấm nhanh bị hư hỏng. Sau khi thu hoạch, người dân cần làm vệ sinh sạch sẽ gốc nấm còn sót lại trong bịch nấm, mới tiếp tục chăm sóc để đạt hiệu quả trong những lứa thu hoạch tiếp theo.

Theo thạc sĩ Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên), nấm bào ngư hay còn gọi là nấm sò có tên khoa học chung là Pleurotus sp, thuộc chi Pleurotus, họ Pleurotaceae. Hiện nay, loại nấm sò chi Pleurotus đã được trồng thành công tại một số hộ dân ở Phú Yên. Tuy nhiên, để việc trồng nấm đạt hiệu quả cao, người dân cần tuân thủ kỹ thuật trồng và có phương pháp thu hái, bảo quản hợp lý.


Related news

tan-chau-an-giang-trinh-dien-mo-hinh-trong-thuc-nghiem-giong-lua-thuan-vn121 Tân Châu (An Giang) Trình… heo-hoi-tang-gia-nhe Heo Hơi Tăng Giá Nhẹ